Ngay khi Mỹ triển khai quân đội ở Ba Lan, Nga chắc chắn sẽ đưa ra một phản ứng tương xứng gần biên giới Ba Lan.
Theo đó, các chuyên gia của tờ People's Daily cho rằng, Ba Lan có nguy cơ trở thành chiến trường cho các trò chơi chính trị giữa Mỹ - Nga và có khả năng đây sẽ là khởi đầu của một cuộc xung đột địa chính trị mới.
People's Daily viết, cuộc xung đột giữa Ba Lan và Nga có một lịch sử lâu dài, do đó cả hai nước gần như không thể hòa giải được.
Đây chính xác là những gì dẫn tới việc Ba Lan kêu gọi Washington đưa binh lính mà Mỹ đang rút khỏi Đức sang triển khai. Ba Lan tin rằng họ có thể tận dụng sự hiện diện của quân đội Mỹ để chống lại mối đe dọa từ Nga.
Cũng theo ấn phẩm của Trung Quốc, khoảng cách giữa Warsaw và Moscow chỉ là 700 km và nếu số lượng lính Mỹ đồn trú tại đây tăng lên thì tiềm năng hoạt động quân sự chống lại Nga cũng sẽ được cải thiện đáng kể.
Do đó, Nga sẽ phải tăng cường cảnh giác trước Ba Lan, vì trước đó, Warsaw đã kìm hãm việc triển khai chiến lược quân sự của Nga ở một mức độ nhất định.
“Cả Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đều coi Ba Lan là một rào cản lớn và là thành trì quan trọng chống lại Nga. Nếu một số lượng vũ khí quân sự được triển khai ở Ba Lan, thì nếu xảy ra một cuộc chiến giữa NATO và Nga, họ sẽ chỉ cần đưa quân đội về phía Nga.
Đồng thời, do Ba Lan có chung biên giới với Nga, Mỹ có thể sử dụng điều này như một cái cớ để tăng cường giám sát hoạt động quân sự của Nga, từ đó ngăn chặn hiệu quả sự phát triển sức mạnh quân sự Nga”, tờ People's Daily nhận định.
Tuy nhiên, loạt hành động này về phía Mỹ sẽ gây ra phản ứng mạnh mẽ từ Nga. Một khi Mỹ triển khai quân sự ở Ba Lan, thì Nga cũng sẽ buộc phải triển khai lực lượng vũ trang tương tự để trả đũa.
Khi điều đó xảy ra, Ba Lan sẽ không những không có được triển vọng lớn cho sự phát triển hòa bình mà họ mong muốn, mà ngược lại, nó “sẽ gây ra một cơn bão trong tình hình vốn đã căng thẳng”.
“Khi thấy mình ở trung tâm của cơn bão này Ba Lan sẽ khó khăn hơn gấp trăm lần so với bây giờ. Đất nước này có thể biến thành một chiến trường cho các “trò chơi chính trị giữa hai ông lớn và trở thành một nút then chốt để Mỹ kiềm chế sức mạnh quân sự của Nga”. Và có khả năng đây là sự khởi đầu của một cuộc xung đột địa chính trị mới”, tờ People's Daily nhấn mạnh.
Các tác giả của People's Daily nhận định, Hoa Kỳ nói chung hài lòng với sự liên kết này do họ cần vị trí của Ba Lan. Đầu tiên, Mỹ cần một đối trọng chống Nga khác. Thứ hai, người nộp thuế Ba Lan có thể cung cấp hỗ trợ cho hàng nghìn lính Mỹ nhờ các khoản vay từ Liên minh châu Âu (EU).
Bình luận về thông tin Mỹ đang lên kế hoạch tái bố trí các lực lượng từ Đức sang Ba Lan, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Aleksandr Grushko tuyên bố:
“Nếu Warsaw có ý định muốn đặt nước này vào vị trí một quốc gia tuyến đầu, bằng cách thành nơi đồn đóng thường trực của các lực lượng nước ngoài, Ba Lan có lẽ nên hiểu rõ tất cả những cái giá liên quan, trong đó có sự lo ngại cho chính an ninh của nước này”.
Tuyên bố trên được đưa ra sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 24/6 thông báo Washington dự kiến điều chuyển một số binh sĩ đồn trú tại Đức sang Ba Lan khi nhà lãnh đạo Mỹ gặp người đồng cấp Ba Lan Andrzek Duda ở Nhà Trắng.
Trong cuộc họp báo chung sau hội đàm, ông Trump tuyên bố Mỹ sẽ giảm lực lượng đồn trú tại Đức từ 52.000 binh sĩ xuống 25.000. Ông Trump nói rằng: “Một số binh sĩ sẽ về nhà và một số khác sẽ được điều chuyển đến những nơi khác. Ba Lan là một trong những nơi đó”.
Đáp lại, Tổng thống Ba Lan Andrzek Duda cho rằng quyết định trên của Mỹ “rất hợp lý”. Ông Duda cũng cho biết ông đã đề nghị Tổng thống Trump không rút quân Mỹ khỏi châu Âu. Ông nhấn mạnh “vì an ninh của châu Âu rất quan trọng đối với tôi”. Ông Duda cũng bày tỏ hy vọng xây dựng mối quan hệ đồng minh mạnh mẽ hơn giữa hai nước.
Trước đó, Đại sứ Mỹ tại Ba Lan Georgette Mosbacher cho biết “nếu Đức muốn thu hẹp năng lực hạt nhân và làm suy yếu NATO, thì có lẽ Ba Lan sẽ là nơi triển khai các tiềm lực đó”.
Bà Mosbacher đưa ra tuyên bố trên nhằm hưởng ứng lời kêu gọi của Đại sứ Mỹ tại Đức Richard Grenell về việc Berlin cần giữ kho vũ khí hạt nhân của Mỹ để chống lại các mối đe dọa tiềm tàng từ Nga, Trung Quốc và Triều Tiên.
“Mục đích của việc chia sẻ vũ khí hạt nhân của NATO là cho phép các quốc gia thành viên phi hạt nhân tiếp tục tham gia chính sách răn đe của NATO. Sự tham gia của Đức vào hoạt động chia sẻ hạt nhân là để đảm bảo rằng tiếng nói của họ rất quan trọng. Đức nên đảm nhận trách nhiệm này hay chỉ ngồi nhìn và tận hưởng những lợi ích kinh tế của an ninh được cung cấp bởi các đồng minh khác?”.
Mỹ được cho là đang có khoảng 150 đơn vị vũ khí hạt nhân ở châu Âu. Mục đích của việc chia sẻ vũ khí hạt nhân của NATO là cho phép các quốc gia thành viên phi hạt nhân của NATO tiếp tục tham gia chính sách răn đe của NATO.
Tuy nhiên, Nga luôn phản đối việc mở rộng về phía đông của NATO và triển khai vũ khí hạt nhân gần biên giới với Nga. Hiện, giới chức Đức cũng phản đối mạnh mẽ việc Mỹ tiếp tục triển khai vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ Đức.
Mới đây, Thứ trưởng Ngoại giao Nga, ông Vladimir Titov tuyên bố Moscow sẽ đáp trả nếu Washington triển khai vũ khí hạt nhân ở Ba Lan. “Nga sẽ đáp trả thích đáng mọi hành động tương tự như vậy”, Thứ trưởng Titov lưu ý.