Được phát triển trong năm 2017, xe tăng T-80 phiên bản mới nhất là T-80BVM đã được Nga hồi sinh với khả năng bắn đạn Uranium nghèo giống như dòng xe tăng chủ lực của Mỹ là M1A1 Abrams.
Được biết T-80BVM với hệ thống ổn định đường ngắm cải tiến cùng cơ cấu nạp đạn mới để sử dụng đạn lõi urani nghèo 3BM60 Svinets-2 cùng đạn lõi volfram cacbua 3BM59 Svinets-1.
Đây được coi là nâng cấp cải tiến đáng kể nhằm tăng cường uy lực cho T-80BVM, dòng xe tăng được phát triển từ T-80BV và vẫn đang được trang bị với số lượng lớn trong quân đội Nga.
Ở cự ly 2 km, đạn Svinets-1 có thể xuyên thủng lớp giáp tương đương 700-740 mm thép cán đồng nhất, trong khi đạn lõi urani nghèo Svinets-2 đủ sức xuyên được lớp giáp tương đương 800-830 mm thép cán đồng nhất.
Nga sẽ sản xuất các loại đạn mới trong thời gian tới để thay thế những loại đạn cũ không còn hiệu quả khi đối phó với xe tăng chiến đấu chủ lực hiện đại như M1 Abrams của Mỹ hay Merkava của Israel.
Liên Xô từng sản xuất đạn pháo xe tăng 125 mm 3BM-32 Vant có lõi urani nghèo ngắn hơn so với lõi đạn Svinets-2.
"Hai loại đạn mới có độ xuyên cao hơn nhiều nhờ lõi dài hơn gần gấp đôi lõi của đạn xuyên giáp dưới cỡ tách vỏ ổn định bằng cánh đuôi (APFSDS) Vant", trang tin tức BTR dẫn lời các chuyên gia quân sự Nga.
Urani nghèo là sản phẩm thừa của quá trình làm giàu urani, được sử dụng làm hợp kim với 1-2% nguyên tố khác.
Lõi đạn làm bằng urani nghèo có thể xuyên phá các loại giáp dày và cứng của xe tăng chiến đấu chủ lực hiện đại.
Nga không phải là nước duy nhất sở hữu đạn chống tăng chứa urani nghèo, Mỹ từng sử dụng loại đạn này trong các cuộc chiến tranh tại Iraq, Afghanistan và Syria.
Dù có khả năng xuyên giáp cao và sức hủy diệt lớn, đạn urani nghèo lại rất độc hại đối với con người và môi trường xung quanh.
Loại đạn này có thể làm phát tán bụi phóng xạ vào không khí, khiến con người dễ bị nhiễm độc kim loại nặng hoặc mắc những chứng bệnh chết người do hít hoặc nuốt phải bụi phóng xạ.
Mỹ từng cam kết không tiếp tục sử dụng đạn urani nghèo do vấp phải sự phản đối của cộng đồng quốc tế.
Tuy nhiên, chuyên gia quân sự Nga Viktor Murakhovsky tuyên bố việc sử dụng đạn urani nghèo không vi phạm bất cứ hiệp ước quốc tế nào.
Quân đội Nga liên tục cải tiến và hiện đại hóa tăng T-80 để tái trang bị cho các đơn vị hoạt động tại vùng cực bắc của nước này. T-80BVM được coi là gói nâng cấp mạnh mẽ khiến cho dòng tăng từng là huyền thoại dưới thời Liên Xô hồi sinh trên chiến trường.
Việc tập trung nâng cấp về hệ thống giáp bảo vệ, điểm yếu cố hữu trên dòng tăng T-80 đã được khắc phục.
Do được trang bị động cơ tuốc bin khí nên dòng xe tăng T-80 có thể cơ động tới hơn 70km/h và có thể lướt qua những hố sâu trên mặt đất. Chính điều này khiến nó được mệnh danh là xe tăng bay của Nga.
Tuy vậy động cơ này lại hoạt động kém ổn định nên Nga sẽ cho T-80BVM trang bị động cơ diesel có công suất khoảng 1.100 mã lực.
Với động cơ mới giúp xe tăng có thể cơ động với tốc độ khoảng 70km/h, tầm hoạt động 500km.
T-80BVM và T-90M sẽ là bộ đôi chủ lực tăng của Nga trong tương lai bên cạnh dòng xe tăng T-14 Armata.
Nga hy vọng với T-80BVM họ sẽ lấy lại ánh hào quang của dòng xe tăng huyền thoại T-80. Điều mà Ukraine đã thành công với T-84 Oplot-M.
Đều được phát triển từ dòng xe tăng bay huyền thoại T-80, xe tăng T-80BVM và T-84 Oplot-M mang trong mình những cải tiến vượt trội nhưng liệu ai sẽ thắng nếu hai dòng vũ khí này đối đầu. Câu trả lời chính xác nhất chỉ có thể có khi chúng thực chiến.
Hiện căng thẳng giữa Nga và Ukraine vẫn chưa có dấu hiệu giảm nhiệt. Dù khả năng xung đột giữa hai quốc gia này rất thấp nhưng Nga có thể trang bị vũ khí cho dân quân miền Đông nhằm chống lại quân chính phủ.
Nga từng trang bị cho nhóm dân quân xe tăng T-72B3. Vì thế việc trang bị thêm T-80BVM là hoàn toàn có thể xảy ra.
Một khi có siêu tăng này với khả năng bắn đạn Uranium nghèo, tình thế trên chiến trường miền Đông sẽ thay đổi.
Uraike vẫn đang tập trung một lượng lớn khí tài dọc theo chiến tuyến với nhóm dân quân tại miền Đông.
Trong khi đó Nga lại phản đối quyết liệt động thái điều quân này và cho rằng, bất cứ hành động nào của chính quyền Ukraine nhằm trấn áp dân quân miền Đông đều không được phép.
Dự kiến chiến trường tại miền Đông Ukraine vẫn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát sau khi mối quan hệ giữa Moscow và Kiev đi vào căng thẳng sau vụ đụng độ tàu trên biển.
https://anninhthudo.vn/quan-su/anh-chien-tang-bay-t80bvm-nga-trang-bi-dan-uranium-nguy-hiem-co-nao/794543.antd