Ám ảnh ngộ độc nấm rừng
Bà Lê Thị Châu, Chi cục Trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Đăk Lăk cho biết, các vụ ngộ độc nấm rừng xảy ra đều sớm truy tìm được nguyên nhân đồng thời đã tăng cường mức cảnh báo đến người dân, nhất là khu vực nông thôn, vùng sâu.
Ông Trần Văn Hoàng Th (Ea Trang, Ma Đ’răk, Đăk Lăk) từng phải bỏ nương rẫy nhiều ngày vì tin vào công dụng của nấm đen tự nhiên mọc trong rừng sâu nên hái về ăn liên tục trong 2 ngày. Ngày đầu tiên chỉ thấy chóng mặt nhẹ, chủ quan nghĩ say nắng. Ngày thứ 2 mới nôn thốc tháo, tiêu chảy, điều trị nhiều ngày mới khỏi.
Cũng nghĩ đơn giản các loại nấm mọc trong rừng thì cứ hái về ăn là bổ dưỡng sức khỏe nên giữa tháng 6/2021, gia đình ông Y Grek Ksơr (58 tuổi, trú tại Buôn Bia, xã Ea Hiao, huyện Ea H’leo, tỉnh Đăk Lăk) cũng phải đến nhập viện.
Đang mùa nấm rừng mọc nhiều, ông Ksơr lấy về để sẵn trong nhà. Sau đó rửa qua rồi bỏ vào nấu chung với ngô (bắp) thành cháo để ăn. Ăn xong thì cả 6 người trong gia đình Ksơr mệt mỏi, buồn nôn, choáng váng, đi không vững.
Trong 6 người, có Nay H’Kiên, Nay Y Tân bị nặng nhất nên được đưa đến Trung tâm Y tế huyện Ea H’leo điều trị, 4 người còn lại được các nhân viên y tế theo dõi và hướng dẫn điều trị tại nhà. Đến nay sức khỏe đã dần ổn định.
Sống ở khu vực giáp ranh với Đăk Lăk, anh Nguyễn Duy Toàn (huyện Đam Rông, Lâm Đồng) trong một số lần săn nấm rừng về ăn cũng choáng váng, ngộ độc nhẹ. Anh Toàn cho biết: Do thói quen ở nhiều vùng quê, cứ thấy nấm là ăn. Nếu ngộ độc nhẹ thì nghỉ ngơi ít ngày là có thể khỏi. Từ những vụ ngộ độc đã xảy ra sẽ cẩn thận hơn, không ăn nấm tự nhiên bừa bãi nữa.
Nhiều vụ ngộ độc nặng đã xảy ra ở Đăk Lăk.
Bên cạnh nấm rừng tự nhiên, mùa mưa bắt đầu ở nhiều tỉnh khu vực Tây Nguyên, một số gia đình săn cóc về ăn, chế biến không kỹ dẫn đến ngộ độc. Ít ngày đã trôi qua, gia đình anh Y Tuông (Buôn Hdung, xã Ea Mroh, huyện Cư M’Gar, tỉnh Đăk Lăk) vẫn còn ám ảnh.
Thấy thời tiết chuyển mùa, cóc trong rừng, rẫy xuất hiện nhiều nên ngày 11/6, Y Tuông đi bắt cóc về làm và ăn cùng hai đứa con của mình là Y Hai và H’Bom. Ăn xong thì ngộ độc phải nhập viện điều trị.
Phải tuyên truyền phòng chống ngộ độc đến từng gia đình
Lãnh đạo Chi cục An toàn thực phẩm Đăk Lăk cho biết, đã tuyên truyền bằng nhiều hình thức, thậm chí hướng dẫn chi tiết để người dân không tùy tiện sử dụng thịt cóc và các loại nấm trong rừng. Tuy nhiên các vụ ngộ độc vẫn xảy ra do nhiều người còn chủ quan.
Để ngăn chặn nguy cơ xảy ra ngộ độc nấm, cảnh báo đến đông đảo người dân thường xuyên vào rừng săn nấm, Sở Y tế tỉnh Lâm Đồng cũng đã ban hành văn bản chỉ đạo cần phòng ngừa ngay. Theo đó, Sở Y tế Lâm Đồng yêu cầu Chi cục An toàn thực phẩm, Phòng Y tế và Trung tâm Y tế các huyện, thành phố ở Lâm Đồng khẩn phối hợp với các cơ quan liên quan giám sát, dự phòng và kiểm soát nguy cơ ngộ độc do nấm độc trên địa bàn.
Tăng cường thông tin kiến thức về phòng chống ngộ độc do nấm độc đến tận hộ gia đình, những người ở trên nương rẫy, ở sâu trong rừng. Kết hợp tuyên truyền cho học sinh ở các trường học để mọi người dân tuyệt đối không được ăn nấm lạ và không thử ăn nấm.
Cùng với đó, hướng dẫn cho từng người dân biết, ngay sau khi xuất hiện các triệu chứng rối loạn tiêu hóa, đau đầu, chóng mặt...nghi ngờ ngộ độc liên quan đến việc ăn nấm cần nhanh tróng đưa ngay bệnh nhân và những người cùng ăn nấm đến cơ sở y tế gần nhất; cần mang theo mẫu nấm còn sót lại hoặc cho người đi hái loại nấm đã ăn mang tới cơ sở y tế để sơ bộ xác định loại nấm.
Có biện pháp dự phòng ngộ độc thực phẩm trong cộng đồng; chuẩn bị sẵn sàng phương án, lực lượng thường trực, phương tiện, vật tư, thuốc, hóa chất để kịp thời cấp cứu, điều trị bệnh nhân và khắc phục, giảm thiểu ảnh hưởng khi có ngộ độc do ăn nấm độc xảy ra (đặc biệt chú ý biện pháp sơ cứu và chuyển viện tuyến sau sớm nếu vượt quá khả năng).