Bác sĩ hướng dẫn cách ứng phó khi tia UV ở mức "rất nguy hiểm"

N.Dung |

Các tổ chức y tế công cộng khuyến cáo người dân chú ý bảo vệ khi chỉ số tử ngoại (tia UV, tia cực tím) đạt mức 3 hoặc cao hơn.

Bác sĩ hướng dẫn cách ứng phó khi tia UV ở mức rất nguy hiểm - Ảnh 1.

Việc chống nắng bằng quần áo chống nắng sẽ hạn chế tác động của tia UV tới da

Bác sĩ Đặng Bích Diệp, Khoa ứng dụng và nghiên cứu tế bào gốc thuộc Bệnh viện Da liễu Trung ương, cho biết chỉ số tử ngoại hay chỉ số UV là một chỉ số đo lường về cường độ của bức xạ tử ngoại từ mặt trời tại một địa điểm cụ thể vào một ngày cụ thể.

Theo website dự báo thời tiết AccuWeather của Mỹ, chỉ số tia UV ở TP HCM trong những ngày qua cũng như các ngày 25 và 27-4 sắp tới, có mức cao nhất lên đến 13. Các tổ chức y tế công cộng khuyến cáo người dân chú ý bảo vệ khi chỉ số tử ngoại đạt mức 3 hoặc cao hơn.

Việc công bố chỉ số này, theo bác sĩ Diệp sẽ giúp mọi người bảo vệ khỏi tia cực tím, vì việc tiếp xúc quá nhiều với ánh sáng mặt trời sẽ gây bỏng nắng, tổn thương mắt như đục thủy tinh thể, lão hóa da, nếu tiếp xúc kéo dài, tích lũy có thể gây ung thư da.

Giới chuyên môn cho biết tác hại cấp tính phổ biến nhất của tai UV là cháy nắng do tiếp xúc quá mức trong thời gian ngắn. Đặc biệt, khi nắng nóng đỉnh điểm có thể gây say nắng hoặc say nóng, ảnh hưởng đến sức khỏe.

Tiếp xúc với tia UV tích lũy, hay việc phơi nắng khi tia UV cao xảy ra thường xuyên và kéo dài, có thể dẫn đến lão hóa da sớm, đặc biệt là ung thư da. Thời điểm trong ngày tia UV dễ ảnh hưởng đến da nhất dao động từ 10 đến 16 giờ tuỳ từng mùa và vùng miền.

Vì vậy, để xác định thời điểm chỉ số UV nguy hiểm bằng cách đứng dưới nắng và quan sát bóng của mình, nếu bóng ngắn hơn chiều cao thì tương ứng với chỉ số UV cao, lúc này nên sử dụng các biện pháp tránh nắng.

Bác sĩ hướng dẫn cách ứng phó khi tia UV ở mức rất nguy hiểm - Ảnh 2.

Tia UV có thể gây cháy nắng do tiếp xúc trong thời gian ngắn

"Tại thời điểm nắng nóng kéo dài này, chúng tôi khuyến cáo người dân cần có các biện pháp chủ động để bảo vệ cơ thể khỏi tác hại của UV như: hạn chế ra nắng giờ cao điểm (quy tắc quan sát bóng).

Khi ra nắng cần đảm bảo các biện pháp chống nắng: sử dụng KCN (lựa chọn loại kem chống nắng có quang phổ rộng (broad spectrum) đủ khả năng chống lại tia UVB (SPF), UVA (PA), (SPF 30 trở lên, PA +++).

Nên bôi lại kem chống nắng sau mỗi 2 giờ đồng hồ giờ hoặc sau khi bạn tiếp xúc với nước để đảm bảo hiệu quả bảo vệ da. Có thể sử dụng viên uống chống nắng phối hợp để bảo vệ da), kính mắt có tác dụng chống tia UV, đội mũ, quần áo chống nắng. Bên cạnh đó uống đủ nước, ăn rau củ quả tươi. Bên cạnh nước lọc, có thể bổ sung nước khoáng, nước ép trái cây giàu vitamin...

* Đọc thông tin về sức khỏe của BS Đặng Bích Diệp

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại