Đừng coi bác sĩ là "thánh nhân"
Từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây, từ quá khứ đến hiện tại, nghề Y luôn là nghề cực khổ nhất, đòi hỏi cao nhất về trí tuệ và cả lòng nhân từ. Một bác sĩ được hành nghề cần phải trải qua quá trình học tập hàng chục năm, vượt qua hàng trăm kỳ thi để nắm vững về học thuật, được chỉ dạy thực hành theo hướng cầm tay chỉ việc. Chỉ khi họ thành thạo tất cả mới được hành nghề.
Về y đức, mỗi người theo học ngành y đều được học lời thề Hippocrates, 12 điều y đức… Hơn ai hết, mỗi người trước khi đến với ngành y đều có tuổi thơ ước ao trở thành bác sĩ cứu người. Vậy đó là mục đích của lòng nhân ái khi đến với ngành y, lòng nhân ái luôn tồn tại trong con người Việt chúng ta.
Ông tổ ngành y Hippocrates sinh ra tại Kefalos - thủ phủ của đảo Kos (Hy Lạp) năm 460 trước công nguyên trong một gia đình có truyền thống Y học.
Ngay từ thời thơ ấu, ông đã được gặp những người bệnh có lòng tôn kính với thầy thuốc, họ thường mang lễ vật tới để cảm ơn sau khi thầy thuốc chữa khỏi bệnh cho họ, họ không bao giờ có hành vi thất lễ với người hành nghề y. Đó là truyền thống đền ơn đáp nghĩa tốt đẹp của con người qua bao đời nay.
Hippocrates là một huyền thoại của ngành y, ông đã chữa trị cho hàng nghìn người bị gãy xương và bào chế ra thuốc trị thương, cứu được hàng trăm tính mạng, nhưng ông cũng phải bó tay trước nhiều căn bệnh. Ông đã từng thẳng thắn nói rằng: "Trong số họ có phân nửa đành nhắm mắt chờ chết".
Vậy mà ngày nay, người bệnh, người nhà bệnh nhân muốn bác sĩ biết hết, điều trị khỏi hết mọi bệnh tật của mình, muốn người bệnh phải được cứu sống. Khi bệnh tật quá khả năng của bác sĩ thì quay sang đổ lỗi cho bác sĩ.
Bác sĩ cũng chỉ là con người, họ không phải thánh nhân. BS Hưởng mệt mỏi sau ca trực đêm dài
Tôi tin rằng, phần lớn các đồng nghiệp của tôi đều tôn trọng nguyên tắc đạo đức lấy bệnh nhân làm trọng, quyết không lợi dụng nghề nghiệp làm việc thất đức, trái với lương tâm và làm bại hoại danh tiếng.
Tuy nhiên, tôi cũng thừa nhận là có một bộ phận cán bộ y tế vì đồng tiền mà làm bại hoại thanh danh. Những con sâu đó thời nào cũng có, xã hội nào cũng có, đừng vì thiểu số mà nhân danh đa số, đánh đồng cả một xã hội.
Tôi chưa từng thấy một xã hội nào lại coi thường thầy thuốc như xã hội chúng ta hiện nay. Những người hành hung thầy thuốc coi thường mạng sống của người khác, coi thường pháp luật, thể hiện tính côn đồ mà một bộ phận xã hội. Truyền thông đang cổ xúy đã làm cho truyền thống đền ơn đáp nghĩa tốt đẹp của dân tộc ta bị mất đi.
Tôi thiết nghĩ, mỗi nhà báo, mỗi tờ báo khi viết một vấn đề về xã hội về ngành y nên công tâm đi tìm hiểu ngọn ngành vấn đề.
Với ngòi bút sắc hơn dao kiếm của các bạn mọi sự việc được nhìn qua lăng kính của đạo đức ngành báo thì chắc là xã hội sẽ không coi thường ngành y đến vậy. Nhưng tiếc thay thời buổi cơm áo gạo tiền, báo giật tít thì nhiều người đọc, người viết được nhiều bài thì có nhiều tiền nên một bộ phận nhà báo đã mất đi đạo đức nghề nghiệp.
Tôi hi vọng rằng các bạn ngày càng tốt lên. Xin đừng có những bài báo giật tít theo kiểu cổ xúy cho bạo lực.
Những đối tượng nào hay tấn công bác sĩ?
Những kẻ tấn công nhân viên y tế chúng tôi ngày nay có cả công chức, doanh nhân, công nhân, giáo viên, nhân viên văn phòng... Họ là những người được dạy dỗ, được học đạo đức thậm chí là người đi giảng đạo đức con trẻ.
Những người hiểu biết luật pháp vậy mà có thể chửi bới, hăm dọa, đánh đập thầy thuốc coi thường pháp luật, khi bị đưa rằng bằng chứng là mình sai thì quay sang đổ lỗi do nóng tính, thương xót người bệnh mà không một lời xin lỗi. Phải chăng đạo đức của chúng ta đã chạm đáy, đã suy đồi đến vậy?
Những người hành hung nhân viên y tế thường đến sau khi nghe người trước kể lại sự việc chưa chính xác, hoặc nhìn thấy người ta đã cấp cứu xong cho nằm theo dõi, hoặc nghe bác sĩ giải thích nặng không cứu được, hoặc khi chờ xe cứu thương đến, khi người bệnh đã được cấp cứu đã được dùng thuốc…
Họ nhân danh thương xót người bệnh, họ nhân danh những gì mà người khác cổ xúy, cho rằng bác sĩ không làm gì, bác sĩ đang vòi tiền, nhìn cả cộng đồng nghề y như vậy để lấy cái cớ hành hung bác sĩ khi trong trạng thái kích động.
Những hành động đó không mang người nhà họ về lại mà còn làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng nhân viên y tế, người bệnh cấp cứu, và ngay chính người nhà họ khi không có người theo dõi vì nhân viên y tế đang bị đánh đập, đang phải chạy trốn để giữ mạng sống.
Phải chăng mỗi chúng ta nên sống chậm lại, bình tĩnh lại để suy nghĩ trước khi hành động thì có lẽ người làm ngành y sẽ được yên ổn
Theo tôi biết thì xã hội hiện tại ai cũng có smart phone có thể ghi âm, có nhiều trang thiết bị giám sát nhân viên y tế. Hiện tại về luật pháp (luật khám chững bệnh), nghị định176/2013/NĐ-CP, thông tư 07/2014/TT-BYT, thông tư 05/2016/TT-BYT đã có cơ chế xử lý những hành vi nhũng nhiễu của cán bộ y tế.
Chúng tôi - những người thầy thuốc chân chính cũng căm ghét những kẻ trong ngành nhũng nhiễu người bệnh, ăn tiền, kẻ cả - những con sâu làm rầu nồi canh, muốn đưa họ ra ánh sáng pháp luật. Chúng tôi ủng hộ các bạn nêu đích danh những kẻ máu lạnh, thực dụng, ban phát, vòi vĩnh người nhà bệnh nhân.
Nhưng trước tiên, chúng tôi cần môi trường an toàn để làm việc, trước hết là bảo vệ tính mạng chúng tôi sau đó là bảo vệ tính mạng những người bệnh mà họ đang cần chúng tôi chữa trị.
Hãy cư xử đúng mực như truyền thống bao đời nay, cư xử đúng mối quan hệ bệnh nhân thầy thuốc, chúng tôi không yêu cầu mọi người phải tôn vinh, không yêu cầu phải kính trọng, biết ơn, đừng lấy danh xưng "tao lên tiếng vì chúng mày chỉ biết ăn tiền", đối xử với chúng tôi như người nô lệ mà ra lệnh, mà đánh đập chúng tôi.