Ngay từ những năm đàu tiên hoạt động ở Pháp, Bác Hồ đã tiếp xúc với nhiều nhà báo cách mạng, học hỏi nghiệp vụ báo chí và liên tục viết báo cho đến những năm tháng trước khi từ giã cuộc đời. Người không nhận mình là nhà thơ, nhà văn, là họa sĩ, nhà sáng tác kịch, nhưng Người vui vẻ nhận mình là nhà báo. Người quen biết, tiếp xúc và có quan hệ với hàng trăm nhà báo thuộc các châu lục.
Theo Thu Trang, tác giả cuốn Hồ Chí Minh ở Paris, xuất bản ở Paris bằng tiếng Pháp (1993), thì người phóng viên đầu tiên đã phỏng vấn Bác Hồ là một nhà báo Mỹ và cuộc phỏng vấn diễn ra hai tháng sau khi Người thay mặt những người yêu nước Việt Nam ở Paris đưa bản Yêu sách của nhân dân Việt Nam đến Hội nghị Vécxây tháng 6 - 1919. Nội dung cuộc phỏng vấn này đã được đăng trên tờ báo Trung Quốc tên là Y Chê Pao, xuất bản ở Triều Tiên, ngày 20-9-1919.
Osip Manđensstan - nhà thơ, nhà báo Nga, đã được Nguyễn Ái quốc dành cho cuộc phỏng vấn "có một không hai" tại Mátxcơva năm 1923, khi Người đến thăm Quốc tế Cộng sản. Bài viết của ông về cuộc tiếp xúc này được đăng trên tạp chí Ngọn lửa nhỏ (tháng 12-1923). "Cả con người Nguyễn Ái Quốc toát lên một vẻ lịch thiệp và tế nhị thiên phú" - tác giả viết như vậy và kết luận: "…qua dáng điệu trang nhã và giọng nói thâm trầm của Nguyễn Ái Quốc, người ta như nghe thấy vọng lại âm thanh của ngày mai, âm thanh trầm hùng của đại dương bao la tình hiền ái, đại đồng".
Theo một bài viết của Nguyễn Thành đăng trên báo Nhân dân cuối tuần (số 37, ngày 13-9-1998), được biết, từ khi làm Chủ tịch Đảng và Chủ tịch nước, trong những cuộc họp báo, Bác Hồ đã gặp hơn 250 nhà báo nước ngoài của 17 nước, đại diện cho những tờ báo thuộc nhiều xu hướng chính trị khác nhau: tả và hữu, tiến bộ và phản động, báo viết, phát thanh và truyền hình.
Để trả lời phỏng vấn một cách chủ động, linh hoạt, thích hợp, Người luôn nắm vững đối tượng tiếp chuyện, xu hướng chủ đạo của tờ báo, phân biệt tinh tế giữa cá nhân phóng viên và bản chất tờ báo. Mỗi câu trả lời là một dịp Người bày tỏ lập trường, quan điểm của mình, cũng chính là lập trường, quan điểm của Chính phủ và nhân dân ta với người đọc tờ báo đó, với nhân dân nước đó và cả các nước khác.
Phóng viên của báo Chiến đấu đã viết: "Cụ Hồ Chí Minh, Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, tiếp tôi một cách giản dị. Cụ là một người đã có tuổi. Một cặp mắt tinh anh và hiền hậu. Nét mặt hiền lành nhưng có vẻ kiên quyết. Một bộ râu đen lại làm cho vẻ mặt Cụ thêm vẻ Á Đông.
Cụ mặc một bộ quân phục, không có trang sức gì cả, làm cho người ta nghĩ đến những người của Cách mạng tháng Mười. Cụ nói thong thả rất thạo tiếng Pháp, biết cả mọi cái nhuần nhị của nó. Giọng nói rõ ràng, minh bạch, không trau chuốt, không kiểu cách…Cụ mang vững trên vai cả vận mệnh của một dân tộc mà Cụ là đại biểu những đức tính đặc biệt của dân tộc đó…"
Không chỉ dành thời gian, Người còn dành cả tình cảm đặc biệt cho những nhà báo có thiện cảm sâu sắc với sự nghiệp đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam. A. Violis là người được Bác Hồ tiếp rất nhiều lần. Bà từng sang Việt Nam năm 1931 và là tác giả cuốn Đông Dương kêu cứu nổi tiếng, trong đó ghi lại cuộc tiếp xúc của bà với Lý Tự Trọng - người thanh niên anh hùng - trong nhà tù của thực dân.
Madeleine Riffaud cũng là một trường hợp đặc biệt. Năm 1946, nhà báo ưu tú này vừa tròn 18 tuổi, đã có mặt trong Đoàn Thanh niên cộng sản Pháp đến chào Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bác đã ôm hôn lên trán và âu yếm hỏi: "Cô gái Paris dũng cảm là đây ư ?" và Người đã gọi Riffaud là "con gái của tôi" (Ma File).
Bác nói với Riffaud: "Làm báo là nghề chân chính !" và động viên: "Bây giờ con hãy làm việc, học tập. Khi nào trở thành nhà báo, con hãy sang Việt Nam! Bác sẵn sàng đón con bất cứ lúc nào, như đón con gái Bác!"
Wilfred Burchett, nhà báo Ôxtrâylia nổi tiếng thế giới từ những năm 1940 - 1950, đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp ngay giữa núi rừng Việt Bắc tháng 3-1954, ít lâu trước khi chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử thắng lợi, đánh bại thực dân Pháp. Sau cuộc gặp gỡ này, Burchett viết: "Cảm giác đầu tiên của tôi là sự thân mật, ấm áp và giản dị. Hồ Chủ tịch có khả năng khiến người ta thấy nhẹ nhõm ngay từ khoảnh khắc đầu tiên và trình bày những vấn đề phức tạp nhất chỉ trong vài từ và cử chỉ rõ ràng…".
Về sau, ông nói rõ hơn trong Hồi ký của nhà báo nổi loạn: Tiểu sử tự thuật của Wilfred Burchett: "Trong những cuộc gặp tiếp theo với nhân cách vĩ đại này, sự ấm áp, giản dị, cách thể hiện rõ ràng xuất phát từ trí tuệ mẫn tiệp, và sự thấu hiểu trọn vẹn chủ đề khiến ta có ấn tượng vô cùng sâu sắc. Bất cứ ai được Hồ Chủ tịch tiếp đều bình luận về những phẩm chất ấy và cao hơn hết là cảm giác của họ ngay lập tức được "ở nhà" với Người".
Trong hồi ức của mình, Franz Faber, nhà báo Đức đầu tiên sang Việt Nam sau chiến thắng Điện Biên Phủ, cho biết: Ông và các nhà báo W.Burchett, M. Riffaud cùng một số nhà báo các nước xã hội chủ nghĩa đã được Bác Hồ tiếp trong Phủ Chủ tịch, nghe Người nói về những vấn đề nóng bỏng đang đặt ra cho cách mạng Việt Nam. Vinh dự của ông là đã được theo Bác Hồ đi công tác ở Việt Bắc và vùng đồng bằng sông Hồng, chứng kiến mối quan hệ mật thiết giữa vị lãnh tụ và đồng bào.
Ông đã viết: Chính trong chuyến đi ấy, Bác Hồ đã khuyên ông đọc Truyện Kiều và nếu thấy có điều kiện thì dịch tác phẩm vĩ đại này ra tiếng Đức. Sau này, khi biết vợ chồng ông đã hoàn thành bản dịch Truyện Kiều trong 7 năm, Người nói: "Như vậy là trong 7 năm đó, các bạn chỉ nghĩ đến Việt Nam !".
Lần cuối cùng ông được gặp Bác là vào tháng 2 năm 1965. Lúc đó, ông và một số đồng nghiệp Liên Xô, Tiệp Khắc vừa ở Đồng Hới về. Đó cũng là lần đầu tiên máy bay Mỹ bị bắn rơi trên miền Bắc. Bác Hồ nói với họ: "Với Đồng Hới, Mỹ bắt đầu thua ở Việt Nam rồi đấy!"
Những kỷ niệm tương tự về Bác Hồ, có thể đọc trong các hồi ức của Fritz Jensen, nhà báo người Áo (Gặp gỡ với cha Hồ); của Artur Maunbar, nhà báo Đức (Buổi sáng đẹp trời); của Georg Polikeit, Tổng Biên tập báo Thời đại chúng ta (Đêm xuân ấy, bên Bác Hồ); của Marta Rohat, nữ nhà báo Cuba ("Tôi hiến dâng cả đời tôi cho dân tộc tôi")…Cũng như Madeleine Riffaud, nữ nhà báo Honolore Kauffelt, phóng viên báo Nước Đức mới đã được Bác Hồ nhận làm "con đỡ đầu".
Gần một năm trước khi vĩnh biệt cuộc đời này, Bác đã tiếp nhà báo, phóng viên chiến tranh nổi tiếng của Mỹ, Walter Lipmann, ở Hà Nội. Rất thân mật, Người nói: "Tôi xin mời nhà báo một tách nước trà Á Đông đê rồi chúng ta đi sâu vào câu chuyện. Tôi đáp nhà báo bằng thổ ngữ San Francisco để chúng ta nắm chắc vấn đề, vì có phiên dịch chúng ta sẽ nói chuyện mất hứng đi (San Francisco là quê hương của Walter Lipmann-T.G…). Nếu có lời nào không rõ, ông cứ hỏi lại để ông hiểu, vì lâu rồi tôi không có dịp trao đổi thổ ngữ của nhà báo".
Không chỉ viết báo về những lần được tiếp xúc với Bác Hồ, nhiều nhà báo quốc tế, với tấm lòng thành kính sâu sắc, dành thời gian nghiên cứu, tìm hiểu cuộc đời, sự nghiệp của Người và công bố nhiều công trình dài hơi.
Có thể nói đến cuốn Đồng chí Hồ Chí Minh của E. Kobelev, người nhiều năm là phóng viên Thông tấn xã Liên Xô thường trú tại Việt Nam. Cuốn sách dày 380 trang, được Nhà xuất bản Tiến bộ (Mátxcơva) và Nhà xuất bản Thanh niên (Hà Nội) ấn hành năm 1985.
Một công trình khác, có tên là Hồ Chí Minh - vị cứu tinh của hòa bình, độc lập và hạnh phúc của Geetesh Sharma, một phóng viên, nhà báo Ấn Độ, từng là chủ bút của rất nhiều tờ báo khác nhau.
Cũng như E.Kobelev, G.Sharma đã dành nhiều trang đánh giá cao những cống hiến vĩ đại và tầm vóc cao cả của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong sự nghiệp chung của loài người tiến bộ. Riêng ở Cộng hòa Liên bang Đức, người ta có thể đọc các tác phẩm: Hồ Chí Minh - một cuộc đời vì Việt Nam (M.Stunmann), Những ngày với đồng chí Hồ Chí Minh (nhiều tác giả), Tiểu sử Chủ tịch Hồ Chí Minh (H.Szepomik) Chủ tịch Hồ Chí Minh - một sự nghiệp vĩ đại của nhân dân Việt Nam (nhiều tác giả), Kỷ yếu Hội thảo Hồ Chí Minh và sự phát triển của phong trào cộng sản ở Việt Nam (Hội thảo do trường Đại học Tổng họp Passau tổ chức tháng 6-1990 với sự tham dự của nhiều nhà báo và nhà khoa học danh tiếng).
Gần đây nhất có cuốn Hồ Chí Minh - một biên niên sử của nhà báo Helmut Kapfenberger, người đã nhiều năm làm phóng viên thường trú của Thông tấn xã và báo Đảng ở Việt Nam. Cũng dịp này, Kapfenberger có bài viết đăng trên báo Nước Đức mới với nhan đề Một tượng đài cách mạng. Bài báo viết: "Cái tên Hồ Chí Minh đã trở nên hết sức quen thuộc với nhiều thế hệ thanh niên Đức trước đây, nhất là trong những năm 60 của thế kỷ trước.
Các cuộc biểu tình lớn của sinh viên Tây Đức và Tây Berlin năm 1968 đã hô vang khẩu hiệu "Hồ - Hồ - Hồ Chí Minh" như sự thể hiện tình đoàn kết gắn bó với nhân dân Việt Nam. Họ kêu gọi Mỹ chấm dứt chiến tranh ở Đông Dương và yêu cầu Chính phủ Cộng hòa Liên bang Đức ngừng ủng hộ Mỹ".