Truyền thông Philippines vừa cho biết, ngay trước thềm năm mới 2019, Bộ Quốc phòng nước này đã có cuộc làm việc với đại diện của Tập đoàn hàng không vũ trụ BrahMos đến từ Ấn Độ.
Nội dung của cuộc làm việc liên quan đến nguyện vọng của Philippines được sở hữu một tổ hợp tên lửa đối hạm có khả năng tấn công chính xác mục tiêu phía sau đường chân trời.
Sở dĩ tên lửa hành trình chống hạm siêu âm BrahMos của Ấn Độ được quan tâm là do Tổng thống Phlippines Rodrigo Duterte ủng hộ việc mua sắm vũ khí trên khi được giới thiệu về tính năng của nó trong chuyến thăm New Delhi năm 2018.
Thậm chí từ cuối tháng 8/2018 đã diễn ra những cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa đại diện Tập đoàn BrahMos với các quan chức quân sự Philippines tại Manila để thảo luận vài điều khoản liên quan.
Mặc dù vậy vẫn chưa có gì bảo đảm rằng tên lửa BrahMos sẽ được Philippines lựa chọn khi họ đang tiếp tục đánh giá thêm một vài sản phẩm tương đương.
Nhưng rõ ràng việc một quốc gia nữa ở châu Á bày tỏ sự quan tâm đến tên lửa BraMos là tín hiệu rất tích cực cho vũ khí này.
Tên lửa hành trình diệt hạm siêu âm BrahMos được phát triển dựa trên sự hợp tác nghiên cứu giữa NPO Mashinostroeyenia của Nga và Tổ chức Nghiên cứu và Phát triển Quốc phòng Ấn Độ (DRDO).
Được xây dựng dựa trên nguyên mẫu P-800 Oniks/Yakhont của Nga, tên lửa BrahMos có hình dáng bên ngoài và kích thước khá tương đồng với chiều dài 8,4 m; đường kính thân 0,6 m; trọng lượng phóng 3.000 kg.
Tên lửa BrahMos có thể triển khai từ nhiều nền tảng khác nhau, bên cạnh phiên bản phóng từ tàu mặt nước, tàu ngầm, xe tải thì Ấn Độ còn đang thử nghiệm biến thể phóng từ trên không.
Các phiên bản BrahMos-A trang bị cho tiêm kích Su-30MKI (trọng lượng 2.500 kg) và BrahMos-M (BrahMos mini) được đánh giá là những tên lửa không đối hạm uy lực hàng đầu hiện nay.
Với tầm bắn 290 km, vận tốc lớn nhất Mach 3, mang theo đầu đạn bán xuyên giáp trọng lượng 300 kg, tên lửa BrahMos có thể dễ dàng nhấn chìm khu trục hạm 8.000 tấn chỉ bằng 1 phát bắn.
Gần đây Nga và Ấn Độ còn ký kết thêm điều khoản mở rộng tầm bắn của tên lửa BrahMos lên mức tương đương với P-800 Oniks của Nga, tức là đạt tới con số 600 km.
Mặc dù được đánh giá là một vũ khí có tiềm năng xuất khẩu rất cao nhưng tính đến thời điểm hiện tại thì vẫn chưa có khách hàng nước ngoài nào đặt mua BrahMos.
Ngoài lý do giá thành quá cao (hơn cả Yakhont của Nga) thì Moskva cũng tỏ ra không muốn lợi nhuận của mình phải chia sẻ cho Ấn Độ, bằng chứng là họ đang cho Yakhont cạnh tranh với BrahMos ngay tại các thị trường tiềm năng.
Bên cạnh đó chất lượng của vũ khí do Ấn Độ sản xuất vẫn bị đặt nhiều dấu hỏi nghi ngờ khi trong một số cuộc thử nghiệm tên lửa BrahMos đã bắn trượt mục tiêu trong điều kiện đơn giản.
New Delhi sẽ còn phải nỗ lực nhiều nếu mong muốn sớm xuất khẩu tên lửa hành trình chống hạm siêu âm sang cho một số quốc gia thân thiện tại châu Á - Thái Bình Dương.
https://anninhthudo.vn/quan-su/anh-lo-dien-khach-hang-khong-ngo-tai-dong-nam-a-cua-ten-lua-brahmos/795303.antd