Sử dụng mô hình thí nghiệm trên chuột, các nhà nghiên cứu từ Viện Khoa học Y tế Thủ đô Tokyo (Nhật) chứng minh rằng việc tiêu thụ nhiều đường sucrose (đường ăn, tức đường từ mía hay củ cải đường) làm gia tăng đáng kể nguy cơ phát triển các rối loạn tâm thần, trong đó nhấn mạnh rối loạn lưỡng cực và tâm thần phân liệt, là những vấn đề có thể ám ảnh bệnh nhân cả đời.
Đồ ngọt không phải "thực phẩm hạnh phúc" như nhiều người lầm tưởng (Ảnh minh họa từ Internet)
Bệnh tâm thần phân liệt được đặc trưng bởi loạn thần, hoang tưởng, các rối loạn về ngôn ngữ, rối loạn hành vi, sự thiếu hụt về nhận thức, thờ ơ... Trong khi rối loạn lưỡng cực gây nên những pha hưng - trầm cảm đan xen; trong pha hưng cảm người bệnh dễ hào hứng quá trớn; còn pha trầm cảm thì có thể gây nên sự chán chường, trầm uất và xấu nhất có thể là tự tử.
Theo Sci-News, nghiên cứu mới cho thấy lượng calo tiêu thụ hàng ngày từ đường của thanh thiếu niên cao vượt so với ở các nhóm tuổi khác. Với nhóm tiêu thụ cao (20% lượng calo hàng ngày), nguy cơ gặp các rối loạn tâm thần mạn tính tăng mạnh.
Tiến sĩ Haruo Okado, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết họ đã tạo ra các kiểu hình chuột có kiểu gene nhạy cảm với rối loạn tâm thần và xét thấy nếu những con này bị ăn nhiều đường, chúng sẽ có một loạt các triệu chứng như suy giảm chức năng cảm giác, rối loạn chức năng trong các tế bào thần kinh parvalbumin và trí nhớ hoạt động, tăng động, tăng giải phóng dopamine bất thường dẫn đến tăng kích thích.
Ngoài ra, họ còn xác định được sự tích tụ nội mô của một chất gọi là fibrin, từng được tìm thấy trong não của bệnh nhân rối loạn lưỡng cực và tâm thần phân liệt.
Tin mừng duy nhất là nếu phát hiện sớm, chỉnh sửa chế độ ăn sớm và điều trị lâu dài bằng aspirin liều thấp có thể ngăn ngừa sự lắng động fibrin trong mao mạch, cải thiện vận chuyển glucose và giảm một số triệu chứng.
Do đó, ngăn ngừa vấn đề ngay từ đầu là rất quan trọng bởi bạn không thể biết trước bộ gene của bạn có vô tình nhạy cảm với các rối loạn tâm thần hay không.
Nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí Science Advances.