Ăn gì để khắc phục hậu quả tiệc rượu ngày Tết?

Anh Thư |

(NLĐO)- Tiệc rượu, bia với đồ ăn nhiều đạm khiến nhiều người... mệt nhoài sau mấy ngày nghỉ Tết nhưng khó lòng mà từ chối.

Bạn đọc Trần Hải A. (nguyentranph...@gmail.com), hỏi: Năm nào nghỉ Tết xong tôi cũng... nằm luôn mấy hôm vì có bạn bè, khách khứa nhiều là khó tránh khỏi việc "nhậu" và ăn quá nhiều, đôi khi đi chúc Tết cũng bị mời thêm lon bia, chén rượu khai Xuân. Có cách nào điều chỉnh ăn uống để tôi mau khỏe hơn sau những buổi tiệc rượu tất niên, tân niên để sẵn sàng đi làm lại sau Tết, vì cơ quan tôi yêu cầu mùng 6 là đã phải có mặt?

Ăn gì để khắc phục hậu quả tiệc rượu ngày Tết? - Ảnh 1.

Nhiều người mệt nhoài sau các buổi tiệc Tết (ảnh chỉ mang tính minh họa) - Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Lương y Đinh Công Bảy, Tổng Thư ký Hội Dược liệu TP HCM, trả lời:

Đầu tiên, bạn nên cố gắng chỉ ăn một lượng vừa phải trong các buổi tiệc rượu nếu có dùng thêm bia, rượu. Đôi khi các thức uống này khiến bạn ăn nhiều hơn, quá mức, cảm giác đầy bụng cũng đủ làm bạn khó chịu cả buổi sau đó. Đặc biệt lưu ý đừng tiêu thụ quá nhiều đạm trong bữa "nhậu".

Sau bữa tiệc có sử dụng rượu, bia, bữa ăn tiếp theo, có thể là bữa ăn nhẹ sau đó nếu bạn còn cảm thấy đói, nên bảo đảm có tinh bột, như cháo, mì, cơm, khoai, sắn... Tốt nhất là cháo cho dễ tiêu. Tinh bột là nguồn cung cấp glycogen, là một polymer glucose, dạng lưu trữ chính của glucose trong cơ thể, có nhiệm vụ dự trữ năng lượng. Glycogen hình thành và tích trữ chủ yếu trong tế bào gan và bản thân lá gan rất cần glycogen để có nguồn năng lượng hoạt động tốt, vì thế ai "nhậu" mà bỏ cơm về sau rất dễ gặp vấn đề về gan.

Tiếp theo là bạn phải uống nhiều nước. Bia, rượu có tính lợi tiểu, nên uống càng nhiều càng mất nước! Chính sự mất nước góp phần lớn vào cảm giác nôn nao, mệt mỏi, nhức đầu sau "nhậu". Uống nhiều nước còn giúp cơ thể mau đào thải axit uric dư thừa do người nhậu hay tiêu thụ nhiều purin (thực phẩm giàu đạm). Axit uric tăng là nguyên nhân của những cơn gút (gout) đau đớn.

Trong các bữa ăn bình thường, nên tăng cường rau xanh các loại, đặc biệt đừng quên các loại rau có vị đắng như atisô, khổ qua, rau đắng, rau má..., vì chúng chứa alkaloid, một chất có tác dụng hỗ trợ hạ men gan rất tốt.

Nên chọn cá, đặc biệt là cá dầu (cá thu, cá ngừ, cá hồi, cá trích, cá mòi...), vì axit béo omega-3 trong chúng vừa tốt cho hoạt động gan, vừa giúp bạn giảm tình trạng tăng cholesterol. Cá cũng là thức ăn dễ tiêu hóa.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại