Công nghệ tàng hình Ghost
Không có chiến tranh với bất cứ nước nào trong hai thế kỷ và là nước không liên kết trong Chiến tranh Lạnh, kể từ những năm 1960, nhờ áp dụng thành công các công nghệ tiên tiến, Thụy Điển đã làm nên một thương hiệu tàu ngầm quân sự, khiến cả Mỹ - cường quốc khoa học kỹ thuật và công nghệ cũng phải bái phục, học hỏi.
Ghost - công nghệ tàng hình mới nhất của Saab (viết tắt của Genuine HOlistic Stealth) là công nghệ yên tĩnh nhất từ trước đến nay và thậm chí còn yên tĩnh hơn cả tàu ngầm lớp Gotland đã nâng cấp.
Để giảm tối đa tín hiệu âm thanh, các nhà phát triển Thụy Điển đã áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp - sử dụng các giá treo và vách ngăn bằng cao su bên trong tàu để giảm thiểu tiếng ồn do máy móc và thủy thủ đoàn gây ra.
Thụy Điển được mệnh danh là tiểu siêu cường về tàu ngầm quân sự; Nguồn: thearchive
Khung và vách các khoang phụ được ghép từ các tấm có khả năng triệt âm bên trong tàu ngầm. Các giải pháp giảm thiểu tiếng ồn, bao gồm cả tiếng ồn từ các đường ống và bộ giảm chấn, do dòng chảy trong ống dẫn khí… đã được áp dụng. Hệ thống các lỗ và cửa đã được tính toán và bố trí tối ưu.
Bên ngoài tàu, tiếng ồn nước chảy dọc theo bề mặt thân tàu và cánh đuôi gây ra đã được khắc phục bằng điều chỉnh hình dạng thân tàu và thiết kế cánh đuôi mới. Mặt cắt radar tàu cũng đã được xem xét và giảm bớt thông qua thiết kế tối ưu cột buồm trên thân tàu...
Động cơ Đẩy Không khí Độc lập AIP
Các tàu ngầm lớp Gotland (Gtd) được chế tạo tại xưởng đóng tàu Kockums (Thụy Điển) vào những năm 1990 là chiếc đầu tiên lúc bấy giờ sử dụng thành công động cơ AIP (Air-Independent Propulsion, tạm dịch là Động cơ Đẩy Không khí Độc lập, hay động cơ đẩy sử dụng không khí độc lập, động cơ đẩy không cần không khí) - động cơ Stirling.
Stirling do Narcís Monturiol i Estarriol - kỹ sư người Tây Ban Nha phát minh vào năm 1867, và được người Nga đưa vào áp dụng đầu tiên vào năm 1908, trên tàu ngầm Pochtovy.
Tàu ngầm sử dụng động cơ đẩy AIP cũng có thời gian hoạt động lâu hơn nhiều so với tàu ngầm sử dụng động cơ diesel thông thường, có thể lên tới bốn tháng hoạt động liên tục trên biển.
Mặc dù là tàu phi hạt nhân, lớp Blekinge (dự án A-26) của Thụy Điển sử dụng AIP, cho phép tàu kéo dài thời gian ở dưới nước - khả năng mà trước đây chỉ có các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân có được.
Khác với Nga, Đức, Pháp, Nhật Bản, động cơ Stirling Thụy Điển dùng hỗn hợp oxy hóa lỏng và dầu diesel cùng loại mà máy phát điện diesel trên tàu sử dụng, rất hiệu quả và chi phí vận hành rẻ hơn nhiều.
Thay vì đóng một tàu ngầm hạt nhân, có thể chi số tiền tương đương để sở hữu một... hạm đội tàu ngầm sử dụng động cơ diesel AIP - có thể chưa chắc hiệu quả hơn nhưng chắc chắn sẽ dễ dàng hơn trong việc lên chiến thuật tác chiến.
AIP - một trong những bí quyết làm nên thương hiệu tàu ngầm Thụy Điển; Nguồn: vpk.name
Với động cơ Stirling, nhiệt lượng cần thiết được tạo ra trong một buồng đốt riêng biệt và được chuyển thành khí làm việc cho động cơ, hoạt động trong một hệ thống hoàn toàn khép kín. Khí làm việc buộc các pít-tông trong động cơ di chuyển, bằng cách đó, tạo ra năng lượng cơ học với mức tín hiệu âm thanh và hồng ngoại rất thấp.
Nhiều chuyên gia quân sự thế giới thậm chí còn khẳng định, nếu được thiết kế tốt, các tàu ngầm sử dụng động cơ AIP có khả năng tàng hình tốt hơn so với tàu ngầm hạt nhân vì nó phát ra tiếng động ít hơn nhiều. Nhờ mức độ đầu tư chất xám cao được dành cho thiết kế, lớp Blekinge có thể là một trong những lớp tàu ngầm êm nhất từng được con người chế tạo sau khi chúng được hoàn thành.
Vũ khí độc đáo và hiệu quả
Theo Forbes, một khả năng thực sự độc đáo nữa của các tàu ngầm Hải quân Thụy Điển là khả năng điểm xạ kép, theo đó, các tàu ngầm này mang theo cả ngư lôi thông thường và ngư lôi nhẹ, có thể phóng từ mỗi ống phóng hai quả cùng một lúc.
Điều này chỉ một số lượng hạn chế các quan chức quốc phòng được biết, và hầu như chưa được tiết lộ. Nhiều chi tiết của tính năng độc đáo này vẫn được giữ bí mật - Forbes cho biết.
Trong thực tế, mỗi tàu ngầm Thụy Điển được trang bị bốn bệ phóng 533mm, mỗi bệ chứa một quả ngư lôi hạng nặng và bốn bệ phóng 400mm, mỗi bệ chứa hai ngư lội loại nhẹ, được đặt nối tiếp nhau.
Ngư lôi nhẹ, được bắn bởi chế độ điểm xạ kép từ một thiết bị, được tối ưu hóa để tiêu diệt tàu ngầm đối phương, mặc dù các mẫu mới nhất cũng có thể được sử dụng để chống lại tàu chiến cỡ nhỏ và thậm chí cả ngư lôi của đối phương.
Hệ thống phóng ngư lôi độc đáo của tàu ngầm Thụy Điển; Nguồn: forbes.com
Số ngư lôi hỗn hợp cho phép các tàu ngầm lớp Gotland bắn tối đa 8 ngư lôi cùng một lúc, mặc dù chúng chỉ có 6 bệ phóng. Các ngư lôi được dẫn hướng bằng dây, có thể đi vòng tránh các đảo nhỏ; trong trường hợp dây bị đứt, ngư lôi tấn công mục tiêu bằng cách sử dụng hệ thống đinh vị thủy của chính nó.
Về mặt lý thuyết, điều này làm tăng gấp đôi sức mạnh chiến đấu của tàu ngầm. Lớp Näcken trước đó, có 8 bệ phóng, có thể phóng đồng thời 10 ngư lôi (6 loại nặng, 4 loại nhẹ).
Lịch sử trang bị của ngư lôi hạng nhẹ Thụy Điển bắt đầu vào năm 1963 với sự ra đời của ngư lôi Torped-41. Hiện tại, các tàu ngầm Thụy Điển mang theo ngư lôi Torped-45 thế hệ thứ 4, được đưa vào sử dụng vào giữa những năm 1990.
Loại ngư lôi Torped-47 tiếp theo dự kiến sẽ trang bị cho hạm đội vào năm 2022. Chúng sẽ được tích hợp cho tàu ngầm lớp A-19 Gotland hiện tại và tàu ngầm dự án A-26 Blekinge trong tương lai.
Theo Forbes, một số quốc gia đang xem xét các khả năng sử dụng ngư lôi hạng nhẹ trong tàu ngầm.
Hải quân Mỹ đã phát triển Ngư lôi Khối lượng rất Nhẹ Chung (Common Very LightWeight Torpedo - CVLWT) hơn 10 năm trước, và theo thời gian, nó đã chuyển đổi thành chương trình Ngư lôi Rất Nhẹ (Very LightWeight Torpedo - VLWT) được giới thiệu gần đây bởi Northrop Grumman. Tuy nhiên, hiện tại, tàu ngầm Thụy Điển là tàu ngầm duy nhất sở hữu vũ khí độc đáo này.
Tàu ngầm Thuỵ Điển đã mở ra một trang sử mới cho lực lượng tàu ngầm phi hạt nhân thế giới. Theo một số chuyên gia, với giá thành rẻ, chi phí vận hành thấp và quan trọng nhất là khả năng hoạt động và tác chiến hiệu quả trên biển, các tàu ngầm sử dụng động cơ AIP xứng đáng được coi là đối thủ xứng tầm đối với các tàu ngầm hạt nhân của các cường quốc như Nga và Mỹ./.