Ngày 19/1, tên lửa đạn đạo K-4 đã được phóng thành công từ vịnh Bengal ngoài khơi bờ biển Visakhapatnam và bay xa 2.200km. Đã trải qua nhiều thử nhiệm nhưng đây là lần đầu tiên lửa phóng được một khoảng cách xa như vậy.
Việc phóng thử thành công chính thức đánh dấu bước tiến trong việc phát triển bộ ba răn đe hạt nhân của Ấn Độ, đồng thời khẳng định New Delhi đã tạo ra được sức mạnh răn đe hạt nhân lớn và có khả năng tấn công đáp trả vào bất kỳ kẻ thù nào.
K-4 là một tên lửa đạn đạo tầm trung phóng từ tàu ngầm được phát triển bởi Tổ chức Nghiên cứu và Phát triển Quốc phòng Ấn Độ (DRDO), nhằm trang bị cho tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân đầu tiên của Ấn Độ- INS Arihant.
K-4 được phát triển trên nền tảng tên lửa đạn đạo tầm trung phóng trên đất liền Agni-II, được thử nghiệm lần đầu vào năm 2010. Quá trình thử nghiệm K-4 gặp nhiều khó khăn và đến nay nó vẫn chưa được trang bị chính thức cho tàu ngầm INS Arihant.
Hiện tại, tàu INS Arihant được trang bị 12 tên lửa đạn đạo K-15 có khả năng hạt nhân. Khi K-4 đi vào hoạt động, INS Arihant có thể sẽ mang theo 4 tên lửa đạn đạo loại này.
K-4 được mệnh danh là tên lửa đạn đạo mạnh nhất của Hải quân Ấn Độ có thể bắn từ tàu ngầm. Tên lửa đạn đạo K-4 có chiều dài 12m, nặng 17 tấn, có thể mang theo đầu đạn nặng hơn 2 tấn, tầm bắn tối đa khoảng 3.500 km.