Ba kích còn có tên ba kích thiên, dây ruột gà, tên khoa học: Morinda officinalis How. Bộ phận dùng là rễ phơi hay sấy khô của cây ba kích thiên. Khi sử dụng, ủ mềm, rút bỏ lõi, thái mỏng, phơi khô hoặc tẩm rượu sao qua. Theo Đông y, ba kích vị cay ngọt, tính ôn; vào kinh can thận. Có tác dụng bổ thận tráng dương , cường cân tráng cốt, khu phong trừ thấp. Dùng cho các trường hợp liệt dương di tinh, đau lưng mỏi gối, tiểu tiện không kìm. Đặc biệt với nam giới, ba kích làm tăng khả năng giao hợp, tăng cường sức dẻo dai, hỗ trợ và cải thiện hoạt động sinh dục cũng như hỗ trợ điều trị vô sinh.
Ôn thận tráng dương
Bài 1: Hoàn ba kích thiên: ba kích 16g, ngũ vị tử 6g, đảng sâm 12g, thục địa 12g, nhục thung dung 12g, long cốt 12g, cốt toái bổ 12g. Tất cả nghiền thành bột mịn, luyện với mật ong làm hoàn. Ngày uống 2 - 3 lần, mỗi lần 12g. Trị thận hư, đau lưng, hoạt tinh.
Ba kích là vị thuốc hỗ trợ và cải thiện hoạt động sinh dục cho nam giới.
Bài 2: ba kích 12g, đảng sâm 12g, phúc bồn tử 12g, thỏ ty tử 12g, sơn dược 24g, thần khúc 12g. Tất cả tán thành bột, luyện với mật ong làm hoàn. Ngày 2 lần, mỗi lần 12g. Trị nam giới sinh lý yếu, xuất tinh sớm, nữ giới dương hư không có thai.
Bài 3: ba kích 15g, thục địa 15g, sơn thù 12g, kim anh tử 12g. Sắc uống. Trị thận hư, di tinh, nam giới sinh lý yếu.
Tráng cốt khởi ủy
Bài 1: ba kích 12g, hạt quýt 12g, tiểu hồi hương 4g. Sắc uống. Trị thoát vị, bìu sưng đau.
Bài 2: Rượu ba kích ngưu tất: ba kích 30g, ngưu tất sống 30g, rượu 500ml, ngâm 7 ngày, bỏ bã, uống với nước nóng, mỗi lần 30 - 60ml. Không được uống say. Dùng cho các trường hợp sinh lý yếu; đau lưng mỏi gối, chân yếu, run.
Bài 3: Rượu dương hoắc huyết đằng ba kích: dâm dương hoắc 40 - 60g, kê huyết đằng 40 - 60g, ba kích 40 - 60g, đường phèn 30g, rượu trắng 750ml. Ngâm sau 7 ngày. Uống mỗi lần 20 - 30ml, ngày 2 lần. Dùng cho các trường hợp thận hư, phong thấp có triệu chứng đau nhức xương khớp, đau lưng mỏi gối.
Kiêng kỵ: Người âm hư hỏa vượng, đại tiện táo kết đều không được dùng.