Bác sĩ được quyền từ chối khám, chữa bệnh trong trường hợp nào?

Như Loan |

Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1/1 với nhiều điểm mới, trong đó có quy định về quyền từ chối khám, chữa bệnh của bác sĩ.

Điều 40, mục 5, Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) quy định về quyền từ chối khám, chữa bệnh của các y bác sĩ. 5 trường hợp người hành nghề được từ chối khám bệnh, chữa bệnh:

Thứ nhất, thầy thuốc có quyền từ chối người bệnh trong trường hợp tiên lượng tình trạng bệnh vượt quá khả năng hoặc không thuộc phạm vi hành nghề của bản thân. Đồng thời bác sĩ phải giới thiệu người bệnh đến người hành nghề khác hoặc cơ sở khám, chữa bệnh khác phù hợp để khám, chữa bệnh.

Trong quá trình chờ đến khám ở cơ sở mới, các bác sĩ phải thực hiện việc sơ cứu, cấp cứu, theo dõi, chăm sóc, điều trị người bệnh đảm bảo an toàn tính mạng, sức khoẻ.

Bác sĩ được quyền từ chối khám, chữa bệnh trong trường hợp nào?- Ảnh 1.

Bác sĩ có quyền từ chối khám, chữa bệnh khi tiên lượng tình trạng bệnh vượt quá khả năng hoặc không thuộc phạm vi hành nghề của mình. (Ảnh: Khổng Chí)

Thứ hai, bác sĩ được phép từ chối đối với việc khám, chữa bệnh trái quy định của pháp luật hoặc đạo đức nghề nghiệp.

Thứ ba, bác sĩ có quyền từ chối khám, chữa bệnh nếu người bệnh, thân nhân của người bệnh có hành vi xâm phạm thân thể, sức khỏe, tính mạng của người hành nghề khi đang thực hiện nhiệm vụ (trừ trường hợp người đó mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác mà không nhận thức, làm chủ được hành vi).

Thứ tư, bác sĩ được phép từ chối khám, chữa bệnh nếu người bệnh yêu cầu phương pháp khám, chữa bệnh không phù hợp với quy định về chuyên môn kỹ thuật.

Thứ năm, bác sĩ được từ chối khám, chữa bệnh khi người bệnh không chấp hành chỉ định về chẩn đoán, phương pháp chữa, có nguy cơ gây hại đến sức khỏe, tính mạng của người bệnh.

Trong khi đó, về phía bệnh nhân, Điều 13 của Luật này cũng quy định quyền được từ chối khám bệnh, chữa bệnh và rời khỏi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Người bệnh được từ chối khám, chữa bệnh nhưng phải cam kết tự chịu trách nhiệm bằng văn bản về việc từ chối của mình sau khi đã được người hành nghề tư vấn, trừ trường hợp bắt buộc chữa bệnh theo quy định.

Người bệnh được quyền đề nghị với bác sĩ, bệnh viện cho rời khỏi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và phải cam kết bằng văn bản.

Luật Khám bệnh, chữa bệnh số 15/2023/QH15 được Quốc hội thông qua ngày 9/1/2023 thay thế cho Luật Khám bệnh, chữa bệnh số 40/2009 có hiệu lực thi hành từ 1/1/2024 với nhiều điểm mới thể hiện sự tiến bộ trong việc tiếp cận, tạo hành lang pháp lý quan trọng cho lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh trên quan điểm lấy người bệnh làm trung tâm, công bằng, hiệu quả, chất lượng và phát triển.

Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi lần này đã tháo gỡ một số vướng mắc, giải quyết những bất cập, điều chỉnh một số nội dung cho phù hợp với bối cảnh thực tế, thể hiện rõ chính sách ưu tiên trong khám bệnh, chữa bệnh.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại