LTS: Trong chiến dịch Linebacker-2 tháng 12/1972, Không quân Mỹ đã thực hiện cuộc ném bom tàn bạo nhất trong lịch sử vào Hà Nội và Hải Phòng. Nhưng không có tội ác nào mà không bị trừng phạt!
Các chiến sỹ QĐNDVN, trong đó chủ công là bộ đội PK-KQ quả cảm đã vượt muôn trùng gian khó và hy sinh để làm nên chiến thắng lịch sử "Điện Biên Phủ trên không", chấn động địa cầu, buộc Không quân Mỹ hùng mạnh phải khuất phục.
Nhân dịp kỷ niệm 45 năm chiến thắng Điện Biên Phủ trên không, xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc loạt bài viết của Đại tá Nguyễn Thụy Anh - nguyên cán bộ Quân chủng PK-KQ, Cục Khoa học Quân sự, Bộ Tổng tham mưu nhằm ôn lại những kỷ niệm hào hùng trong 12 ngày đêm khốc liệt đó.
Kỳ 1: Tên lửa Việt Nam và "màn chào hỏi kinh hoàng" dành cho Không quân chiến lược Mỹ
---
Kỳ 2: Bị tên lửa VN quất thẳng mặt, B-52 Mỹ ăn "no đòn": Ngày rung chuyển thế giới
Cuộc chạy nước rút giữa phòng không VN và Không lực Hoa Kỳ
Sau đợt 1 đánh vào Hà Nội bị tổn thất nặng nề mà vẫn chưa đạt được mục đích đề ra, Nhà Trắng quyết định kéo dài cuộc tấn công với tham vọng giành chiến thắng ở hiệp sau.
Bộ tư lệnh Không quân chiến lược (KQCL) Mỹ đã phải điều động thêm nhiều máy bay và kíp lái B-52 tới chiến trường để chuẩn bị cho đợt 2 của chiến dịch với phương án tác chiến mới hòng dứt điểm đối phương: cùng lúc ồ ạt đánh vào Hà Nội cả từ 4 hướng trên các độ cao khác nhau.
Đồng thời tập kích dữ dội hơn vào tất cả các trận địa SAM và kho chứa tên lửa dự trữ của Bắc Việt nhằm triệt phá khả năng chống trả của đối phương và giảm tổn thất của B-52…
Ngày 25/12/1972 Mỹ ngừng ném bom để nghỉ Noen nhưng KQCL thì vẫn tiếp tục chạy nước rút để chuẩn bị kéo dài cuộc tấn công vào Hà Nội theo lệnh của Nhà Trắng. Thêm 12 máy bay và 15 kíp lái B-52 được tăng cường cho các phi đoàn bị thiệt hại trong đợt đầu.
Đề ra phương án tác chiến mới là B-52 sẽ tập kích không chỉ theo 2 hướng cũ mà cả từ 4 hướng vào Hà Nội, ở các độ cao khác nhau (từ 11.200 đến 12.200 m, bay cao hơn đợt 1 để tránh pháo cao xạ 100 ly), rút ngắn thời gian giữa các đợt đánh phá.
Máy bay B-52 của Mỹ tại căn cứ Utapao - Thái Lan.
Đồng thời tấn công nhiều khu vực mục tiêu, phối hợp cùng máy bay chiến thuật đánh mạnh hơn vào các trận địa tên lửa mà họ thấy rõ là nguy hiểm nhất cho B-52. Tăng cường sử dụng liên đội 50 máy bay F-111 cánh cụp, cánh xòe hiện đại nhất lúc đó, tham gia đánh phá xen kẽ giữa các đợt B-52…
Ngày 25/12 cũng là ngày rất sôi động và khẩn trương đối với toàn Quân chủng PKKQ, nhất là các đơn vị bảo vệ Hà Nội, Hải Phòng. Bộ đội vừa rút kinh nghiệm chiến đấu, vừa điều chỉnh đội hình, sửa chữa bảo dưỡng khí tài, chuẩn bị đạn dược. Các lực lượng dân quân, tự vệ (DQTV) phối hợp cùng bộ đội củng cố, ngụy trang trận địa, sửa chữa đường xá, sơ tán kho tàng…
Bộ Tổng Tham mưu đã có chỉ thị thêm: "Kiên quyết bảo vệ các đơn vị tên lửa để đánh B-52" nên tất cả các trận địa tên lửa đều được tăng cường pháo và súng máy phòng không yểm trợ. Các trận địa quan trọng đều có tiểu đoàn cao xạ bảo vệ chặt chẽ, 2 trung đoàn cao xạ 220 và 260 cũng tập trung lực lượng cao nhất để bảo vệ các tiểu đoàn tên lửa.
Dù công việc rất bận rộn nhưng toàn bộ các kíp trắc thủ của các tiểu đoàn hỏa lực đã được tập trung rút kinh nghiệm chiến đấu về vận dụng cách đánh, phương pháp điều khiển, chế độ bám sát phù hợp với từng tình huống mà 5 tiểu đoàn tên lửa bắn rơi nhiều B-52 trong đợt 1 đã thực hiện thành công.
Ta cũng đã tăng cường cho Hà Nội thêm 2 tiểu đoàn tên lửa (d71 và d72) và 2 trung đoàn cao xạ (e223 và e262). Lực lượng tên lửa ở Thủ đô đã lên tới 13 tiểu đoàn, cao xạ là 7 trung đoàn đủ các cỡ nòng và bố trí rộng khắp. Các khẩu đội pháo và súng máy phòng không của DQTV cũng được triển khai thêm trên các nóc nhà cao tầng và quanh các trận địa tên lửa.
Tổng số lực lượng DQTV bắn máy bay được tổ chức lên tới 346 phân đội, trang bị 1.428 khẩu pháo và súng máy cao xạ (trong đó có 32 khẩu cao xạ 100 ly, 16 khẩu 85 ly và 61 khẩu 37 ly).
Triển khai 71 trận địa pháo tập trung cùng với hàng trăm trận địa nhỏ và đài quan sát mắt, tạo thành thế trận phòng không nhân dân rộng lớn và lưới lửa dày đặc với máy bay Mỹ ở tầng thấp và trung để bộ đội tên lửa tập trung đối phó với B-52 ở tầng cao.
Bệ phóng tên lửa SAM-2 của tiểu đoàn Tên lửa 77, Trung đoàn 257, Sư đoàn 361 sử dụng, bắn rơi 4 máy bay B-52 của Mỹ trong chiến dịch Phòng không Hà Nội – Hải Phòng (từ 18/12 – 29/12/1972).
Đêm quyết định
Đêm 26/12/1972, Mỹ tăng thêm các máy bay gây nhiễu EB-66 và gây nhiễu từ hạm tàu. Từ 21h10, nhiều tốp F-4 vào thả nhiễu tiêu cực dày đặc từ tây bắc xuống tây nam Hà Nội, cách khoảng 40-50 km nhằm tạo mục tiêu giả và kích thích ngòi nổ vô tuyến làm cho đạn tên lửa nổ trước khi gặp mục tiêu.
Các thiết bị gây nhiễu tích cực trên các loại máy bay địch cũng hoạt động hết công suất. Vì thế cường độ nhiễu mạnh chưa từng thấy, tất cả các màn hiện sóng của radar trinh sát và dẫn đường, đài điều khiển tên lửa và radar ngắm bắn của pháo cao xạ hầu như đều trắng xóa. Do đó gây ra khó khăn rất lớn cho việc phát hiện, bám sát và ngắm bắn mục tiêu trong màn nhiễu.
Có đơn vị không thể phát hiện được mục tiêu, phải bắn theo phương pháp dựng màn đạn và theo tiếng động cơ máy bay…
Trong điều kiện đó, bộ đội ta đã kết hợp chặt chẽ các phương tiện trinh sát để phát hiện B-52 như: Thu tình báo trên mạng radar cảnh giới, sử dụng các đài radar trinh sát P-12 đi cùng, kết hợp quan sát mắt, PA-00 và K8-60… để chỉ thị mục tiêu cho đài điều khiển tên lửa.
Khi ở cự ly từ 100 km thì cường độ nhiễu rất nặng và đây là đặc điểm rõ nét phân biệt B-52 với các loại máy bay chiến thuật. Từ cự ly 40 km trở vào thì cường độ nhiễu giảm và có thể phát hiện tín hiệu B-52 do cánh sóng nhiễu của B-52 yếu hơn ở dưới bụng và bên sườn máy bay.
Từ 22h05 ngày 26/12, Mỹ tung ra lực lượng lớn nhất với 120 chiếc B-52 cùng hàng trăm máy bay chiến thuật đánh dồn dập và đồng thời từ nhiều hướng vào các mục tiêu trên cả 2 khu vực Hà Nội, Hải Phòng nhưng chủ yếu vẫn là nhằm vào Thủ đô. Đây là trận đánh lớn nhất và cũng là trận then chốt quyết định của cuộc tập kích đường không chiến lược.
Cả thành phố Hà Nội rung chuyển trong tiếng bom rền, đạn nổ dữ dội. Cuộc chiến đấu giữa tên lửa và cao xạ của ta với B-52 và các loại máy bay khác mỗi lúc càng thêm ác liệt.
Vào lúc 22h29, tiểu đoàn tên lửa 78 đã phóng những loạt đầu tiên vào đội hình máy bay Mỹ và bằng 2 quả đạn điều khiển chính xác đã bắn trúng 1 chiếc B-52 làm nó bốc cháy dữ dội và rơi tại chỗ xuống xã Định Công, Thanh Trì, Hà Nội. Từ 22h30 đến 22h47, bộ đội tên lửa lại liên tiếp bắn rơi thêm 4 siêu pháo đài bay nữa, ánh lửa B-52 bốc cháy sáng rực cả bầu trời Thủ đô.
Tuy đã được tăng cường thêm 2 tiểu đoàn tên lửa nhưng B-52 với số lượng rất lớn cũng tấn công ồ ạt đồng thời từ nhiều hướng nên khả năng phân phối hỏa lực để đánh vào tất cả các tốp B-52 là không đủ và một số tốp đã lọt vào đánh phá 2 trận địa tên lửa cũng như nhiều khu vực khác của ta.
Lúc 22h30, 1 tốp B-52 đã ném bom hủy diệt khu phố Khâm Thiên, nơi có mật độ dân số đông nhất Hà Nội làm chết 287 người dân vô tội và 290 người bị thương, phá hủy hơn 2.000 ngôi nhà, đền chùa, trường học… Có gia đình bị bom rơi trúng nhà, sập hầm chết cả 8 người.
Cũng trong đêm đó, bom Mỹ đã rải xuống gần 100 điểm trong thành phố (2/3 là khu dân cư) làm hơn 1.000 người dân chết và bị thương. Nhiều Đại sứ quán nước ngoài như Pháp, Ấn Độ, Ai Cập, Bungari, Cuba…cũng bị trúng bom.
Từng đàn B-52 vẫn tiếp tục lao vào, tiểu đoàn tên lửa 93 phóng 2 đạn, thay đổi phương pháp đánh linh hoạt và bám sát hỗn hợp đã bắn rơi thêm 1 chiếc B-52. Lực lượng cao xạ và DQTV đánh trả quyết liệt các tốp bay thấp, bắn rơi 3 máy bay địch (có 1 trực thăng HH-53 bay vào định cứu phi công).
Xác máy bay B52 bị bắn rơi ở đường Hoàng Hoa Thám (Hà Nội)
Vào 22h48, những máy bay B-52 cuối cùng từ hướng tây nam vào đánh Hà Nội đã bị tiểu đoàn 79 chỉ dùng 1 quả đạn tên lửa bắn trúng 1 chiếc làm nó bốc cháy đùng đùng rơi xuống địa phận tỉnh Sơn La. Trung đoàn 256 pháo cao xạ 100 ly cũng góp phần bắn rơi thêm 1 chiếc B-52 nữa.
Trận chiến đấu đêm 26/12 diễn ra dồn dập và quyết liệt trong gần 1 giờ, lực lượng phòng không VN đã xuất sắc đánh một trận tiêu diệt lớn, bắn rơi 8 siêu pháo đài bay B-52 và 3 máy bay chiến thuật khác. Đây là trận đánh then chốt quyết định trong chiến dịch và sau trận này, kết cục của chiến dịch đã được định đoạt.
Sau đó, KQCL Mỹ chỉ còn có thể tung ra vài đợt tập kích với số lượng dưới 50 chiếc B-52 mỗi đêm đánh vào ngoại vi Hà Nội và các khu vực ít có tên lửa bảo vệ như Đồng Mỏ, Thái Nguyên, Lạng Giang…
Trong 3 ngày cuối của chiến dịch này, ta bắn rơi thêm 18 máy bay địch (có 8 chiếc B-52 nữa), trong đó Không quân VN cũng lập công vào đêm 27/12 và 28/12 bắn rơi 2 chiếc B-52.
Đã quá hiểu sự lợi hại của đối thủ qua nhiều năm đọ sức nên trong chiến dịch này KQ Mỹ cũng dùng lực lượng lớn đánh phá rất dữ dội hệ thống phòng thủ VN. Máy bay chiến thuật và cả B-52 đã bắn tên lửa và ném bom ồ ạt hàng trăm lần vào 19 trận địa tên lửa (có nơi bị đánh 6 lần), 14 trận địa cao xạ và 8 sân bay của ta.
Các chiến sỹ VN đã nhanh chóng khắc phục hậu quả và kiên cường chiến đấu ngày càng hiệu quả hơn. Phía Mỹ đã đưa ra những con số rất lớn về số tên lửa SAM được phóng lên (hơn 1.200 quả) để biện minh cho sự thiệt hại nặng nề của B-52.
Nhưng thực tế, chúng ta không có nhiều đến thế và cũng không bao giờ phung phí một số lượng tên lửa lớn như vậy khi cuộc chiến đấu vẫn đang còn tiếp diễn ác liệt.
Lắp ráp tên lửa SAM-2 cung cấp kịp thời cho các tiểu đoàn hỏa lực.
Với lực lượng không quá 13 tiểu đoàn SAM-2 bảo vệ Hà Nội, ngày cao điểm nhất chúng ta cũng chỉ phóng lên 74 quả tên lửa (trên tổng số 334 quả toàn chiến dịch) và trong 3 ngày 23, 24 và 25/12 (nghỉ Noen) khi B-52 giãn xa ngoài vùng hỏa lực tên lửa thì các tiểu đoàn tên lửa của ta đã không phóng một quả đạn nào.
Trong 12 ngày đêm liên tục chiến đấu, quân và dân ta đã bắn rơi 81 máy bay các loại, trong đó có 34 máy bay B-52 và 5 máy bay cánh cụp, cánh xòe F-111 hiện đại nhất lúc bấy giờ của KQ Mỹ. Trong số này, bộ đội tên lửa đã bắn rơi 38 chiếc (có 29 B-52), cao xạ - 25 chiếc (có 3 B-52), KQ tiêm kích – 7 chiếc (có 2 B-52) và DQTV – 11 chiếc (có 2 chiếc F-111).
Truyền thống anh hùng của PKKQ Việt Nam: Trung đoàn tên lửa 236
Uy danh của máy bay ném bom chiến lược B-52 – trung tâm tác chiến điện tử khổng lồ, kho bom di động trên không, siêu pháo đài bay bất khả xâm phạm của KQCL Mỹ đã bị hạ gục trước ý chí chiến đấu kiên cường, sáng tạo của quân và dân Việt Nam mà nòng cốt là bộ đội Phòng không-Không quân và Binh chủng Tên lửa Anh hùng.