Ấn Độ tăng cường xuất khẩu vũ khí
Theo tạp chí Diplomat, sau thời gian dài góp mặt trong danh sách các nước nhập khẩu vũ khí nhiều nhất thế giới, Ấn Độ đang có kế hoạch mở rộng hoạt động xuất khẩu thiết bị quốc phòng tự sản xuất.
Hướng đi mới này đã mang lại kết quả bước đầu tương đối khả quan, khi tăng gấp đôi mức xuất khẩu vũ khí của Ấn Độ lên 330 triệu USD trong năm qua.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Manohar Parrikar đã đặt ra mục tiêu cao hơn: Nâng mức xuất khẩu vũ khí hàng năm của Ấn Độ lên 2 tỷ USD trong vòng 2 năm.
Để đạt được mục tiêu đó, trong giai đoạn đầu, Ấn Độ có vẻ chú trọng tiếp thị các hệ thống hải quân và tên lửa tự chế tạo. Mặc dù nước này cũng muốn mở rộng thị trường xuất khẩu các hệ thống chiến lược nhưng những vũ khí với ý nghĩa chiến lược lớn sẽ chỉ được cung cấp cho một số đối tác nhất định.
Triển vọng ở Việt Nam
Tháng Sáu vừa qua, Bộ trưởng Parrikar cùng một phái đoàn lớn gồm đại diện các tập đoàn sản xuất vũ khí chủ lực của Ấn Độ đã đến thăm Việt Nam để củng cố và tăng cường mối quan hệ hợp tác quốc phòng giữa 2 nước.
Bên lề chuyến thăm, ông Parrikar nhấn mạnh: "Việc Ấn Độ giúp Việt Nam hiện đại hóa quân đội không chỉ tăng cường mối quan hệ ngoại giao và quân sự giữa 2 nước mà còn mở ra các cơ hội xuất khẩu chiến lược".
Ngư lôi hạng nặng Varunastra.
Không chỉ có kế hoạch bán tên lửa BrahMos cho Việt Nam, New Delhi còn bắt đầu thảo luận với Hà Nội khả năng cung cấp ngư lôi hạng nặng Varunastra 533mm do Tổ chức Nghiên cứu & Phát triển Quốc phòng (DRDO) của Ấn Độ chế tạo. Gần đây, loại ngư lôi này đã được trang bị cho Hải quân Ấn Độ (IN).
Varunastra sử dụng một loại ống phóng do Ấn Độ tự phát triển nhưng cũng có thể được điều chỉnh để triển khai từ các ống phóng lôi đang trang bị cho hạm đội tàu ngầm Ấn Độ, trong đó có các tàu ngầm lớp Kilo mua từ Nga.
Vì thế, ngoài tiềm năng trang bị trên tàu chiến mặt nước, ngư lôi Varunastra có cơ hội được Việt Nam lựa chọn cho các tàu ngầm lớp Kilo, nhất là khi xét tới việc Ấn Độ đang hỗ trợ Việt Nam đào tạo thủy thủ tàu ngầm.
Theo các thỏa thuận hợp tác quân sự và đào tạo với Việt Nam, Ấn Độ sẽ hỗ trợ Việt Nam duy trì và nâng cấp một số thiết bị quân sự mua từ Nga.
Cụ thể, ngành công nghiệp Ấn Độ mong muốn hợp tác với các công ty Việt Nam để tăng cường cung cấp cho quân đội các hệ thống vũ khí và cảm biến mà Việt Nam khó có khả năng đáp ứng tài chính nếu lựa chọn nguồn cung khác.
Tàu hộ vệ săn ngầm Petya II số hiệu HQ-13 của Hải quân Việt Nam
Chẳng hạn, theo các nguồn tin, Ấn Độ sẽ nâng cấp 2 tàu hộ vệ lớp Petya từ thời Xô Viết cho Việt Nam với các thiết bị mới như sonar, ống phóng ngư lôi, hệ thống kiểm soát hỏa lực, hệ thống phóng rocket chống ngầm.
Thật tình cờ, các tàu lớp Petya có thể dễ dàng lắp đặt các ống phóng lôi cỡ 533mm. Vì thế, theo Diplomat, có khả năng lớn Việt Nam sẽ mua ngư lôi Varunastra để phục vụ đợt nâng cấp này.
Một số hệ thống vũ khí Liên Xô khác mà Việt Nam có thể hợp tác với Ấn Độ để nâng cấp bao gồm: xe tăng chiến đấu chủ lực T-54/55 và xe chiến đấu bộ binh BMP. Chúng sẽ được thay thế thiết bị ngắm ảnh nhiệt và hệ thống điều khiển hỏa lực mới.
Ngoài ra, Việt Nam còn có thể mua thiết bị vô tuyến "thông minh" (có cấu trúc xác định bằng phần mềm - SDR) của Ấn Độ để nâng cấp các đơn vị bộ binh và thiết giáp.
Các chương trình hiện đại hóa cả vũ khí Nga và phương Tây đã mang lại cho ngành công nghiệp Ấn Độ kinh nghiệm quý báu trong lĩnh vực tích hợp các thiết bị có nguồn gốc khác nhau, để đáp ứng nhiều tiêu chuẩn.
Như vậy, ngoài dịch vụ cung cấp phụ tùng tiêu chuẩn và bảo dưỡng, kinh nghiệm này còn biến Ấn Độ trở thành nhà cung cấp các gói nâng cấp hệ thống cảm biến và hệ thống dẫn đường cho nhiều loại vũ khí đa nguồn gốc.
Khả năng của Ấn Độ trong lĩnh vực này đã được phản ánh ở mức tăng trưởng xuất khẩu.
Năm ngoái, New Delhi đã xuất khẩu các thiết bị điện tử hàng không cho máy bay chiến đấu Su-30MKM của Malaysia (tương tự phiên bản Su-30MKI của Ấn Độ) và 2 nước đã đồng ý thiết lập một "diễn đàn Su-30" vào tháng 11 năm ngoái để trao đổi thông tin về công tác huấn luyện, bảo dưỡng và hỗ trợ kỹ thuật.
Do Ấn Độ đã bắt đầu đào tạo phi công Su-30MK2 Việt Nam nên có thể nước này sẽ đạt được các thỏa thuận xuất khẩu tương tự với Việt Nam trong tương lai.
Tập đoàn Larsen & Toubro (L&T) của Ấn Độ dự kiến sẽ cung cấp cho Việt Nam 10 tàu tuần tra cao tốc (loại từng chế tạo cho Cảnh sát biển Ấn Độ) trị giá 90 triệu USD, nằm trong khuôn khổ gói tín dụng 100 triệu USD mà Ấn Độ dành cho Việt Nam để mua sắm các trang thiết bị quốc phòng quan trọng.
Trong chuyến thăm tới Việt Nam, Bộ trưởng Parrikar đã cam đoan rằng DRDO, các công ty quốc phòng tư nhân và nhà nước của Ấn Độ đều nắm rõ tinh thần "xuất khẩu trang thiết bị quốc phòng tới các quốc gia thân thiện với giá cả phải chăng".
Tên lửa Akash khai hỏa trong một cuộc thử nghiệm.
Cũng theo Diplomat, chính phủ Ấn Độ đang mong muốn thúc đẩy tiềm năng xuất khẩu của tên lửa đất-đối-không Akash với độ tin cậy cao. Những khách hàng tiềm năng của Akash bao gồm Việt Nam, các quốc gia ASEAN khác và một số nước ở châu Phi.
Trong số các quốc gia trên, có một nhóm đang trở thành khách hàng tiềm năng cho tên lửa đất-đối-đất Pragati với tầm bắn 150km. Đây là phiên bản xuất khẩu của tên lửa Prahaar trong biên chế Ấn Độ.
Tên lửa Pragati.
Một loại tên lửa khác đang được sản xuất và thúc đẩy xuất khẩu là tên lửa không-đối-không Astra, tương thích với các máy bay chiến đấu Su-27/30.
Cuối cùng, không thể không nhắc đến tên lửa hành trình siêu thanh BrahMos. Hiện có khoảng 15 quốc gia đang quan tâm đến mẫu tên lửa này. Ngoài Việt Nam, còn có Indonesia, UAE, Chile, Malaysia, Philippines, Nam Phi, Algeria, Hy Lạp, Thái Lan, Ai Cập, Singapore, Venezuela, Brazil và thậm chí cả Bulgaria.
Tuy nhiên, những hệ thống tên lửa như BrahMos sẽ chỉ được Ấn Độ cung cấp trên cơ sở cân bằng lợi ích. Việt Nam với vị trí chiến lược ở Biển Đông và mối quan hệ hợp tác lâu năm với Nga là một lựa chọn khả thi.
Ấn Độ còn có vẻ rất sáng suốt khi phát triển biến thể phóng trên không của BrahMos, bởi một khi đưa vào sản xuất, loại tên lửa này sẽ thu hút được nhiều sự quan tâm của các nước ASEAN đang vận hành dòng máy bay chiến đấu Su-27/30.