Cảnh báo trẻ em bị viêm màng não từ món ốc
Mới đây, Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp cấp cứu liền lúc bốn trẻ gồm N.N.T., N.H.M., L.H.Đ. và T.L.Đ., từ 6 - 12 tuổi cùng ngụ phường 2, thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp.
Trước đó, bốn em rủ nhau ra kênh nước tù đọng gần nhà bắt ốc. Khi bắt được một rổ ốc bươu, các em tự ý vào bếp nướng ăn mà người lớn không biết.
Sau khi ăn, cả bốn em có triệu chứng nôn ói, nhức đầu, mê man và được cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp. Kết quả xét nghiệm cho thấy các em bị viêm màng não do ăn ốc nhiễm ký sinh trùng.
Hình ảnh một bệnh nhân hôn mê do ăn ốc sên.
Em N.H.M. cho biết: "Em ăn có một con là thấy mắc ói. Còn bạn Đ. ăn ốc nướng chưa chín với cơm. Sau đó kéo nhau vô bệnh viên chung luôn".
Theo Bác sĩ Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, những trường hợp trên không phải hiếm bởi vì trẻ nhỏ luôn có sở thích tự chế biến các món ăn cho mình như bắt được con ốc, con cua ở mương, sông hay con ốc sên ở vườn.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1.
Hiện tại ở Khoa của ông cũng đang tiếp nhận hai cháu bé 15 tháng tuổi và một cháu 7 tuổi bị viêm màng não do ký sinh trùng. Sau khi xét nghiệm, các loại ký sinh trùng này được cho là loại ký sinh trùng ở trong con ốc sên hay còn gọi là ốc ma.
Bác sĩ Khanh cho biết cháu lớn có nói mình ăn ốc. Còn cháu bé 15 tháng tuổi, theo dự đoán có thể là do tiếp xúc với ký sinh trùng nên bị viêm màng não. May mắn, cả hai bé chưa hôn mê, các bác sĩ đang điều trị tích cực cho các bệnh nhân nhi.
Bác sĩ Khanh thống kê "nhẩm" rằng ở khoa của ông mỗi năm tiếp nhận vài chục ca bệnh nhi bị viêm màng nào do ký sinh trùng từ ốc, các loại hải sản cùng họ với ốc ăn tái và bị nhiễm ký sinh trùng.
Ốc sên: Nguy cơ cả ở người lớn
Không chỉ với riêng trẻ em, nguy cơ viêm màng não do món ăn này có thể xảy ra cả ở người lớn. Bác sĩ Khanh cho biết việc sử dụng ốc sên như một đặc sản, ăn tái, làm đẹp chính là nguy cơ khiến cho ký sinh trùng di cư vào trong cơ thể.
Bình thường, ký sinh trùng không chọn con người là vật chủ. Nhưng một khi vào cơ thể, nó sẽ vào máu và "chu du" khắp nơi trong cơ thể có thể đi lên não người và gây viêm màng não.
Triệu chứng ban đầu là nôn ói, đau đầu, sốt. Có những cháu bị nặng cứng gáy, rối loạn tim mạch, khó thở, có khi liệt thần kinh trung ương, rối loạn tâm thần, rối loạn ý thức, hôn mê và tử vong.
Khi nghi ngờ viêm màng nã, bác sĩ sẽ yêu cầu làm xét nghiệm để xác định nguyên nhân. Đa số bác sĩ tìm ra thủ phạm xuất nhiều nhất là ở các con ký sinh trùng trong ốc sên.
Loài ký sinh trùng này là giun mạch A. cantonensis là nguyên nhân gây viêm màng não ký sinh trùng hay gặp nhất. Ấu trùng giun mạch có tính ưa thần kinh.
Ổ chứa: Chuột (Loài Rattus và Bandicota). Giun mạch ký sinh ở động mạch phổi của chuột nên còn được gọi là "giun ở phổi chuột", đẻ trứng trong các động mạch và nở thành các ấu trùng giai đoạn 1.
Các ấu trùng này xuyên qua thành động mạch, đi vào các phổi và di cư lên các phế quản rồi xuống ruột, thải ra ngoài theo phân.
Nếu con người ăn phải ốc sên mang ấu trùng không được nấu chín hay ăn rau sống có dính chất nhờn do ốc sên hay các loài nhuyễn thể khác tiết ra, chúng sẽ đi vào ruột.
Ở ruột, ấu trùng xuyên thành ruột di cư lên não và tủy sống, gây viêm màng não (nhưng rất ít khi gây tổn thương cho nhu mô não và tủy sống) và lên mắt, gây giảm thị lực hay mù một mắt.
Ở những vùng vệ sinh thấp kém, vùng nông thôn có người bị viêm não do ký sinh trùng cao hơn ở thành phố. Tuy nhiên, Bác sĩ Khanh nhấn mạnh dù ở bất cứ vùng nào thì khi ăn ốc cần ăn ốc đã nấu chín kỹ.
Với trẻ nhỏ, trẻ hay có thói quen tự chế biến thức ăn mà mình bắt được nhất là về mùa hè đó chính là nguyên nhân vì sao bệnh viêm màng não này về mùa hè lại tăng hơn mùa đông.