Nghiên cứu về ung thư rất tốn kém
Theo PGS Phạm Duy Hiển – Nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện K trung ương ở cơ thể bình thường, tế bào phát triển, phân chia và chết đi theo một chu trình định sẵn.
Khi còn trẻ, tế bào phân chia nhanh hơn khi ở tuổi trường thành. Người ở tuổi trường thành, cao tuổi, phần lớn các tế bào chỉ phân chia để thay tế bào già, tế bào bị chết hoặc để hàn gắn các vết thương.
Các tế bào ung thư phân chia và chết không theo chương trình định sẵn nữa, cơ thể không kiểm soát nổi.
Các tế bào lành không thể và không bao giờ dịch chuyển khỏi cơ quan của mình hoặc theo đường máu, đường bạch huyết. Chúng cũng không thể di chuyển theo đường kế cận hay nhảy dù để đến một vị trí khác tạo ra một cơ quan mới hoặc khối u.
Nhưng các tế bào ung thư thì có khả năng đó.
Tế bào ung thư (Ảnh minh họa)
Tế bào ung thư tách khỏi khối u nguyên sinh chui vào đường máu của hệ tuần hoàn, hệ bạch huyết xâm lấn cơ quan kế cận hoặc nhảy dù đến vị trí cơ quan khác để phát triển tạo nên khối u hay còn gọi là di căn.
Nếu ta hạn chế hoặc triệt tiêu các khả năng đó của tế bào ung thư, ta hoàn toàn có thể điều trị được bệnh ung thư đó là hướng mà các nhà ung thư đang nghiên cứu trên toàn thế giới.
Nhưng các nghiên cứu về ung thư thường tốn kém và cần rất nhiều thời gian. Ví dụ chỉ để nghiên cứu ung thư dạ dày mà cơ quan NCI (National Cancer Instutiter) của Mỹ đã phải chi 8,2 triệu USD Mỹ vào năm 1998 và tăng lên 13,4 triệu USD vào năm 2003.
Đây chỉ là 1 nghiên cứu riêng lẻ về ung thư dạ dày của một viện nghiên cứu ung thư để thấy nghiên cứu ung thư tốn kém như thế nào?
PGS Hiển lấy ví dụ thêm có một tổ chức họ đã chi gần 3,3 triệu USD Mỹ chỉ để nghiên cứu bệnh ung thư vú có liên quan đến sữa đậu nành hay không?
Làm thế nào để biết một chất có thể gây ung thư trên người?
Theo PGS Hiển người ta thường nghiên cứu ở trên chuột các hoá chất nếu gây ung trên chuột vì vòng đời của chuột ngắn.
Nhưng nếu chỉ là nghiên cứu thí nghiệm trong phòng thí nghiệm vì đời sống của con chuột là 2 – 3 năm còn đời sống của con người cao hơn, sự đột biến gen của con chuột 2 năm nó khác với đột biến gen của con người.
Khi ta dùng 1 chất gây ung thư cho con chuột thì không thể nói chất đó đã gây ung thư trên chuột rồi thì sẽ gây ung thư trên người.
Chỉ có thể cảnh báo nguy cơ đã ung thư trên chuột thì có thể gây ung thư trên người. Sabutamol sinh khối u trên động vật thực nghiệm là một ví dụ.
Còn những chất mà thế giới đã khẳng định gây ung thư trên người thì họ có phương pháp nghiên cứu khác, đó là phương pháp mô tả phân tích.
Ví dụ người ta đã điều tra những người khai thác amiang từ 5 năm trở lên thì nhận thấy thì tỷ lệ ung thư phổi ở những người này vượt xa so với những người không tiếp súc với amiang.
Khi đó họ có thể khẳng định một trong những nguyên nhân gây ung thư phổi là amiang.
Tương tự, ở những vùng nhiệt đới có nhiều nấm mốc đặc biêt là nấm Aspergillus flavus. Hạt ngũ cốc bị nấm mốc này sản sinh ra độc tố Aflatocxin, người ăn những hạt ngũ cốc này có tỷ lệ ung thư gan cao hơn những vùng dân cư khác.
Sau đó họ thử aflatoxin trên chuột và đúng nó cũng gây ung thư cho chuột. Từ đó có thể khẳng định aflatoxin là một trong những nguyên nhân gây ung thư ở người.
Không nên chờ nghiên cứu xong mới kết luận thực phẩm bẩn gây ung thư
Với vấn đề thực phẩm bẩn đang được dư luận rất quan tâm hiện nay, PGS Hiển cho rằng thực phẩm bẩn đang đe doạ sức khoẻ cộng đồng, chất lượng dân số và giống nòi.
Theo ông, không chỉ "nói không với thực phẩm bẩn" mà cần có chế tài đủ mạnh để ngăn chặn càng sớm càng tốt, càng triệt để càng tốt đừng để muộn hơn nữa.
Chúng ta không nên chờ nghiên cứu này, nghiên cứu khác rồi mới kết luận thực phẩm bẩn gây ung thư. Một nghiên cứu cần rất nhiều thời gian và bệnh ung thư cũng không phải 1- 2 năm là phát bệnh ngay mà nó cần 15 năm tới mới có câu trả lời.
Nếu chờ lúc đó mới công bố thì quá muộn!
Thay vì chờ đợi nghiên cứu PGS Hiển cho biết chúng ta nên áp dụng những nghiên cứu khoa học cơ bản của nước ngoài. Các khuyến cáo hoá chất gây ung thư đã được cảnh báo và nước ngoài cấm thì chúng ta nên cấm.