Hình: Đại học De Montfort.
Nhà vi sinh vật học Katie Laird, Đại học De Montfort ở Leicester (Anh), người đứng đầu thử nghiệm, cho rằng: Các vật liệu thường dùng để làm đồng phục y tế có nguy cơ truyền virus.
Để chứng minh, các nhà khoa học thả những giọt chứa SARS-CoV-2 lên 3 loại vải polyester, polycotton và cotton, sau đó theo dõi sự ổn định của virus trên từng chất liệu trong 72 giờ. Kết quả cho thấy polyester có nguy cơ lây truyền cao nhất, vì virus có thể tồn tại trên đó sau 3 ngày và có khả năng truyền sang các bề mặt khác. Chúng sống được 24 giờ trên vải cotton và 6 giờ trên polycotton.
"Khi đại dịch mới bắt đầu, có rất ít thông tin về thời gian virus sống được trên vải. Phát hiện của chúng tôi cho thấy 3 loại vải phổ biến nhất trong ngành y có nguy cơ lây truyền virus. Nếu nhân viên y tế mang đồng phục về nhà, họ có thể khiến virus bám lên các bề mặt khác" - Tiến sĩ Katie Laird nói.
Nghiên cứu của Anh cho thấy không có nguy cơ lây nhiễm chéo khi quần áo sạch được giặt chung với đồ có tồn tại virus SARS-CoV-2. (Ảnh minh họa: Texas Medical Center)
Nghiên cứu cũng xem xét liệu việc giặt đồ có thể loại bỏ SARS-CoV-2 khỏi vải cotton. Nếu virus bám lên vải theo các giọt bắn, nước sạch và máy giặt đủ để đánh bay virus. Tuy nhiên, khi các nhà khoa học cho nước bọt nhân tạo chứa virus lên vải, họ phải sử dụng chất tẩy rửa và nhiệt độ nước từ 40 độ C trở lên mới tiêu diệt được chúng. Nếu chỉ dùng nhiệt, cần sức nóng ở mức 67 độ C để diệt virus.
Nghiên cứu cũng cho thấy không có nguy cơ lây nhiễm chéo khi quần áo sạch được giặt chung với đồ có tồn tại virus SARS-CoV-2.
Tiến sĩ Laird nhấn mạnh: "Nghiên cứu của chúng tôi củng cố bằng chứng cho thấy đồng phục y tế nên được giặt ngay tại bệnh viện hoặc tiệm giặt là công nghiệp. Quy trình ở cả hai nơi đều được quản lý, do đó nhân viên không phải lo lắng về việc mang virus về nhà".