Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết tại đây vừa tiếp nhận 3 bệnh nhân bị ngộ độc cá chình. Bệnh nhân vào viện trong tình trạng rối loạn cảm giác, tê lưỡi, cứng hàm, yếu cơ, đau mỏi người. Đây là 3 trong số 9 người cùng tham gia bữa ăn trưa tại nhà bà Đ.T.L. (49 tuổi), ở huyện Phúc Thọ, Hà Nội.
Bà L. cho biết trưa 14-7, gia đình tiếp khách đến chơi. Gia đình có đặt cỗ ở nhà hàng. Mâm cỗ có duy nhất là cá chình làm nhiều món như nướng, om chuối đậu. Đến chiều, bà nhận được điện thoại thông báo khách về nhà ở tỉnh Phú Thọ thì có biểu hiện ngộ độc.
Bệnh nhân ngộ độc cá chính đang cấp cứu tại Bệnh viện Bạch Mai
Tối cùng ngày, 8 người tham gia bữa tiệc phải nhập viện, trường hợp còn lại chỉ có dấu hiệu tê bì thoáng qua nên ở nhà theo dõi.
"Sau bữa trưa đến khoảng 16 giờ chiều, hai vợ chồng tôi có biểu hiện lúc nóng, lúc lạnh, hoa mắt, chóng mặt, ngứa toàn thân, hai quai hàm mỏi, tê lưỡi nên được đưa đến bệnh viện địa phương cấp cứu. Sau đó, cả hai được chuyển đến cấp cứu tại Bệnh viện Bạch Mai"- bệnh nhân L. kể lại.
Cùng điều trị với vợ chồng bà L. là bệnh nhân Nguyễn Thị N. (48 tuổi), có tham gia bữa trưa. Hiện sau 3 ngày điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai, bệnh nhân vẫn mệt mỏi.
Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết 3 bệnh nhân ngộ độc cá chình biển vào viện trong tình trạng rối loạn cảm giác như lúc nóng, lúc lạnh, đau mỏi, tê bì, yếu cơ hoặc liệt cơ...
Nói về nguyên nhân gây ngộ độc khi ăn cá chình, bác sĩ Nguyên cho biết ngộ độc cá biển không phải hiếm, có thể xảy đến khi ăn nhiều loại cá như: Cá chình, cá tầm, cá nhồng, cá vược, cá mú, cá cam... Ngộ độc cá biển là do tảo sinh ra độc tố ciguatera trong khi đây lại là nguồn thức ăn của cá, lâu dần tích tụ độc chất trong cá. Hiện hàng trăm loài cá có chứa độc tố ciguatera.
"Tảo này cá ăn không độc nhưng vào cơ thể người lại gây độc. Độc tố này ít gây triệu chứng tiêu hóa mà chủ yếu gây triệu chứng thần kinh, sau đó bệnh nhân đau bụng, tiêu chảy, loạn nhịp tim, rối loạn cảm giác, bứt rứt khắp người, đau mỏi, tê bì, yếu cơ hoặc liệt cơ"- bác sĩ Nguyên giải thích.
Theo bác sĩ Nguyên, triệu chứng ngộ độc cá chình dai dẳng, thậm chí nhiều tháng sau bệnh nhân vẫn còn. Đáng nói, ngộ độc ciguatera rất khó phòng tránh vì độc tố không mùi, không vị, không phá hủy bởi nhiệt độ đông lạnh, không xác định được bằng mắt thường. Cách duy nhất để phòng bệnh là không nên ăn quá nhiều cá chình và các loại cá sống ở rặng san hô, đặc biệt tránh ăn nội tạng cá.