Ăn ít chất xơ, bệnh nhân bị rách hậu môn trực tràng do tai nạn không ngờ tới

Ngọc Minh |

Có tiền sử bị táo bón, nam bệnh nhân 50 tuổi thường tự ý xịt rửa hậu môn để tháo thụt phân. Trong lúc thụt tháo phân bệnh nhân đã bị ngã gây rác hậu môn và trực tràng.

Tai nạn hy hữu

Bệnh nhân Nguyễn Văn T (sinh năm 1969 trú tại Bồ Đề - Long Biên – Hà Nội) nhập viện trong tình trạng có vết thương chảy nhiều máu từ hậu môn ra. Qua thăm dò vết thương bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Đức Giang thấy nhiều vết rách phức tạp ở trực tràng.

Bệnh nhân T cho biết, có tiền sử táo bón lâu ngày, thường tự dùng vòi sen xịt và dùng tay tự tháo thụt phân ra ngoài. Trong lúc thụt tháo phân bệnh nhân bị trượt ngã cắm vòi sen vào vùng mông, ngón tay cắm vào trực tràng gây chảy nhiều máu tươi.

Ngay sau đó, bệnh nhân được cầm máu, làm các xét nghiệm cần thiết và được tiến hành mổ cấp cứu ngay lập tức.

Ăn ít chất xơ, bệnh nhân bị rách hậu môn trực tràng do tai nạn không ngờ tới - Ảnh 1.

Tai nạn hy hữu xảy ra với bệnh nhân T.

Bác sĩ Phan Văn Thành, khoa Ngoại tổng hợp đã tiến hành phẫu thuật nội soi làm hậu môn nhân tạo cho bệnh nhân để chất thải không qua hậu môn trực tràng như cũ, sau đó khâu vết thương lại cho bệnh nhân. Sau mổ, tình trạng bệnh nhân ổn đang nằm viện để tiếp tục điều trị.

Thương tổn hậu môn trực tràng có hình thái lâm sàng rất đa dạng, do nhiều nguyên nhân khác nhau như tai nạn giao thông, vết thương do bị vật nhọn đâm trực tiếp vào vùng tầng sinh môn, những tai nạn lao động như đá, gỗ đè…

Đối với trường hợp bệnh nhân T rất may là đi cấp cứu kịp thời, nên việc cấp cứu diễn ra rất suôn sẻ, hiện tại bệnh nhân khỏe và chuẩn bị ra viện.

Bác sĩ Thành khuyến cáo, vùng hậu môn, trực tràng là nơi chứa nhiều vi khuẩn kỵ khí, cấu tạo giải phẫu nhiều mô lỏng lẻo nên các vết thương ở vùng này rất dễ bị nhiễm trùng đặc biệt là viêm tấy lan toả, khó xử lý. Hơn nữa, vết thương hậu môn trực tràng hay gặp trong bệnh cảnh đa chấn thương nên thái độ xử trí ban đầu là rất quan trọng.

Bệnh nhân gặp chấn thương vùng môn trực tràng nếu không được xử lý đúng có thể bị nguy hiểm đến tính mạng hoặc phải chịu những di chứng nặng nề làm ảnh hưởng đến cuộc sống sau này.

Trường hợp bệnh nhân T, sau khi phẫu thuật ổn định bệnh nhân có chia sẻ với bác sĩ do ăn ít chất xơ nên thường xuyên bị táo bón. Qua trường hợp của bệnh nhân T bác sĩ khuyến cáo người dân nên có chế độ ăn cân đối, ăn nhiều chất xơ. Nếu bị táo bón thì cần phải tới gặp bác sĩ chuyên khoa để được điều trị đúng cách, không nên tự ý thụt tháo phân.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại