Ăn uống khoa học để ngừa bệnh viêm ruột

BS. NGUYỄN THANH LÊ |

Bệnh viêm ruột khó chẩn đoán do không có các triệu chứng rõ ràng, hoặc có thì cũng không đặc hiệu, ngay cả khi ruột đã bị ảnh hưởng trong nhiều năm.

Bệnh viêm ruột gồm hai bệnh mạn tính gây ra viêm ruột: viêm loét đại tràng và bệnh Crohn. Mặc dù các bệnh có một số tính năng chung, tuy nhiên chúng có một số khác biệt quan trọng: Viêm loét đại tràng gây viêm đại tràng, khiến niêm mạc ruột bị viêm đỏ và xuất hiện các vết loét gây đau.

Khu vực dễ tổn thương nhất là trực tràng, gây tiêu chảy thường xuyên. Chất nhầy, máu thường xuất hiện trong phân. Bệnh Crohn gây viêm ở đoạn cuối ruột non - hỗng hồi tràng và một phần của ruột già. Các tổn thương này không định khu ở một chỗ, và có thể lan tỏa ảnh hưởng các vị trí khác trên đường tiêu hóa. Viêm do Crohn ăn sâu vào các lớp của thành ruột trong khi viêm loét đại tràng chỉ ảnh hưởng đến niêm mạc của ruột.

Thủ phạm gây viêm ruột bao gồm nhiều yếu tố như: môi trường, chế độ ăn uống, và di truyền. Hút thuốc lá có thể nâng cao khả năng phát triển bệnh Crohn.

Một số người bị viêm ruột có thể có dấu hiệu của viêm nhiễm ở các nơi khác như ở các khớp, mắt, da và gan, vùng hậu môn có thể xuất hiện các áp xe và trĩ. Trẻ mắc bệnh viêm ruột loét đại tràng hay bệnh Crohn có thể sẽ chậm lớn và chậm dậy thì do thiếu hấp thu dưỡng chất.

Phân biệt hội chứng ruột kích thích và viêm ruột qua triệu chứng bệnh

Hội chứng ruột kích thích (IBS) và bệnh viêm ruột có các triệu chứng khá tương đồng như: đau bụng, nôn, thay đổi số lần đi đại tiện... và rất dễ nhầm lẫn trong lâm sàng cũng như trong điều trị.

IBS còn gọi bằng các tên khác như: viêm đại tràng co thắt, rối loạn tiêu hóa chức năng, bệnh tiêu chảy do thần kinh...

Những rối loạn về tiêu hóa do IBS không do một nguyên nhân do tổn thương thực thể gây nên mà thường do các nguyên nhân tâm lý, chế độ ăn, thuốc... Triệu chứng của IBS như: đau bụng (thường là đau nửa dưới của bụng), chướng hơi, tiêu chảy hay táo bón hoặc xen lẫn... Nhưng IBS không bao giờ đi ngoài phân đen và đi ngoài ra máu.

Để phân biệt IBS và bệnh viêm ruột thì lâm sàng quan tâm tới tiền sử liên quan đến những rối loạn tiêu hóa hiện tại, những triệu chứng mang tính chất do tổn thương thực thể như: sốt, đi ngoài ra máu, đi ngoài phân đen.

Quan trọng nhất là xét nghiệm cận lâm sàng để có những bằng chứng về tổn thương thực thể của đường tiêu hóa như: nội soi, nội soi sinh thiết, xét nghiệm phân, CT. Trong một số trường hợp các bác sĩ sử dụng liệu pháp kháng sinh để phân biệt 2 bệnh này.

Chế độ ăn uống phòng ngừa viêm ruột

Chế độ ăn uống có vai trò quan trọng trong việc phòng ngừa các bệnh đường ruột, trong đó có viêm ruột. Một số loại thực phẩm và đồ uống có thể làm nặng thêm các dấu hiệu và triệu chứng của viêm ruột, đặc biệt là trong tình trạng cấp tính, vì vậy cần loại bỏ những thực phẩm này:

Chia thành bữa nhỏ và uống nhiều nước: Nếu cảm thấy tốt hơn, hãy ăn 5-6 bữa ăn nhỏ một ngày thay vì 2 hoặc 3 bữa lớn. Hãy cố gắng uống nhiều nước hàng ngày. Hạn chế rượu và đồ uống có chứa caffeine kích thích ruột và có thể làm tiêu chảy nặng hơn, trong khi đồ uống có ga thường xuyên tạo ra khí.

Hạn chế sản phẩm sữa: tình trạng tiêu chảy, đau bụng và chướng bụng ở bệnh viêm ruột có thể được cải thiện khi hạn chế hoặc loại bỏ các sản phẩm sữa.

Ưu tiên lựa chọn thực phẩm ít chất béo: Nếu mắc bệnh Crohn, ruột non không thể tiêu hóa hoặc hấp thụ chất béo bình thường. Thay vào đó, chất béo đi qua ruột khiến bị tiêu chảy nặng hơn. Những thực phẩm đặc biệt làm phiền hà người bệnh bao gồm bơ, bơ thực vật, nước sốt kem và đồ ăn chiên.

Tránh một số thực phẩm tương kỵ: Loại bỏ những thực phẩm làm cho triệu chứng viêm ruột nặng hơn, đó là: đậu, bắp cải và bông cải xanh, nước trái cây nguyên liệu và hoa quả, đặc biệt là các loại trái cây họ cam quýt, thức ăn cay, bỏng ngô, rượu và thức ăn và thức uống có chứa caffein như socola và soda.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại