Chẳng mấy người bình thường có duyên được đích thân Tổng thống Nga mời sang thăm. Được mời đi cùng trên chuyên cơ của Tổng thổng thì càng hiếm. Riêng đối với ông Trần Viết Hoàn, chuyến đi đó còn đặc biệt hơn, vì ông tin rằng, nó là do “cái phước của Cụ Hồ để lại”.
Vốn là một người lính cận vệ trực tiếp bảo vệ Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã từng có những năm tháng sống cạnh Bác, rồi sau đó là 16 năm “giữ nhà cho Bác” trên cương vị là Giám đốc khu di tích Phủ Chủ tịch, cho đến bây giờ, cứ mỗi lần nhắc đến Bác là trong mắt ông Hoàn lại ánh lên sự ngưỡng mộ xen lẫn một niềm tự hào khó tả.
Ông Trần Viết Hoàn và cuốn sách do ông viết về Bác
“Không tự hào sao được. Con dân Việt Nam chúng ta ai chẳng mong được gặp Bác dù chỉ là một lần, dù chỉ là đứng từ xa nhìn lại cũng thấy sung sướng lắm rồi. Đằng này tôi ngày nào cũng được gặp Bác. Tôi tin rằng nhiều người sẵn sàng đánh đổi tất cả để có được cái diễm phúc đó của tôi”.
Cái cách ông Hoàn kể về Bác, về những kỷ niệm ngày còn bảo vệ Bác chứa đựng cả sự tôn kính và yêu thương khiến người nghe không sao dứt ra được. Có lẽ chính những tình cảm chân thành đó của ông đã gây ấn tượng mạnh đối với Tổng thống Nga Vladimir Putin khi ngài Tổng thống tới Khu di tích Phủ Chủ tịch trong chuyến thăm chính thức Việt Nam năm 2001.
Bức ảnh chụp cùng Tổng thống Putin được ông treo ở một vị trí trang trọng trong nhà
“Hơn chục năm rồi nhưng tôi vẫn nhớ như in cái lần đó, lần tôi trực tiếp hướng dẫn và giới thiệu cho Tổng thống Putin về khu di tích nơi Bác Hồ đã từng sống và làm việc. Đó không phải là lần đầu tiên tôi giới thiệu với một nguyên thủ quốc gia về nơi này, nhưng thực sự là buổi giới thiệu đem lại nhiều cảm xúc nhất với tôi.
Chỉ cần nhìn cái cách mà ông ấy chăm chú nghe từng lời giới thiệu, thấy sự trân trọng qua từng ánh mắt khi ông ấy nhìn những đồ vật Bác đã dùng cũng có thể thấy tình cảm của Tổng thống Putin dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh như thế nào. Thêm nữa, ông nội của Tổng thống Putin đã từng mà người nấu ăn cho Lenin, mà Cụ Hồ lại luôn coi mình là một người học trò của Lenin, vì thế nếu ông Putin có tình cảm đặc biệt với Cụ thì cũng không có gì khó hiểu”, ông Hoàn nhớ lại.
Theo lời ông Hoàn thì trong chuyến thăm ấy, khi đang chăm chú lắng nghe, đột nhiên Tổng thống Putin ngắt lời ông bằng một câu hỏi: “Khi Chủ tịch Hồ Chí Minh còn sống, ông có được gặp Người không?”
“Lúc đó tôi rất tự hào, ngẩng cao đầu và nói: ‘Thưa ngài, tôi chính là một trong những người lính cận vệ đã ngày đêm bảo vệ Cụ Hồ’".
"Dù là một chính khách lớn, nhưng Tổng thống Putin vẫn không giấu được vẻ vui mừng, phấn khởi. Ông nắm lấy tay tôi và nói: ‘Tôi rất quý những người đã được gần gũi với Hồ Chủ tịch. Ngày mai tôi về nước rồi, tôi mời ông và phu nhân đi cùng tôi sang thăm Nga”, ông Hoàn hồi tưởng.
“Tôi rất bất ngờ, và cả tự hào nữa chứ. Chẳng có mấy người được đích thân Tổng thống Nga mời sang thăm, lại được mời đi cùng trên chuyên cơ của Tổng thống thì có mơ cũng khó. Lưỡng lự một chút nhưng cuối cùng tôi vẫn từ chối vì dù sao cũng cần phải xin ý kiến của cấp trên. Tôi lấy lý do phải thu xếp công việc gia đình rồi sẽ báo lại sau”.
Ngay lập tức, Tổng thống Putin quay sang bảo với Đại sứ Nga đi cùng trong đoàn liên lạc với Bộ Văn hóa Nga làm thủ tục mời ông Trần Viết Hoàn cùng phu nhân và thêm 2 cán bộ của khu di tích sang thăm Nga.
Nhưng vì một số lý do mà phải đến hơn 1 năm sau tất cả các thủ tục mới được hoàn tất. Nhiều lúc ông cũng nghĩ “chắc nhiều việc quá nên họ quên mất rồi”. Rồi bất ngờ, một ngày, ông nhận được thư mời từ Đại sứ quán Nga. Cả nhà nhộn nhạo cả lên chuẩn bị cho chuyến đi của hai ông bà.
Phấn khởi nhất có lẽ là vợ ông vì đây là lần đầu tiên bà được sang Nga, lại còn do đích thân Tổng thống Putin mời nữa. “Bà ấy cầm thư mời đi khoe khắp lối xóm, ai cũng vui mừng cho vợ chồng tôi. Còn với riêng tôi, tôi biết rằng đó chính là cái phước mà Cụ Hồ đã để lại cho gia đình chúng tôi”.
Trong suốt chuyến đi, ông Hoàn rất bất ngờ trước sự tiếp đón trọng thị và nồng hậu mà phía bạn dành cho mình. “Họ thông báo cả cho Đại sứ quán Việt Nam ở Nga nữa nên khi vừa sang đến nơi đã có người của Đại sứ quán và Bộ Văn hóa Nga chờ sẵn. Chúng tôi được ở trong khách sạn Nga, hồi đó là khách sạn to nhất ở Thủ đô Mátxcơva, được bà Thứ trưởng Bộ Văn hóa Nga tiếp đón, và trong suốt cả chuyến đi luôn có một vị trưởng phòng đối ngoại của Bộ Văn hóa Nga trực tiếp đưa đi tham quan khắp nơi”.
“Đây là bà Thứ trưởng Bộ Văn hóa Nga, người tiếp đón tôi trong chuyến thăm”
Chuyến đi của vợ chồng ông Hoàn chỉ kéo dài 1 tuần và khi sang Nga, ông cũng không có cơ hội được gặp lại Tổng thống Putin. Nhưng đối với ông, đó vẫn là một chuyến đi vô cùng đặc biệt. Điều đặc biệt thứ nhất là chuyến thăm do đích thân Tổng thống Putin mời. Còn điều đặc biệt thứ hai, như ông vẫn luôn nhắc đi nhắc lại, đó chính là “nhờ cái phước của Cụ Hồ”.
Bộ búp bê gỗ truyền thống ông Hoàn được Bộ Văn hóa Nga tặng khi kết thúc chuyến thăm