Ăn trứng muối có tốt không? Những ai không nên ăn loại trứng này?

Vân Anh |

Trứng muối là một trong những thực phẩm chế biến sẵn, giàu chất dinh dưỡng, tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, một số người nên hạn chế ăn loại trứng này.

Trứng muối là nguyên liệu được sử dụng phổ biến trong nhiều món ăn cũng như làm nhân cho các loại bánh như bánh trung thu, bánh bông lan, ... Trứng muối đa phần sẽ được làm từ trứng vịt, tuy nhiên bạn vẫn có thể sử dụng trứng gà để muối. Trong bài viết này sẽ nêu những lợi ích nổi bật của trứng muối được làm từ trứng vịt.

Như mọi người đã biết, trứng là sản phẩm tốt cho sức khoẻ nhưng liệu khi được muối thành một món ăn khác, trứng còn giữ được dinh dưỡng và đem lại lợi ích sức khoẻ tương tự hay không?

1. Giá trị dinh dưỡng của trứng muối

Vì được làm từ trứng nên trứng muối vẫn có chứa những dưỡng chất tương tự như trứng tươi nhưng có thể thể hàm lượng đã thay đổi. Bản thân trứng vịt tươi có hàm lượng protein từ 9,30% đến 11,80%; 11,40 đến 13,52% chất béo; 1,50 đến 1,74% đường và 1,10 đến 1,17% chất vô cơ như khoáng chất.

Tuy nhiên, việc đưa ion natri và ion clo vào dung dịch muối trong quá trình sản xuất trứng muối có ảnh hưởng đến hàm lượng dinh dưỡng của trứng muối. Trứng vịt sau khi được axit hóa sẽ chứa 14% protein, 16,6% chất béo, 4,1% carbohydrate và 7,5% chất vô cơ.

Lượng cholesterol có trong trứng muối cũng sẽ thay đổi sau khi axit hóa, tùy thuộc vào cách chế biến. Trong khi đó, hàm lượng axit amin có trong trứng vịt không có sự thay đổi sau và trước khi axit hóa.

Ngoài protein, chất béo, carbohydrate, trong trứng vịt muối còn chứa một số dưỡng chất khác như: vitamin A, vitamin B12, sắt, selen, kali, natri.

Ăn trứng muối có tốt không? Những ai không nên ăn loại trứng này? - Ảnh 1.

Trứng muối có chứa nhiều vitamin và khoáng chất (Ảnh: Internet)

2. Ăn trứng muối có tốt không?

Về cơ bản, lợi ích của trứng muối cũng tương tự như lợi ích của trứng vịt tươi nói chung. Dưới đây là một số lợi ích nổi bật của trứng muối mà bạn có thể nhận được khi bổ sung một cách thường xuyên.

2.1. Tốt cho não và thần kinh

Trong trứng muối có chứa Omega-3 có thể giúp các tế bào não phát triển, ngăn ngừa một số vấn đề như bệnh Alzheimer.

Ngoài ra, trong trứng muối còn chứa vitamin B12 và choline tốt cho sức khoẻ thần kinh. Choline là chất dinh dưỡng quan trọng có thể giúp hệ thần kinh hoạt động tốt, trong khi vitamin B12 có thể giúp bạn ngăn ngừa nhiều loại bệnh về thần kinh như suy giảm trí nhớ, mất cân bằng cơ thể và cảm giác mệt mỏi nhanh chóng.

2.2. Ổn định nội tiết tố

Hàm lượng selen trong trứng muối có thể giúp ổn định quá trình chuyển hóa hormone. Ngoài ra, selen có thể cải thiện khả năng sinh sản đồng thời giúp duy trì sức khỏe cho thai nhi ở phụ nữ mang thai.

Ăn trứng muối có tốt không? Những ai không nên ăn loại trứng này? - Ảnh 2.

Hàm lượng selen trong trứng muối có thể giúp ổn định quá trình chuyển hóa hormone (Ảnh: Internet)

2.3. Tốt cho cơ bắp

Trứng muối làm từ trứng vịt thường có hàm lượng protein cao hơn trứng gà. Hàm lượng protein cao trong trứng muối có thể giúp tăng cường và định hình thời gian cơ bắp trở nên rắn chắc và khỏe mạnh hơn.

Ngoài tốt cho cơ bắp, protein trong trứng muối cũng có thể giúp thay thế các tế bào cơ thể bị tổn thương để cơ thể trở nên khỏe mạnh hơn.

2.4. Ngăn ngừa thiếu máu

Trứng muối có hàm lượng sắt tương đối cao. Vì vậy, bổ sung nguồn thực phẩm này có thể ngăn ngừa tình trạng thiếu máu do thiếu sắt.

2.5. Tốt cho mắt

Trứng muối còn có chứa vitamin A, giúp duy trì sức khỏe của mắt, ngăn ngừa một số bệnh lý về mắt như ngăn ngừa đục thủy tinh thể, thoái hóa điểm vàng và tăng nhãn áp. Vitamin A cũng hạn chế tình trạng khô mắt và bảo vệ mắt khỏi nhiễm khuẩn và virus.

Ăn trứng muối có tốt không? Những ai không nên ăn loại trứng này? - Ảnh 3.

Trứng muối còn có chứa vitamin A giúp duy trì sức khỏe của mắt (Ảnh: Internet)

2.6. Tốt cho xương và răng

Trứng muối được làm từ trứng vịt có thể tốt cho răng và xương. Dựa trên một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Hóa học Nông nghiệp và Thực phẩm năm 2015, hàm lượng peptide trong lòng trắng trứng vịt có thể tối ưu hóa sự hấp thụ canxi của cơ thể. Canxi là một chất dinh dưỡng quan trọng để xây dựng cơ bắp đồng thời giúp xương và răng khỏe mạnh.

3. Tác hại của trứng muối là gì?

Mặc dù được biết là có nhiều lợi ích đối với sức khoẻ. Tuy nhiên, vì trong loại trứng này có hàm lượng muối khá cao. Một quả trứng muối trung bình chứa hơn 10 gam muối, trong khi ngưỡng muối an toàn chỉ là 1,15–2,3 gam mỗi ngày. Tiêu thụ thực phẩm chứa nhiều muối sẽ làm tăng nguy cơ phát triển bệnh cao huyết áp sau này trong ngày.

Ngoài ra, một quả trứng muối được ước tính có chứa khoảng 600 mg cholesterol (tùy thuộc vào cách chế biến), hoặc gấp đôi tổng lượng cholesterol an toàn được khuyến nghị mà bạn tiêu thụ mỗi ngày. Mức cholesterol cao có thể gây ra nhiều loại bệnh, chẳng hạn như đau tim và đột quỵ.

4. Những ai không nên ăn trứng muối

Các chuyên gia khuyến cáo một số nhóm người sau nên hạn chế ăn trứng muối để tránh ảnh hưởng tiêu cực tới sức khoẻ:

- Người bị tăng huyết áp và phụ nữ có thai dễ bị tăng huyết áp vì hàm lượng muối trong trứng muối khá cao.

- Người bị mỡ máu, tiểu đường vì hàm lượng cholesterol trong trứng muối cũng tương đối cao.

Ngoài ra, khi ăn trứng muối mọi người nên lưu ý lựa chọn trứng được làm tại những nơi đảm bảo chất lượng. Một số nơi người ta có thể sử dụng vôi muối, chì oxy để ủ trứng. Nếu ăn nhiều thực phẩm nhiễm chì sẽ gây ra rất nhiều tác hại đối với sức khoẻ như đau đầu, suy giảm trí nhớ, ảnh hưởng tới gan thận,... Nếu có thể, bạn nên làm trứng muối tại nhà để đảm bảo chất lượng cũng như bảo vệ sức khoẻ.

Ăn trứng muối có tốt không? Những ai không nên ăn loại trứng này? - Ảnh 4.

Người bị tăng huyết áp, mỡ máu nên hạn chế ăn trứng muối (Ảnh: Internet)

5. Cách làm trứng muối tại nhà

Cách làm trứng muối rất đơn giản, trước tiên các bạn chuẩn bị các nguyên liệu:

- 20 quả trứng vịt tươi (số lượng có thể thay đổi)

- 200g gừng

- 400g muối

- 4 muỗng canh đường cát

- 4 muỗng canh nước mắm

- 250ml rượu trắng

Cách thực hiện:

- Đầu tiên, trứng vịt bạn đem đi rửa sạch, để cho ráo nước. Gừng rửa sạch, rồi đập dập gừng, cắt miếng vừa đủ, đặt sang một bên.

- Sau đó, bạn chuyển sang làm nước ngâm. Lấy 1 cái tô lớn, đổ vào 1 lít nước, cho hết 400g muối và gừng vào tô, tiếp đó là 4 muỗng canh đường cát, 4 muỗng canh nước mắm rồi khuấy đều. Tiếp đó, cho nồi nước ngâm lên bếp đun sôi trong khoảng 7 phút và để nguội.

- Bạn cho 250ml rượu trắng vào chén, sau đó bạn lần lượt, nhẹ nhàng rửa trứng vịt qua rượu. Với cách làm này sẽ giúp trứng vịt sau khi ngâm ngon hơn và giúp trứng không bị hôi, không bị nhớt sau khi ngâm.

- Cuối cùng, bạn sắp từng quả trứng vịt vào 1 hũ thủy tinh, cho hết phần nước ngâm đã nguội vào. Dùng 1 cái cái chén hay tô, hoặc vật gì nặng để chặn trứng vịt, giúp trứng ngập nước và không bị bung vỡ khi ngâm, sau đó đậy nắp lại và đặt nơi khô ráo trong 3 tuần là có thể sử dụng.

Trên đây là những giải đáp cho vấn đề "ăn trứng muối có tốt không?" cũng như những lưu ý khi ăn loại trứng này. Ăn trứng muối với tần suất 1-2 lần/tuần là tốt nhất cho sức khoẻ. Các bạn nên bổ sung đa dạng các nguồn thực phẩm khác để bổ sung đầy đủ dinh dưỡng cho cơ thể.

Nguồn: Tổng hợp

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại