Trong tuyên bố hôm qua trên Twitter, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đề cập đến khả năng cuộc tấn công nhằm vào Syria "không diễn ra". Tuy nhiên, chỉ một ngày trước, nỗi sợ hãi về một cuộc chiến tranh toàn diện đã lan rộng sau khi ông Trump cảnh báo Nga "hãy sẵn sàng" bởi "tên lửa tốt, mới và thông minh nhằm vào Syria sắp tới".
Cùng với lời đe dọa từ Mỹ, Anh đã bắt đầu di chuyển tàu ngầm vào vị trí, sẵn sàng cho một cuộc tấn công vào Syria. Thủ tướng Anh Theresa May còn triệu tập một cuộc họp nội các khẩn cấp để tìm kiếm sự hậu thuẫn của chính phủ Anh về việc tham gia liên minh cùng với Mỹ và Pháp tiến hành cuộc tấn công Syria mà không cần phải tham vấn quốc hội.
Trước đó, Nhà Trắng cho biết Tổng thống Trump vẫn chưa ấn định thời điểm tấn công quân sự vào Syria, và tất cả các phương án đều đang được cân nhắc.
Vậy những phương án mà ông Trump có thể lựa chọn là gì? Chúng sẽ dẫn tới hệ quả ra sao?
Tờ ABC News của Australia đã đưa ra 3 kịch bản cho cuộc tấn công quân sự của Mỹ và đồng minh nhằm vào Syria.
Một cuộc không kích mang tính biểu tượng
Lựa chọn có khả năng cao nhất và dễ dàng nhất đối với Mỹ là phát động một cuộc không kích ngắn hạn và mang tính biểu tượng như họ đã từng tiến hành sau vụ tấn công hóa học nhằm vào thị trấn Khan Sheikhoun, khiến 90 người thiệt mạng hồi năm ngoái.
Khói bốc lên sau cuộc tấn công của quân chính phủ Syria vào Douma. Ảnh: AP
Khoảng 60 tên lửa Tomahawk đã dội xuống căn cứ không quân Shayrat - nơi được cho là căn cứ xuất kích của các máy bay quân sự Syria thả chất độc hóa học xuống Khan Sheikhoun.
Đó là cuộc tấn công trực tiếp đầu tiên của Mỹ nhằm vào chính quyền Syria, khiến một đường băng, nhiều trạm nhiên liệu và máy bay bị phá hủy. Trong một thời gian ngắn, đã có những nghi ngờ rằng Mỹ sẽ tham gia vào cuộc chiến trên một quy mô lớn hơn và thay đổi chiều hướng cuộc chiến tranh tại đây.
Mỹ phóng tên lửa Tomahawk tấn công căn cứ không quân Syria tháng 4/2017
Tuy nhiên, tác động của cuộc không kích đó không kéo dài được bao lâu. Mức độ thiệt hại mà Mỹ gây ra cho Syria chỉ giới hạn ở một căn cứ không quân. Một năm đã trôi qua, chính quyền Assad vẫn tồn tại và thậm chí còn ở vị thế mạnh hơn trước đây. Quân đội Syria đã thắt chặt quyền kiềm soát của họ trên đất nước và đẩy lùi phe nổi dậy ra khỏi các khu vực then chốt.
Trong bối cảnh các lực lượng của Nga tiếp tục ủng hộ chính quyền Assad và lực lượng phiến quân do Iran hậu thuẫn, Mỹ cần nhiều hơn một cuộc tấn công tên lửa để có thể gây ra bất cứ tác động nào đối với cuộc chiến tranh trên đất nước Trung Đông này.
Xe bọc thép Nga tuần tra Aleppo. Ảnh: Reuters
Ngoài những thiệt hại về sinh mạng, một chiến dịch với quy mô lớn hơn sẽ mang lại tác động lớn hơn, thay vì đơn thuần chỉ gửi thông điệp rằng, nếu vẫn tiếp tục các cuộc tấn công hóa học, Assad và lực lượng của ông ta sẽ phải hứng chịu những cuộc tấn công trừng phạt tương tự.
Để kiềm chế hành động đáp trả của Mỹ sao cho chỉ dừng lại ở mức tối đa là một cuộc không kích, Nga có lẽ sẽ cần can thiệp mạnh mẽ hơn để bình định Syria.
"Tại Syria, Moscow đang ngồi ở ghế lái nhưng lại do dự không muốn cho xe chuyển bánh", Chuyên gia Joost Hiltermann viết trong một bài phân tích đăng tải trên website của Viện Lowy hồi năm ngoái, "Tuy nhiên, Nga có lẽ không có lựa chọn nào khác... nếu họ muốn duy trì lợi ích, sự tồn tại của chế độ Assad và nuôi viễn cảnh về một đất nước Syria đã được lập lại hòa bình".
Một cuộc tấn công kéo dài, có nguy cơ bị Nga trả đũa
Một cuộc tấn công kéo dài và có quy mô lớn hơn sẽ gây ra thiệt hại nặng nề hơn cho chính quyền Assad bằng cách phá hủy các cơ sở hạ tầng của chính phủ và quân đội nước này.
Cuối cùng, nó có thể buộc chính quyền Assad ngừng tiến hành các cuộc tấn công hóa học nhằm vào dân thường tại các khu vực do quân nổi dậy chiếm giữ hay thậm chí ngay cả khi chúng đã bị đẩy lùi.
Tuy nhiên, bước đi này có thể đẩy Mỹ và Nga rơi vào tình thế đối đầu trực diện, khiến cuộc xung đột leo thang ra khỏi biên giới Syria.
Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Hội nghị thượng đỉnh APEC 2017. Ảnh: AP
Ngoài ra, xét tới sự tín nhiệm của Mỹ đối với các tay súng người Kurd thì điều đó có thể làm bùng phát mạnh mẽ hơn xung đột giữa các nhóm người Kurd và Thổ Nhĩ Kỳ. Trước đó, Ankara đã điều quân tới bắc Syria để chiến đấu chống lại lực lượng người Kurd.
Chắc chắn tình huống này sẽ gây ra đổ máu lớn hơn trên mảnh đất Syria, nơi những người dân thường đã phải trả cái giá đắt nhất cho chiến tranh.
Những người dân đã thoát khỏi khí độc hóa học lại có thể chết vì một thứ khác. Các sinh mệnh tiếp tục bị tước đi, nhà cửa, bệnh viện, trường học tiếp tục bị phá hủy, không biết bao giờ mới chấm dứt.
Chiến tranh toàn diện
Tình huống xấu nhất là cuộc chiến tranh sẽ vượt ra ngoài biên giới Syria và lôi kéo nhiều cường quốc quân sự chủ chốt trên thế giới. Anh và Pháp đã biểu thị sẵn sàng hỗ trợ các cuộc không kích của Mỹ. Còn với Nga và lực lượng Iran, sẽ không còn quá xa vời khi nghĩ rằng "sự leo thang trong cuộc chiến này có thể là điềm báo của Thế chiến III".
Nhiều người từng đặt câu hỏi tại sao Mỹ không làm một việc đơn thuần là ám sát Bashar al Assad. Tuy nhiên, ngay cả khi Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) có sụp đổ thì thay thế chúng vẫn còn rất nhiều các nhóm thánh chiến và nổi dậy.
Sau sự can thiệp tương tự của Mỹ vào Libya - nơi Mỹ và đồng minh đã lật đổ thành công chế độ độc tài Muammar Gaddafi, chúng ta chỉ thấy sự bùng nổ bạo lực và sự bất ổn chính trị liên tục trong những năm gần đây.
Theo chuyên gia David Alpher tại Trường Phân tích và Giải quyết Xung đột, Đại học George Mason, việc bất ngờ lật đổ chế độ Assad có thể sẽ gây ra hệ lụy tồi tệ hơn là cuộc chiến hiện nay, nó sẽ làm giàu thêm các điều kiện vốn dĩ đã thuận lợi cho những phần tử cực đoan.
"Assad không nên tiếp tục cầm quyền nữa. Điều này đã được chứng minh trong 7 năm qua. Nhưng kinh nghiệm mách bảo tôi rằng ông ta nên bị loại bỏ một cách hợp pháp. Và quá trình đó phải do chính người dân Syria thực hiện, chứ không phải từ thế lực bên ngoài" - ông Alpher nói.