Mỹ, Anh, Pháp dọa "ăn tươi, nuốt sống" Syria: Quả bom nguyên tử xịt ngòi?

Ngọc Huy |

Sau tuyên bố đầy cứng rắn của TT Trump, tưởng như việc Mỹ và đồng minh tấn công Syria sẽ diễn ra trong ngày một, ngày hai. Tuy nhiên, thực tế diễn ra lại không như vậy!

Những động thái mới đây của Tổng thống Mỹ, cũng như từ phía Nga và Syria cho thấy "quả bom chiến tranh" ở Syria dường như đang được tháo kíp.

Danh dự của siêu cường

Những tuyên bố cứng rắn như "quyết định cuối cùng sẽ có trong 24-48 giờ tới"; "tên lửa đã sẵn sàng khai hỏa vào Syria" của Tổng thống Donald Trump và giới chức Mỹ trong mấy ngày gần đây liên quan tới cáo buộc chính quyền Syria sử dụng vũ khí hóa học chống lại dân thường ở thị trấn Douma, Đông Ghouta.

Về phần mình, Nga và Syria cũng đưa ra tuyên bố rằng đã sẵn sàng cho cuộc chiến. Cuộc đấu khẩu kết hợp với động thái triển khai phương tiện chiến đấu đã khiến không khí chiến tranh tưởng như cận kề.

Tuy nhiên, đó mới chỉ là bề nổi. Điều quan trọng là sau những tuyên bố đó, giới chức quân sự Mỹ phải đau đầu tìm phương án tác chiến tối ưu khi đối thủ không chỉ là Syria, mà còn là Nga, Iran. Đây là ván bài quân sự mà Mỹ và đồng minh không chắc thắng, giống như những lần can thiệp quân sự trước đây vào Lybia, Iraq, Afghanistan…

Ngoài ra, trước những lời cảnh báo sẽ đáp trả của Nga, nếu Mỹ và đồng minh tấn công Syria, có ai dám chắc cuộc chiến sẽ không vượt ngoài tầm kiểm soát và biến thành cuộc chiến toàn diện, thậm chí là tấn công trả đũa hạt nhân.

Mỹ, Anh, Pháp dọa ăn tươi, nuốt sống Syria: Quả bom nguyên tử xịt ngòi? - Ảnh 1.

Máy bay ném bom chiến lược B-1B của Mỹ.

Đều là hai siêu cường sở hữu kho vũ khí hạt nhân đủ để hủy diệt sự sống trên bề mặt Trái Đất tới vài lần, trong quá khứ, Mỹ và Liên Xô (Nga được coi là người kế thừa của Liên Xô) chưa bao giờ xung đột trực diện.

Kể cả trong những cuộc khủng hoảng trầm trọng nhất ở Cu Ba, Cận Đông hay Trung Quốc. Cả hai bên đều hiểu, nếu xảy ra chiến tranh toàn diện, sẽ không có ai chiến thắng cả. Vậy, đối với Washington, Syria có phải là vấn đề sống chết, liên quan tới vận mệnh của nước Mỹ hay không? Câu trả lời chắc chắn là không.

Một điểm đáng chú ý nữa là từ khi nắm quyền người đứng đầu nước Mỹ, Tổng thống Donald Trump đã xử lý nhiều vấn đề quốc gia như người điều hành tập đoàn kinh tế. Chiến tranh cũng là giống như đi làm kinh tế và ông Donald Trump chắc chắn không muốn nhận thua thiệt về mình.

Vấn đề chính là sau những tuyên bố lên gân và động thái chuẩn bị quân sự, nhưng không mang lại hiệu quả, Mỹ và đồng minh cần có lý do để xuống thang trong danh dự và êm thấm.

Tín hiệu xuống thang

Trong giây phút nước sôi lửa bỏng tại Syria, trong ngày 11-4, một thông tin có thể không khiến nhiều người chú ý đó là việc Nga và Syria tuyên bố phát hiện phim trường, bao gồm đầy đủ đạo cụ của tổ chức "Mũ trắng", một tổ chức phi chính phủ chuyên thực hiện các nhiệm vụ nhân đạo tại Syria.

Phim trường này được thiết kế để tạo ra các cảnh quay tấn công bằng vũ khí hóa học hay thảm kịch nhân đạo sau đó đổ lỗi cho chính quyền Syria. Phim trường này được phát hiện tại thị trấn Saqba, nằm cách không xa Douma, Đông Ghouta.

Ngoài ra, tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc, Nga cũng đề xuất phương án cho đoàn chuyên gia Tổ chức Cấm vũ khí hóa học (OPCW) tới Douma điều tra và kết quả đệ trình LHQ để giải quyết cuộc khủng hoảng Syria.

Mỹ, Anh, Pháp dọa ăn tươi, nuốt sống Syria: Quả bom nguyên tử xịt ngòi? - Ảnh 3.

Tổng thống Donald Trump

Cũng trong ngày 11-4, khác với những tuyên bố cứng rắn thường thấy về tình hình Syria, Tổng thống Donald Trump bất ngờ đăng trên trang Twitter cá nhân:

"Quan hệ giữa chúng ta với phía Nga đang trở nên tồi tệ hơn bao giờ hết, thậm chí còn có phần hơn cả thời chiến tranh Lạnh. Điều đó là không cần thiết. Nga cần sự giúp đỡ của chúng ta trong lĩnh vực kinh tế hơn. Điều đó thật dễ dàng và chúng ta có thể làm điều đó cùng nhau. Cuộc chạy đua vũ trang nên dừng lại?".

Đây là dòng trạng thái đầy bất ngờ sau những tuyên bố "ăn tươi, nuốt sống" Nga và Syria trước đó của ông Donald Trump.

Rõ ràng, những thông tin Nga và Syria đưa ra và phản ứng của Tổng thống Mỹ có thể là tín hiệu hạ nhiệt của "quả bom chiến tranh".

Ở kịch bản thuận lợi nhất, Nga và Mỹ sẽ đạt được thỏa thuận cho phép đoàn chuyên gia của OPCW được tiếp cận Douma với kết quả không tìm thấy vũ khí hóa học.

Tiếp đó, "vật tế thần" tổ chức "Mũ trắng" sẽ được quy kết làm giả cuộc tấn công hóa học nhằm vào thường dân tại Đông Ghouta. Kết quả trên sẽ giúp các bên xuống thang căng thẳng trong hòa bình và danh dự.

Mỹ phóng tên lửa Tomahawk tấn công căn cứ không quân Syria tháng 4/2017

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại