Ăn khoai tây làm tăng nguy cơ cao huyết áp
Mới đây, các nhà khoa học của Trường Y Harvard (Mỹ) và Bệnh viện phụ nữ Birmingham (Anh) đã công bố kết quả nghiên cứu từ dữ liệu của 187.000 người tham gia trong vòng 20 năm về khẩu phần ăn khoai tây hàng ngày.
Theo đó, ăn nhiều khoai tây làm tăng nguy cơ cao huyết áp. Nghiên cứu cho thấy ăn khoai tây 4 lần/ tuần làm tăng nguy cơ cao huyết áp (tăng huyết áp) lên tới 11%.
Trong nghiên cứu không phân biệt khoai tây được chế biến theo hình thức nào nhưng nhóm chuyên gia cho biết các cách chế biến khác nhau có thể dẫn tới nguy cơ khác nhau.
Với những người thường ăn khoai tây chiên đóng gói, nguy cơ tăng huyết áp cao hơn 17%.
Tiến sỹ Lea Borgi, tác giả nghiên cứu trên cho biết, thường mọi người không thấy mối liên hệ giữa khoai tây và bệnh tật.
"Trước đây, chúng ta không thấy có mối liên hệ rõ ràng giữa khoai tây và bệnh tăng huyết áp. Nhưng riêng với khoai tây chiên, chúng ta đã biết những nguy cơ liên quan tới sức khoẻ. Vì thế kết quả này cũng không quá ngạc nhiên".
Công bố trên tạp chí chuyên san y khoa Anh (BMJ), nghiên cứu cho thấy chỉ cần thay thế một khẩu phần khoai tây bằng một loại rau củ không tinh bột thì đã làm giảm nguy cơ huyết áp cao tới 7%.
Theo các nhà khoa học, chỉ số GI (Glycaemic index) cao có thể chính là nguyên nhân. Các thực phẩm có chỉ số GI cao giải phóng năng lượng nhanh vì thế làm tăng đường huyết nhanh, và dẫn tới tăng huyết áp.
Nhóm nghiên cứu giải thích, các bữa ăn có chỉ số GI cao liên quan tới việc rối loạn chức năng tế bào gây ra các hiện tượng như mất cân bằng oxy hoá hay viêm, chính là cơ chế tiềm tàng nguy cơ tăng huyết áp.
"Tôi nghĩ nghiên cứu này quan trọng ở chỗ, nó sẽ khởi động những thảo luận về vị trí của khoai tây trong chế độ ăn khoẻ mạnh", tiến sỹ Borgi nêu quan điểm.
Khoai tây và các vấn đề với sức khoẻ
Ở Mỹ, khoai tây là một thực phẩm phổ biến. Theo các chuyên gia thuộc Khoa sức khỏe cộng đồng của Trường Đại học Havard, khoai tây không được xếp vào loại rau phù hợp cho chế độ ăn lành mạnh.
Nguyên nhân do thực phẩm này chứa hàm lượng cao carbohydrate, nghiêm trọng hơn đó lại là loại carbohydrate mà cơ thể tiêu hoá nhanh, gây ra các vấn đề về đường huyết và insulin.
Các nhà khoa học đã chứng minh 200g khoai tây ảnh hưởng tới đường huyết tương tự một lon Coca Cola.
Trong thời gian dài, chế độ ăn nhiều khoai tây cùng các thực phẩm chứa hàm lượng cao carbohydrate khác dẫn tới béo phì, tiểu đường và bệnh tim mạch.
Vào tháng 1 năm nay, một nghiên cứu khác cho thấy phụ nữ ăn khoai tây làm tăng nguy cơ bị tiểu đường khi mang thai.
Những người ăn 2- 4 khẩu phần khoai tây/ tuần có nguy cơ cao hơn 27%. Kể cả những người chỉ ăn1 lần/tuần thì nguy cơ cũng tăng thêm 20%. Với những người ăn trên 5 lần/ tuần, nguy cơ mắc bệnh tăng thêm tới 50%.
Những lựa chọn thay thế khoai tây
Khoai tây chứa nhiều chất dinh dưỡng quan trọng cho cơ thể như vitamin C, kali, vitamin B6. Nhưng cũng có nhiều sự lựa chọn khác cung cấp những chất dinh dưỡng này dồi dào hơn khoai tây:
- Súp lơ xanh chứa lượng vitamin C cao gấp 9 lần khoai tây.
- Đậu trắng chứa hàm lượng kali cao gấp 2 lần khoai tây.
- Ngũ cốc nguyên hạt là sự lựa chọn tuyệt vời để thay thế khoai tây.
- Các loại đậu cũng rất tốt vì chứa nhiều chất xơ và protein, lại gây ra ít ảnh hưởng tới đường huyết.
Cách chế biến khoai tây tốt nhất cho sức khoẻ
Trong trường hợp ăn một lượng hạn chế, khoai tây vẫn mang lại nhiều giá trị sức khoẻ do các thành phần dinh dưỡng thiết yếu cho cơ thể. Hãy nghe lời khuyên từ chuyên gia để biết cách chế biến khoai tây tốt nhất.
Victoria Jarzabkowski, chuyên gia dinh dưỡng tại Trường Đại học Texas, Mỹ nhấn mạnh tầm quan trọng của phương pháp chế biến khoai tây.
"Tốt nhất là không sử dụng khoai tây đã qua chế biến công nghiệp. Khoai tây nướng là cách chế biến tại nhà tốt nhất vì sử dụng lò nướng hay lò vi sóng để làm chín khoai sẽ giúp hạn chế thấp nhất chất dinh dưỡng bị mất đi".
Cách chế biến tiếp theo là hấp. Phương pháp hấp làm chất dinh dưỡng ít bị hao hụt so với luộc. Luộc khoai đã gọt vỏ sẽ làm mất rất nhiều chất dinh dưỡng có thể hoà tan trong nước.
Các chất dinh dưỡng trong khoai có thể hoà tan vào nước là vitamin nhóm B, vitamin C, kali và canxi. Nếu luộc khoai sẽ làm hao hụt tới 80% lượng vitamin C. Tuy nhiên, sử dụng nước luộc khoai sẽ giúp bạn "gỡ" lại một ít dinh dưỡng.
Một lời khuyên khác từ chuyên gia Jarzabkowski là bạn nên ăn cả vỏ khoai tây vì phần vỏ chứa nhiều dinh dưỡng hơn phần thịt.
* Tổng hợp từ nhiều nguồn