Bác sĩ BV Việt Đức: Làm 10 điều sau để phòng căn bệnh 'giết người chỉ trong vòng 1 phút'

Ngọc Anh |

Mỗi năm thế giới hơn 7 triệu người chết vì căn bệnh này, nó diễn tiến âm thầm, đến khi bộc phát thì gây tử vong chỉ trong vòng 1 phút. Đó là nhồi máu cơ tim.


Nhồi máu cơ tim: Căn bệnh khiến bệnh nhân tử vong chỉ trong vòng 1 phút

Thạc sĩ, bác sĩ Trần Quốc Khánh – Bệnh viện Việt Đức cho biết anh thường xuyên gặp các bệnh nhân bị bệnh tim mạch, đặc biệt là những cái chết bất ngờ từ nhồi máu cơ tim.

"Điều đáng lo ngại hiện nay đó là tỷ lệ mặc bệnh đang tăng cao rất nhanh và trẻ hoá, nhiều thanh niên ra đi khi còn quá trẻ. Hơn nữa, ở Việt Nam hầu như rất ít ai để ý đến "thần chết" ẩn mình này, chỉ đến khi nó gõ cửa chính chúng ta, lúc đó tất cả đều đã là muộn màng"- bác sĩ Khánh nhấn mạnh.

Những triệu chứng cảnh báo bệnh như đau ngực trái lan lên cổ rồi tay trái, khó thở, vã mồ hôi, tức ngực… đều ít giá trị. Vì khi bệnh đã xảy đến, hầu như sẽ rất khó cho những xử trí, trừ khi bệnh nhân ở gần những trung tâm y tế chuyên sâu và có thể can thiệp mạch cấp cứu.

Bác sĩ BV Việt Đức: Làm 10 điều sau để phòng căn bệnh giết người chỉ trong vòng 1 phút - Ảnh 1.

Thạc sĩ, bác sĩ Trần Quốc Khánh.

10 điều cần ghi nhớ để phòng ngừa bệnh nhồi máu cơ tim

Để phòng bệnh, thạc sĩ Khánh cho biết mỗi người nên thực hiện 10 điều dưới đây trong cuộc sống.

1. Giảm cân, tránh béo phì

Đây là ưu tiên hàng đầu bởi những người béo phì, đặc biệt là những người béo bụng sẽ có nguy cơ rất cao bị các bệnh liên quan đến tim mạch và chuyển hoá, điều đó kéo theo nguy cơ tăng các mảng xơ vữa mạch máu gây bít tắc mạch vành nuôi tim, dẫn đến nhồi máu cơ tim.

Bạn có thể giảm béo bằng cách luyện tập thể thao, ăn uống điều độ và hạn chế rượu bia.

2. Kiểm soát lượng mỡ máu

Tăng mỡ máu chính là nguyên nhân trực tiếp lắng đọng tạo ra các mảng xơ mỡ trong lòng mạch, dẫn đến tắc mạch nuôi tim-não-phổi. Hãy kiểm tra mỡ máu của mình 6 tháng/lần.

Nếu mỡ máu tăng cao, bạn cần đến gặp bác sĩ để nhận được những lời tư vấn và giải pháp điều trị kịp thời.

3. Xây dựng chế độ ăn lành mạnh

Ăn nhạt nhất có thể, thử nghiệm các loại thảo mộc và các gia vị khác thay thế muối. Thực phẩm nên được ưu tiên trong tủ lạnh là các loại trái cây, rau tươi, các loại đậu, ngũ cốc, cá tươi, dầu tươi thực vật….

Thay vì chế biến thực phẩm theo cách xào, rán, quay, nướng, bạn nên chuyển sang luộc, hấp, nấu canh…

Bác sĩ BV Việt Đức: Làm 10 điều sau để phòng căn bệnh giết người chỉ trong vòng 1 phút - Ảnh 2.

Nhồi máu cơ tim là "thần chết" ẩn mình.

4. "Đổ mồ hôi" hằng ngày

Không vận động thể chất cũng được xem là một trong những yếu tố nguy cơ hàng đầu tăng nguy cơ mắc bênh. Lười vận động nghĩa là bạn đang lấy đi của chính mình rất nhiều cơ hội nâng cao sức khoẻ và sống thọ.

Bạn có thể đi bộ hoặc tham gia những môn thể thao như đạp xe, gym, bơi, xà đơn xà kép, yoga… Trong hoạt động hằng ngày cần lưu ý, bạn nên tránh cơ thể tiếp xúc với nhiệt độ thay đổi đột ngột.

5. Hạn chế rượu mạnh, chất cồn

Rượu và các chất có cồn đang phá huỷ đường tiêu hoá, giết hàng ngàn tế bào gan của mỗi ngày, đang bào mỏng và làm tăng độ dòn vỡ các thành mạch máu.

6. Bỏ thuốc lá

Ung thư phổi là một trong những ung thư nguy hiểm nhất hiện nay và thuốc lá chính là nguyên nhân số 1. Thuốc lá cũng làm tăng nguy cơ vỡ mạch mãu não, nhồi máu cơ tim và cũng đang từng ngày làm tổn hại sức khoẻ tổng quát.

Bác sĩ BV Việt Đức: Làm 10 điều sau để phòng căn bệnh giết người chỉ trong vòng 1 phút - Ảnh 3.

7. Luôn vui vẻ

Căng thẳng thần kinh, trầm cảm kéo dài làm tăng nguy cơ đột quỵ não, nhồi máu cơ tim. Hãy luôn vui cười vì không ai cấm mình làm điều tuyệt vời này cả. Duy trì đủ giấc ngủ, ít nhất 6 tiếng mỗi ngày cũng là một cách để đảm bảo tinh thần minh mẫn và tránh căng thẳng.

8. Kiểm soát bệnh cao huyết áp

Cao huyết áp cũng làm tăng nguy cơ tai biến mạch não và tổn thương mạch vành.Thường xuyên sử dụng thuốc hạ huyết áp kể cả khi huyết áp về bình thường.

9. Kiểm soát bệnh tiểu đường

Bệnh tiểu đường gây ra rất nhiều biến chứng nếu không kiểm soát tốt, đặc biệt là các biến chứng liên quan đến tim mạch. Xét nghiệm đường máu định kỳ và tuân thủ dùng thuốc đều đặn theo chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa, tránh kiêng ăn quá mức gây mệt mỏi.

Những bệnh nhân có tiền sử tiểu đường trên 10 năm nên tạo thói quen đi kiểm tra sâu về tim mạch hằng năm, vì nguy cơ bị bệnh tim mạch là rất cao. Nên xây dựng thực đơn ăn dài hạn cho mình khi bị tiểu đường.

10. Kiểm tra sức khoẻ định kỳ

Kiểm tra sức khoẻ toàn diện, theo dõi lượng mỡ máu, đường máu, siêu âm tim, điện tim… định kỳ 6 tháng/lần.

Khi có các yếu tố nguy cơ (trên 50 tuổi, béo phì, hút thuốc lá, bệnh tim mạch hoặc tiểu đường, ít vận động, có tiền sử đau ngực, tiền sử cha mẹ người thân bị bệnh tim mạch..) hoặc trên điện tim, siêu âm tim nghi ngờ, bạn không chần chờ, hãy chụp cắt lớp hệ động mạch vành hoặc chụp mạch vành tim.

Dấu hiệu nhận biết đột quỵ

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại