Báo điện tử Trí Thức Trẻ giới thiệu bài viết của 2 tác giả TS.BS Phạm Nguyên Quý (Khoa Nội khoa, Bệnh viện Đại học Kyoto, Nhật Bản) và BS Phạm Lương Giang (Massachusset, Hoa Kỳ).
Làm Admin của nhóm Hỗ trợ bệnh nhân ung thư của tổ chức Y học cộng đồng, hằng ngày chúng tôi nhận được nhiều câu hỏi đa dạng từ bệnh nhân và người thân. Khi là câu hỏi về chế độ ăn sau mổ, khi là tâm sự mong được cảm thông, và có khi là yêu cầu giải thích vì đi mỗi bệnh viện lại được tư vấn một kiểu điều trị khác nhau! Dù hiểu rằng ung thư là bệnh phức tạp, điều trị phải là cá nhân hóa cao độ và có thể thay đổi tùy vào góc nhìn, tôi vẫn băn khoăn về việc tại sao bệnh nhân không được an tâm khi tư vấn.
Từ các bệnh nhân, chúng tôi học được rằng không phải bệnh nhân tự nhiên hay nổi hứng bỏ bệnh viện này sang bệnh viện khác, bỏ ông bác sĩ này đến với bác sĩ khác. Chẳng có ai dại dột rời bỏ một người bác sĩ có hiểu biết và thái độ ân cần, chu đáo lo lắng cho mình. Phong thái của người bác sĩ qua nét mặt, ánh mắt, nụ cười, lời nói, cử chỉ ... cho người bệnh nhân biết rằng trong sâu thẳm trái tim bác sĩ CÓ THỰC SỰ YÊU THƯƠNG BỆNH NHÂN HAY KHÔNG. Nói gọn hơn, bệnh nhân tự biết bác sĩ có lòng nhân ái dành cho mình hay không.
Người bác sĩ có chuyên môn cao và đạo đức thì bệnh nhân mới dám giao hết tính mạng
Bệnh nhân, nhất là bệnh nhân ung thư CẦN NHẤT LÀ TÌNH THƯƠNG YÊU. Bác sĩ và điều dưỡng có lòng thương yêu người bệnh thì mới duy trì tinh thần trách nhiệm. Có tinh thần trách nhiệm mới có thái độ học tập và làm việc nghiêm túc, nhờ đó mới có trình độ. Người bác sĩ có trình độ và đạo đức thì bệnh nhân ung thư mới dám giao hết tính mạng của mình.
Ảnh minh hoạ.
Qua những webinar với nhiều bác sĩ, dược sĩ và bệnh nhân ở Việt Nam, Úc và Canada, chúng tôi nhận ra rằng bệnh nhân có thể vì chức danh Giáo sư, Tiến sĩ mà tin tưởng bước đầu, có thể vì bác sĩ điển trai mà ấn tượng bước đầu, nhưng duy trì niềm tin đó phải là một quá trình chăm sóc ân cần với tình thương làm gốc.
Một bác sĩ đàn anh đã nói rằng bệnh nhân cảm nhận được lòng nhân ái của bác sĩ dành cho mình thường có tiên lượng tốt. Nhiều bệnh nhân của anh đã sống quá 10-15 năm tính từ cái thời Việt Nam "nghèo chả có gì". Dù không có số liệu cụ thể để chứng minh, tôi nghĩ rằng điều này là có thể, vì có tin yêu bác sĩ của mình, bệnh nhân mới tuân thủ điều trị, vượt qua khó khăn để bám sát lịch trình điều trị với đầy đủ sức mạnh tinh thần.
Tuy nhiên, làm thế nào để thể hiện tình thương yêu người bệnh đang là một thử thách lớn. Với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, người ta phải làm việc với máy tính nhiều hơn và nhiều khi trở nên "máy móc" hơn. Ngay cả ở những nước tiên tiến, nhiều bác sĩ phàn nàn là không có thời gian giao tiếp với bệnh nhân vì phải dành quá nhiều thời gian nhập dữ liệu hay ra y lệnh trên máy tính theo kiểu "bác sĩ click chuột".
Nhiều bệnh nhân và người thân nhờ Facebook và Google cũng hiểu biết "máy móc" hơn. Nhiều người còn nghĩ rằng chui vào trong cái máy nào đó (CT/MRI/PET…) là biết tuốt (chẩn đoán đúng) trong khi thực tế không như vậy. Bệnh nhân hiểu nhầm càng nhiều, bác sĩ lại phải tốn nhiều thời gian và năng lượng hơn để giải thích.
Để cải thiện sự biểu lộ yêu thương, những khẩu hiệu như "Hãy nhìn vào bệnh nhân, đừng nhìn máy tính!", "Điều trị người bệnh, đừng điều trị những chỉ số vô hồn!" đã và đang được gióng lên ở nhiều nơi trên thế giới để cảnh báo và giáo dục.
Y tế Việt Nam đã đủ yêu thương?
Nhìn về hiện trạng ngành y tế Viêt Nam, chúng ta không lạ với nhiều than phiền về Quá tải, Mệt mỏi, Lương thấp, Căng thẳng,… và việc dùng những yếu tố này để giải thích các hiện tượng khác một cách gọn ơ và nhanh nhảu. Bác sĩ không mỉm cười được. Bác sĩ không nói năng lịch sự được. Bác sĩ không thể ân cần chu đáo. Bác sĩ làm bệnh án sơ sài. Bác sĩ gây tai biến/biến chứng là chuyện khó tránh… Ngoài ra, một số bác sĩ còn cho rằng bệnh nhân bỏ bệnh viện vì khó tính, bỏ trị vì thiếu hiểu biết.
Thật ra, nếu cứ đổ lỗi nhau như thế thì ngành Y sẽ không bao giờ tiến bộ được. Mặc dù y tế Việt Nam đang cố gắng đầu tư mua máy móc hiện đại, bệnh nhân sẽ không hạnh phúc hơn nếu không có tình thương. Vấn đề ở đây là đào tạo cách biểu lộ tình thương và nhất là cải tạo hệ thống như thế nào để tình thương được nảy nở, để tất cả bệnh viện đều thật sự trở thành những NHÀ THƯƠNG.
Qua những kết nối trên mạng xã hội, chúng tôi biết rằng vẫn còn rất nhiều bác sĩ và nhân viên y tế yêu thương bệnh nhân. Ở Bộ Y tế vẫn có những cán bộ có tinh thần trách nhiệm và lương tâm nghề nghiệp đang ngày đêm theo dõi ý kiến từ cộng đồng, và đau đáu với tình hình thực tế.
Thử thách ở Việt Nam là rất lớn vì mặt bằng dân trí chung và dân trí y tế ở Việt Nam còn chưa cao, có nhiều triệu chứng và bức xúc trước khi tới bệnh viện nên việc giải thích "hạ hỏa" và xoa dịu bệnh nhân là khó hơn ở các nước tiên tiến.
Tuy nhiên, chúng tôi vẫn tin rằng chỉ có người trong ngành Y, nhất là các vị lãnh đạo ngành Y, mới có thể xoay chuyển cục diện, bằng cách đặt mình vào vị trí của bệnh nhân để cảm nhận nỗi đau của người bệnh.
Có rất nhiều việc có thể làm như thay đổi chương trình đào tạo để cải thiện thực hành biểu lộ yêu thương, giảm tình trạng quá tải trong bệnh viện, cải cách tiền lương và chăm sóc tinh thần cho nhân viên y tế song song với việc quản lý chất lượng để tinh lọc những nhân viên y tế có lương tâm và trình độ muốn cống hiến vì người bệnh.