Bác sĩ tư vấn qua điện thoại cho F0: "Cứ bật camera nhìn thấy bệnh nhân là tôi lại khóc, có những trường hợp rất đáng thương"

Lê Liên |

"Cứ nhìn thấy bệnh nhân hoảng loạn là tôi lại khóc… Sau vài giây mất bình tĩnh tôi trấn an bản thân và cả bệnh nhân bằng câu nói 'Có bác sĩ ở đây rồi'", bác sĩ Dung tâm sự.

Những ngày qua, TP HCM trở thành "tâm dịch" của cả nước, số ca nhiễm lên đến hàng trăm nghìn người. Số lượng F1, F0 có triệu chứng nhẹ hoặc không triệu chứng được hướng dẫn cách ly tại nhà tính đến ngày 27/8 đã lên tới hơn 52.000 người.

Vừa trấn an tâm lý cho một bệnh nhân F0 lớn tuổi được điều trị tại nhà, bác sĩ Phạm Thị Thanh Dung (Giám đốc Phòng khám Y học Cổ truyền Nhân Ái) nén tiếng thở dài. Đây là cuộc gọi thứ bao nhiêu trong ngày chị cũng không biết nữa, vì mỗi ngày chị có đến cả trăm tin nhắn, hàng chục cuộc điện thoại từ những bệnh nhân F0. Chị cứ thế bốc máy lắng nghe, tay nhắn tin liên tục mà chẳng kịp đếm số lượng.

Chị tâm sự, từ khi làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 4 bùng phát tại TP HCM, chứng kiến nhiều trường hợp F1, F0 điều trị tại nhà nhưng chưa có ai kịp thời chăm sóc, quan tâm, chị đã không cầm được nước mắt mỗi khi nhìn thấy hình ảnh đau lòng. Chị quyết định tham gia đăng ký vào mạng lưới thầy thuốc đồng hành cùng F1, F0 triệu chứng nhẹ hoặc không triệu chứng điều trị tại nhà.

Ban đầu, chị Dung chỉ tham gia vào đội hỗ trợ gọi oxy giúp các bệnh nhân có triệu chứng trở nặng. Nhưng nhận thấy mỗi lần bệnh nhân hay người nhà nhắn tin thì tinh thần rất hoảng loạn và lo sợ, chị không đành lòng. Mỗi lần như thế chị lại khóc, khóc vì thương bệnh nhân, khóc vì mình không có "3 đầu 6 tay" để giúp hết được tất cả mọi người.

"Cứ mỗi lần nhận được tin nhắn của họ là tôi lại khóc, lại run run người vì thương. Có những hoàn cảnh không có tiền mua thuốc để uống, thậm chí đồ ăn qua bữa cũng không có. Quan trọng là họ rất lo lắng, mà việc tinh thần không ổn định sẽ khiến bệnh tình trở nên xấu đi. Chính vì thế, tôi đã quyết định tư vấn tâm lý giúp họ, và hỗ trợ thuốc nếu bệnh nhân cần, đồng thời hỗ trợ thực phẩm cho những F0 có hoàn cảnh khó khăn", bác sĩ Dung tâm sự.

Bác sĩ tư vấn qua điện thoại cho F0: Cứ bật camera nhìn thấy bệnh nhân là tôi lại khóc, có những trường hợp rất đáng thương - Ảnh 1.

Mỗi ngày chị Dung nhận rất nhiều cuộc điện thoại nhờ tư vấn từ tinh thần và cách chữa trị.

Khi tư vấn tâm lý cho F0, chị Dung hướng dẫn họ tập những các động tác thở tốt cho phổi, đồng thời hướng dẫn F0 xông mũi đúng cách bằng cách gửi clip để bệnh nhân làm theo, vừa giúp các F0 giảm stress, vừa giúp bệnh nhân mau khỏi bệnh.

Ngoài ra, nếu thấy bệnh nhân nào có chỉ số SPO2 xuống quá thấp hoặc khó thở, chị Dung sẽ kết nối tình nguyện viên mang oxy tới nhà hỗ trợ ngay tức khắc.

Bác sĩ tư vấn qua điện thoại cho F0: Cứ bật camera nhìn thấy bệnh nhân là tôi lại khóc, có những trường hợp rất đáng thương - Ảnh 2.

Khi bệnh nhân trở nặng, bác sĩ Dũng sẽ kêu gọi oxy gấp giúp các F0.

Kể về những ngày đầu nhận tư vấn tâm lý, bác sĩ Dung cho biết: "Cứ bật camera nhìn thấy bệnh nhân là tôi lại khóc, có những trường hợp rất đáng thương, có những cụ già không một ai bên cạnh nằm co quắp một chỗ, có những bà mẹ đơn thân vừa ôm con vừa khóc,… khiến cảm xúc của tôi không thể kìm được. Sau vài giây mất bình tĩnh, tôi trấn an bản thân và cả bệnh nhân bằng câu nói "Có bác sĩ ở đây rồi" để giúp họ có điểm tựa". 

Chỉ cần một câu nói ấy, bệnh nhân cũng an tâm hơn phần nào. Ngoài điều trị tâm lý, chị Dung còn giúp các bệnh nhân điều trị các triệu chứng thường gặp khi mắc COVID-19, cắt thuốc, kê đơn và gửi đến tận nơi cho họ.

'Những bệnh nhân khiến tôi nhớ nhất'

Bệnh nhân khiến chị nhớ nhất là một cụ bà 70 tuổi, tại quận 12. Bà cụ mắc COVID-19 nhưng không một ai bên cạnh. Con gái ở tận quận 4 nên không thể qua. Mặc dù bà không có triệu chứng, tuy nhiên xung quanh nhà cụ ở rất nhiều người đã mất do nhiễm COVID-19, điều này khiến bà rất sợ hãi và hoảng loạn.

"Khi cô con gái cầu cứu hãy giúp mẹ cô ấy, vừa nhìn thấy mặt bệnh nhân, tôi nhận thấy bà sợ hãi ngồi một góc nhà, tay run run, mặt tái nhợt đi không biết phải làm gì. Cố kìm ném cảm xúc tôi trấn an cụ trong khoảng 10 phút thì bà ổn định hơn và chịu uống thuốc. Cứ thế, liên tiếp trong 1 tuần, hằng ngày 2 lần tôi sẽ gọi nói chuyện với cụ khoảng 3-5 phút, hỏi cụ cần gì và cảm thấy như thế nào.

Tôi cũng kê những loại thuốc thông thường cho những biểu hiện sốt, đau đầu, mất vị giác và có cắt thêm thuốc bắc bổ khí huyết và an thần để hỗ trợ cụ bình tâm trở lại. Hôm 27/8, bệnh nhân đã xét nghiệm 3 lần âm tính, sắc mặt đã hồng hào trở lại", bác sĩ Dung chia sẻ.

Hay cách đây 1 tuần, có một nhóm công nhân khoảng 7-8 người bị mắc COVID-19 ở quận 8, gọi y tế phường nhưng chưa được hỗ trợ. Trong số những người mắc COVID-19 ấy đã có 1 người mất. Họ không có tiền để mua thuốc uống, không có cả đồ ăn, vừa đói, vừa mệt, khi gọi điện cho chị Dung nhóm thợ đã khóc òa lên cầu cứu "Bác sĩ hãy cứu chúng tôi với". Nói đến đây chị Dung lại bật khóc vì không nghĩ hiện tại có những hoàn cảnh đáng thương như vậy. Có những hôm chị Dung nhận được tin nhắn cầu cứu giữa đêm khuya của những công nhân nghèo, nước mắt của chị cứ thế rơi.

Vì những hoàn cảnh bệnh nhân như vậy, chị Dung không quản ngày đêm làm việc từ 5h sáng hôm nay đến 2-3h sáng hôm sau. Đến nay sau hơn hơn nửa tháng hỗ trợ các bệnh nhân, con số F0 được chị tư vấn, hỗ trợ điều trị đã lên đến hơn 500 người, hơn 1000 phần thuốc được chị trích tiền từ chính bản thân và các mạnh thường quân hỗ trợ.

Bác sĩ tư vấn qua điện thoại cho F0: Cứ bật camera nhìn thấy bệnh nhân là tôi lại khóc, có những trường hợp rất đáng thương - Ảnh 3.

Động lực để giúp chị Dung đồng hành cùng các F0 là nhìn thấy họ khỏe lại.

Nhiều bệnh nhân F0 sau khi khỏi bệnh đã đăng ký làm shipper giúp chị, đây cũng là động lực giúp chị và các mạnh thường quân tiếp tục công việc hỗ trợ những hoàn cảnh khác. Mặc dù, hiện tại TP HCM đã có những túi thuốc an sinh, nhưng nếu bệnh nhân cần chị Dung và các shipper hỗ trợ, họ luôn sẵn sàng giúp đỡ bất cứ lúc nào.

Nhưng hơn hết, chị Dung và các thầy thuốc khác rất mong TP HCM nhanh chóng dập được dịch, để người dân có thể trở lại cuộc sống bình thường trước kia.

Bác sĩ Dung lưu ý một số điểm cho F1, F0 cách ly tại nhà:

Thứ nhất, trong một gia đình có người nhiễm F0 có triệu chứng nhẹ hay không triệu chứng, các thành viên còn lại nếu test nhanh chưa bị nhiễm nhưng cũng cần phải cách ly tại nhà, không nên ra ngoài vì có nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng.

Thứ hai, bệnh nhân luôn phải có tinh thần tích cực, dù nhiễm bệnh nhẹ hay nặng chúng ta cũng thật bình tĩnh để đối diện và làm theo hướng dẫn của nhân viên y tế, tránh hoảng loạn tinh thần, nếu quá hoảng sợ hãy gọi ngay cho bác sĩ theo số điện thoại: 0908.977.857 để được động viên và giải thích tận tình những điều nên và không nên làm vào giai đoạn cực kỳ lo lắng lúc này. Hãy nhớ tinh thần lạc quan là tự cứu lấy mình.

Thứ ba, khi bị nhiễm F0 tại nhà, triệu chứng nhẹ hoặc không triệu chứng hãy ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, dù không muốn ăn hãy ráng ăn uống vào mới có sức chống lại bệnh tật. Bệnh nhân cũng nên uống nhiều nước, ngủ đủ giấc, tập thể dục, tập thở, tránh căng thẳng, dọn phòng sạch sẽ thoáng mát, xông mũi họng ngày 1- 2 lần, súc miệng bằng nước muối. Nếu sốt thì uống hạ sốt và đặc biệt không tự ý uống quá nhiều kháng sinh, kháng viêm và thuốc chống đông. Đừng tự truyền tay nhau các toa thuốc trên mạng gây ra nhiều hậu quả đáng tiếc.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại