Trong một tuyên bố sau cuộc gặp với Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte tại hội nghị thượng đỉnh Hội đồng châu Âu mới đây, văn phòng của Thủ tướng Anh Sunak cho biết hai nhà lãnh đạo sẽ thực hiện các bước đi để giúp điều phối hoạt động cung cấp máy bay chiến đấu cho Ukraine.
“Thủ tướng Sunak và Thủ tướng Rutte đã đồng ý rằng họ sẽ phối hợp với nhau để xây dựng một liên minh quốc tế nhằm cung cấp cho Ukraine năng lực chiến đấu trên không, hỗ trợ nước này mọi thứ, từ đào tạo đến mua máy bay chiến đấu F-16,” Số 10 Phố Downing cho biết đồng thời nhấn mạnh đến “tầm quan trọng của các đồng minh trong việc cung cấp hỗ trợ an ninh dài hạn cho Ukraine.”
Thủ tướng Anh không nói rõ quốc gia nào có thể cung cấp máy bay chiến đấu F-16 do Mỹ sản xuất cho Ukraine. Hiện tại, F-16 được sử dụng bởi hơn hai chục quốc gia. Tuy nhiên, ông Sunak gợi ý rằng ông sẽ thúc ép các đồng minh giúp tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển giao máy bay chiến đấu cho Kiev.
Các quan chức Ukraine trong suốt nhiều tháng qua đã tha thiết đòi các nước đồng minh phương Tây cung cấp cho họ các máy bay chiến đấu F-16. Một trợ lý cấp cao của Bộ Quốc phòng Ukraine hồi đầu tuần đã tiết lộ với tờ Politico rằng, Kiev hy vọng sẽ nhận được tới 50 chiếc chiến đấu cơ F-16 từ Washington và các đối tác khác. Kể từ khi Moscow tăng cường sử dụng bom lượn dẫn đường vào tháng 3, trợ lý của Bộ Quốc phòng Ukraine cho biết các lực lượng của họ "không có cách gì ngăn cản" các máy bay Nga được trang bị loại bom này.
Tổng thống Ukraine Vladimir Zelensky đã có cuộc gặp với Thủ tướng Anh Sunak trong chuyến thăm không báo trước tới Vương quốc Anh vào thứ Hai đầu tuần. Tại đây, Nhà lãnh đạo Ukraine kêu gọi thành lập một “liên minh máy bay chiến đấu” mới - một ý tưởng được Thủ tướng Anh đón nhận nồng nhiệt. Khái niệm này đã được Kiev và các đồng minh khác đề xuất trước đây, trong đó Ba Lan cũng bày tỏ sự quan tâm đến dự án như vậy sau khi cung cấp một số máy bay chiến đấu MiG-29 từ thời Liên Xô cho Ukraine.
Bất chấp cuộc thảo luận mới về một liên minh máy bay chiến đấu, một số cường quốc phương Tây tỏ ra không sẵn sàng cung cấp máy bay chiến đấu tiên tiến cho đồng minh Kiev. Mặc dù các phi công Ukraine đã được quân đội Mỹ đào tạo để vận hành F-16 - và sẽ sớm nhận được hướng dẫn tương tự từ các phi công Anh - nhưng các quan chức Mỹ, Đức và Pháp đã chỉ ra rằng họ không sẵn lòng cung cấp các máy bay chiến đấu từ kho vũ khí của chính họ.
Tuy nhiên, Washington trước đó từng vài lần thay đổi quyết định một cách bất ngờ. Mỹ từng từ chối cung cấp một số hệ thống vũ khí nhất định, bao gồm hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot và xe tăng chiến đấu chủ lực M1 Abrams, cho Ukraine. Tuy nhiên, sau đó, cả hai vũ khí nói trên đều đã được Washington cam kết cung cấp cho Ukraine. Berlin cũng như vậy. Đức từng kiên quyết từ chối chuyển giao xe tăng Leopard 2 của mình cho Ukraine nhưng đã “quay xe” đồng ý cung cấp vũ khí này cho Kiev vào đầu năm nay sau áp lực từ các đồng minh.
Nga đã nhiều lần cảnh báo rằng việc chuyển giao vũ khí tinh vi hơn cho Ukraine có thể vượt qua "lằn ranh đỏ" và dẫn đến căng thẳng leo thang nghiêm trọng. Theo Moscow, vũ khí, thông tin tình báo và các hoạt động huấn luyện huấn luyện được cung cấp cho quân đội Kiev đã khiến các quốc gia phương Tây trên thực tế là các bên tham gia cuộc xung đột.
Theo tiết lộ của trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine, Tổng thống Vladimir Zelensky muốn Mỹ và các nước khác cung cấp cho Kiev từ 40 đến 50 máy bay chiến đấu F-16 để sử dụng trong cuộc xung đột với Nga. Con số này đủ để thành lập ba hoặc bốn phi đội máy bay thế hệ thứ tư do Mỹ sản xuất để bảo vệ bầu trời Ukraine trong bối cảnh chiến dịch tên lửa quy mô lớn của Nga.