Bác sĩ người Huế chống dịch tại Bắc Giang: "Khi nào tình hình ổn định mới về"

Thiên Bình |

Đây là phút trải lòng của bác sĩ người Huế ra chi viện chống dịch và hỗ trợ vận hành Trung tâm hồi sức tích cực lớn nhất miền Bắc tại BV Tâm thần Bắc Giang.

Là trưởng đoàn gồm 18 y bác sĩ của Bệnh viện Trung ương Huế chi viện cho Bắc Giang trong 1 tuần qua, BS Nguyễn Thanh Xuân, Phó Giám đốc bệnh viện, tin tưởng Bắc Giang sẽ chiến thắng dịch COVID-19, cứu sống nhiều bệnh nhân.

“Kết quả chúng ta sẽ nhìn thấy trong 1-2 tuần tới” - BS Thanh Xuân nói.

Ngay khi đặt chân đến Bắc Giang, đoàn y bác sĩ của BV Trung ương Huế đã được Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn - Trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế, giao nhiệm vụ cùng với các chuyên gia của BV Bạch Mai hoàn thiện Trung tâm hồi sức tích cực (ICU) lớn nhất miền Bắc đặt tại BV Tâm thần tỉnh Bắc Giang.

Bác sĩ người Huế chống dịch tại Bắc Giang: Khi nào tình hình ổn định mới về - Ảnh 1.

BS Nguyễn Thanh Xuân trong khu điều trị ca bệnh nặng tại Trung tâm hồi sức tích cực.

Đội ngũ y bác sĩ của đoàn được chia làm 2 nhóm. Nhóm 1, những ngày đầu làm nhiệm vụ nhận bàn giao và thiết lập về cơ sở vật chất đang được xây dựng với sự đầu tư rất lớn của Bộ Y tế; các công tác về kiểm soát nhiễm khuẩn, đánh giá năng lực các nhân viên y tế để bố trí sắp xếp, phân công các phiên trực cho hợp lý, tiếp quản các trang thiết bị y tế hiện đại, hướng dẫn sử dụng và phân luồng tiếp nhận bệnh nặng từ các đơn vị khác chuyển đến.

Nhóm thứ 2 được điều động để hỗ trợ y, bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy điều trị bệnh nhân nặng tại BV Phổi Bắc Giang. “Thực sự khi đến đây chúng tôi mới hiểu và hết sức chia sẻ với các đồng nghiệp ở BV Chợ Rẫy, đặc biệt là BSCKII Trần Thanh Linh - trưởng ê-kíp điều trị tại đây. Hiện tại bệnh nhân tại đây đều rất nặng, đã có 2 ca phải làm ECMO, hơn 10 ca thở máy và HFNC và hơn 30 ca đang thở oxy có nguy cơ trở nặng bất cứ lúc nào.

Đây là một áp lực rất lớn cần có đội ngũ chuyên nghiệp có kinh nghiệm điều trị COVID-19 và hồi sức ICU mới làm nổi. Tôi cảm nhận các bác sĩ vẫn đang hàng ngày, hàng giờ giành giật từng cơ hội sống, hy vọng sống cho bệnh nhân”, BS Thanh Xuân chia sẻ.

Đến khi Trung tâm hồi sức tích cực đặt tại BV Tâm thần tỉnh Bắc Giang đi vào hoạt động từ ngày 4/6, các y bác sĩ càng thấy rõ hơn trọng trách đặt trên vai mình.

Tính đến tối 6/6, Trung tâm hồi sức tích cực đã tiếp nhận 15 bệnh nhân COVID-19 nặng, trong đó 13 ca bệnh chuyển từ BV Đa khoa tỉnh và 2 trường hợp từ Bệnh viện dã chiến. Hiện tại có 1 trường hợp nặng nhất bệnh nhân 84 tuổi, có nhiều bệnh kèm, đang đặt nội khí quản, thở máy, vượt quá chỉ định ECMO. Trường hợp này, khi còn đang điều trị ở BV Đa khoa tỉnh đã được hội chẩn quốc gia.

Ngoài ra, tại đây còn có 4 trường hợp thở HFNC (Liệu pháp oxy lưu lượng cao qua ống thông mũi) và có thể phải thở máy bất cứ lúc nào. Cũng có một số trường hợp bệnh nhân đang diễn tiến tốt và sẽ được đánh giá X-quang phổi, thực hiện các xét nghiệm hằng ngày để tiên lượng tiến triển của bệnh nhân và có phác đồ điều trị hợp lý theo phác đồ của Bộ Y tế.

“Trung tâm hồi sức tích cực vừa đi vào hoạt động, tuy nhiên với kinh nghiệm chống dịch nhiều đợt, chúng tôi vừa làm vừa chỉnh sửa đảm bảo công tác phòng chống dịch và phù hợp với các điều kiện thực tiễn tại địa phương với 3 mục đích chính. Thứ nhất là hạn chế tối đa các trường hợp tử vong do COVID-19, điều trị hỗ trợ để bệnh nhân tiến triển tốt nhanh chóng quay trở lại cộng đồng.

Thứ hai, đảm bảo an toàn, không bị lây nhiễm chéo cho nhân viên y tế và cán bộ hỗ trợ. Thứ ba là đào tạo đội ngũ tại chỗ đủ năng lực tiếp quản điều trị bệnh nhân và sử dụng trang thiết bị hiện đại, để khi dịch lắng xuống, các đoàn rút về thì vẫn đảm bảo Trung tâm được vận hành và duy trì hiệu quả”, BS Thanh Xuân nói.

Cũng theo Phó Giám đốc BV Trung ương Huế, trước mắt, khi bệnh nhân tại Trung tâm hồi sức tích cực chưa nhiều, các đơn vị chi viện đã thống nhất chia thành hai nhóm. Một nhóm sẽ làm tại Trung tâm ICU và nhóm 2 sẽ trực tiếp tham gia hỗ trợ vào các BV Đa khoa tỉnh, BV Phổi, các bệnh viện dã chiến và các khu có điều trị bệnh nhân F0.

Với kinh nghiệm và trình độ về hồi sức, các y bác sĩ sẽ sớm phát hiện bệnh nhân bị suy hô hấp và chuyển lên Trung tâm ICU can thiệp sớm, tránh tình trạng bệnh nhân diễn biến nặng lên.

Bác sĩ người Huế chống dịch tại Bắc Giang: Khi nào tình hình ổn định mới về - Ảnh 2.
BS Nguyễn Thanh Xuân, Phó Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế, Trưởng đoàn chi viện Bắc Giang đợt dịch này.

BS Thanh Xuân đánh giá, nguy cơ tại Bắc Giang đã giảm dần, mặc dù số ca dương tính vẫn tăng hằng ngày, nhưng các ca đó chúng ta đã khống chế được, đã cách ly và cũng đã truy vết đưa đi cách ly các trường hợp F1: “Tôi tin tưởng Bắc Giang sẽ chiến thắng, dập được dịch, cứu sống nhiều bệnh nhân và kết quả chúng ta sẽ nhìn thấy trong 1-2 tuần tới.

Cả đoàn đến đây với quyết tâm khi nào tình hình tại Bắc Giang ổn định mới về. Tuy nhiên, Bệnh viện Trung ương Huế vẫn có dự trù thêm một đội ngũ y bác sĩ sẵn sàng cùng chung tay chống dịch với Bắc Giang và Bắc Ninh. Số lượng tình nguyện và chờ đợi này lên con số trên 150 người”.

BS Thanh Xuân khẳng định, sự động viên và chia sẻ của gia đình, sức khỏe của cộng đồng là một nguồn động lực to lớn để các y bác sĩ vượt lên tất cả. Tham gia đoàn công tác, đều là những y bác sĩ đã trải qua nhiều đợt chiến đấu với COVID-19 của BV Trung ương Huế.

Trong đó, có nhiều người đã tham gia các đợt điều trị trước và cả mấy tháng qua chưa về nhà. “Nhưng vì nhiệm vụ, vì sức khỏe cộng đồng, nên chúng tôi vượt lên tất cả để cùng Bắc Giang chờ ngày đại thắng!” - BS Thanh Xuân tin tưởng./.

Bác sĩ người Huế chống dịch tại Bắc Giang: Khi nào tình hình ổn định mới về - Ảnh 4.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại