Bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai cảnh báo nguy cơ ngộ độc 1 loại khí từ những thiết bị nhà bếp hiện đại

Ngọc Minh |

3 nhân viên của một nhà hàng tại Hà Nội được đưa tới Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu trong tình trạng suy hô hấp, hôn mê do ngộ độc khí CO (carbon monoxide) trong nhà bếp.

Nội dung chính

  • 3 nhân viên trong một nhà hàng được chẩn đoán ngộ độc khí CO.
  • Nguyên nhân ngộ độc là do thiết bị đun nấu đốt khí gas không hoàn toàn nên tạo ra khí CO.
  • Cách phòng ngừa ngộ độc khí CO tại nhà bếp.

Ngộ độc khí CO từ thiết bị nhà bếp hiện đại

Mới đây, 3 bệnh nhân làm việc trong căn bếp của một nhà hàng tại Hà Nội được đưa tới Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng nôn, hôn mê, suy hô hấp. Theo một bệnh nhân, sáng hôm đó, có 6 người cùng làm việc trong căn bếp rộng khoảng 25 - 30m2. Căn bếp không có mùi gì bất thường. Tuy nhiên, đến tầm 9h cùng ngày, bệnh nhân này bị ngất. Khi bệnh nhân tỉnh dậy thì được biết có một đồng nghiệp khác cũng bị ngất như mình và một người khác có các biểu hiện khó chịu. Cả 3 người được chẩn đoán ngộ độc khí CO.

"Hiện nồng độ CO trong máu của tôi rất cao, HbCO lên tới hơn 30% trong khi bình thường chỉ khoảng dưới 1%. Bác sĩ nói tôi sau này sẽ có thể bị suy giảm trí nhớ. Tôi đã hơn 10 ngày điều trị ô-xy cao áp, dùng thuốc dự phòng tránh biến chứng tâm thần, thần kinh. Hiện, tôi thấy người vẫn còn rất mệt", bệnh nhân trên chia sẻ.

TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho hay, Trung tâm đã tiếp nhận nhiều ca ngộ độc khí CO do sử dụng bình đun nước nóng chạy bằng khí gas, bồn chiên dầu sử dụng đồng thời khí gas và điện.

Liên quan tới 3 trường hợp ngộ độc khí CO ở căn bếp nêu trên, bác sĩ Nguyên nhân định chắc chắn do các thiết bị đun nấu đốt khí gas không hoàn toàn nên tạo ra khí CO.

Đáng chú ý, căn bếp này mới lắp đặt, các thiết bị đều hoàn toàn mới và đang trong giai đoạn chạy thử. Tại căn bếp có sử dụng bồn chiên dầu (sử dụng đồng thời khí gas và điện) nên có nguy cơ ngộ độc khí CO cao.

 - Ảnh 1.

Bồn chiên dầu sử dụng đồng thời khí gas và điện nguy cơ cao sinh ra khí CO (Ảnh minh họa).

Theo bác sĩ Nguyên, để tránh tình trạng ngộ độc khí CO trong nhà bếp, các cơ quan chức năng cần vào cuộc để kiểm tra, kiểm định lại các sản phẩm nhà bếp có sử dụng khí gas. Đồng thời, cần tránh trường hợp hàng loạt sản phẩm sử dụng khí gas không an toàn được bán ra thị trường làm tăng nguy cơ gây ngộ độc khắp nơi cho nhiều người.

Khí CO nguy hiểm ra sao?

"CO là chất khí không màu, không mùi, không gây kích ứng đường hô hấp. Do đó, rất khó nhận biết được sự có mặt của CO trong không khí. Khí CO được hình thành do sự đốt cháy không hoàn toàn các chất liệu có chứa carbon như: Xăng, dầu, khí đốt tự nhiên, gỗ hoặc than củi, nhựa, vải, rơm, rạ.... Hoặc một số trường hợp cá biệt do các hóa chất được hấp thu qua da vào trong cơ thể rồi mới được chuyển hóa thành khí CO và gây ngộ độc", bác sĩ Nguyên nói.

Khí CO hấp thu nhanh vào cơ thể gây ngộ độc, trường hợp nhẹ thì gây buồn nôn, đau đầu, dễ tưởng nhầm là cảm cúm hay ngộ độc thức ăn, nặng thì có thể khiến người/vật hít phải bất tỉnh và tử vong. Các cơ quan trong cơ thể hay bị tổn thương và thường bị nặng bởi khí CO là: não, tim, cơ,... Hậu quả của ngộ độc khí CO là não, tim và các cơ quan bị tổn thương, suy sụp, từ đó dẫn tới tử vong hoặc có di chứng lâu dài.

Theo bác sĩ Nguyên, 50% các bệnh nhân bị nhiễm độc khí CO dù là nhẹ, sau khi được điều trị vẫn sẽ bị các di chứng về tâm thần, thần kinh, sa sút trí tuệ, suy giảm trí nhớ sau này. Một phần ba những người bị ngộ độc nặng ban đầu có tổn thương tim mạch sẽ tử vong trong vòng 8 năm sau này do biến chứng loạn nhịp tim.

Bác sĩ Nguyên khuyến cáo: "Tất cả các nơi có thể phát sinh khí CO như các bếp cần phải lắp các thiết bị theo dõi và báo động nồng độ khí CO, khí gas để kịp thời phát hiện và tránh các vụ ngộ độc hoặc cháy nổ đáng tiếc xảy ra".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại