Ấn Độ mạnh tay khi Trung Quốc ‘thất hứa’ trong giải quyết xung đột

Đức Trí |

Ấn Độ đang kết hợp nhiều biện pháp từ quân sự đến kinh tế để buộc Trung Quốc tuân thủ thỏa thuận rút quân khỏi khu vực xung đột đã đạt được giữa hai bên.

Ấn Độ đang kết hợp nhiều biện pháp từ quân sự đến kinh tế để buộc Trung Quốc tuân thủ thỏa thuận rút quân khỏi khu vực xung đột đã đạt được giữa hai bên.

Kể từ khi xảy ra cuộc xung đột biên giới Trung-Ấn tháng 6/2020, Ấn Độ đã tăng cường sự hiện diện quân sự ở khu vực biên giới phía tây giáp Trung Quốc.

Các thông tin mới nhất cho thấy, Chính phủ Ấn Độ dự định sẽ tiếp tục tăng quân dọc theo toàn bộ tuyến biên giới với Trung Quốc nhằm kiểm soát tình hình thực tế. Theo đó, Ấn Độ đang chuẩn bị tăng cường 35.000 binh sĩ đến biên giới Trung-Ấn.

Theo truyền thông Ấn Độ, việc Ấn Độ tăng cường lực lượng nhằm kiểm soát tình hình biên giới là do khả năng giải quyết vấn đề biên giới với Trung Quốc trong một khoảng thời gian ngắn là khó khả thi. Do đó, việc tăng cường quân tại biên giới không chỉ giải quyết việc chủ động trong nắm tình hình biên giới, mà còn làm giảm thiểu chi phí của các đợt điều quân theo tình huống.

Hiện nay, mặc dù cả Trung Quốc và Ấn Độ đều có động thái làm hạ nhiệt, song biên giới Trung - Ấn vẫn còn căng thẳng. Tờ Thời báo Ấn Độ dẫn nguồn tin quân sự cho biết, tình hình thực địa vẫn chưa có tiến triển tích cực.

Căng thẳng tại khu vực hồ Pangong và Gaugla vẫn chưa được giải quyết. Còn người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Ấn Độ Srivastava cho biết, hai bên vẫn đang trong quá trình rút lực lượng và đàm phán để tiến hành các bước tiếp theo.

Ngày 2/8, hai bên đã tổ chức đàm phán cấp Tư lệnh Quân đoàn lần thứ 5 nhằm thảo luận các biện pháp tiếp theo để hạ nhiệt căng thẳng biên giới. Cuộc đàm phán được tiến hành tại khu vực Moldo do Trung Quốc kiểm soát ở gần đường Ranh giới thực tế (LAC).

Đây cũng là địa điểm diễn ra các cuộc đàm phán vòng 1 và 2. Các báo cáo cho biết, phía Ấn Độ sẽ tập trung vào việc quân đội Trung Quốc rút hoàn toàn khỏi hồ Pangong và khu vực Depsang ở Ladakh dọc theo LAC.

Trung Quốc được cho là đã không tuân thủ lộ trình rút lui hoàn toàn mà hai bên đã đạt được trong cuộc họp cấp Tư lệnh Quân đoàn hôm 14/7. Lính Trung Quốc đã không chịu thoái lui. Phía Ấn Độ cáo buộc binh sĩ Trung Quốc có động thái rút lui nhưng sau đó quay trở lại, vì vậy cần có sự kiểm chứng liên tục.

Tại khu vực Hot Springs, binh sĩ hai bên chỉ cách nhau khoảng 600-800m trong khi ở các địa điểm khác như Thung lũng Galwan (điểm tuần tra 14) và điểm tuần tra 15 khoảng cách này lần lượt là 3 và 8 km.

Ông B K Sharma, giám đốc Tổ chức tư vấn The United Service Institution of India, nhận định, việc Ấn Độ tăng cường thêm quân đến khu vực tranh chấp với Trung Quốc là điều dễ hiểu.

Trung Quốc đã không tuân thủ lộ trình rút quân ở đây, quan trọng nhất là "bản chất của Đường kiểm soát thực tế (LAC), ít nhất tại vùng Ladakh, đã thay đổi mãi mãi. Lực lượng bổ sung của cả hai phía sẽ không rút đi, trừ phi các cấp chính quyền cao hơn có các tiếp cận khác".

Ngoài việc tăng cường thêm hàng chục nghìn quân đến khu vực biên giới, Ấn Độ cũng bổ sung thêm máy bay chiến đấu hiện đại để nâng cao khả năng răn đe Trung Quốc ở khu vực này, để tạo “thế” trong các vòng đàm phán tiếp theo.

Theo báo cáo của truyền thông Ấn Độ, ngày 29/07, 5 chiếc đầu tiên trong số 36 chiếc tiêm kích Rafale hiện đại mà Ấn Độ đặt mua của Pháp đã đến căn cứ mới là Ambala, thuộc bang Haryana. Đây là một căn cứ không quân chỉ cách biên giới giữa Ấn Độ với Trung Quốc và Pakistan vài trăm cây số.

Tại lễ tiếp nhận máy bay, Bộ trưởng Quốc Phòng Ấn Độ Rajnath Singh đã đưa ra lời cảnh báo, được cho là nhằm vào Trung Quốc. Trong một tin nhắn Twitter, ông Singh nhấn mạnh, máy bay Rafale là sự kiện đánh đấu sự “bắt đầu của một thời đại mới” trong lịch sử quân sự Ấn Độ.

Những chiếc máy bay này “sẽ tăng thêm sức mạnh cho Không Quân Ấn để đối phó với bất kỳ mối đe dọa nào”. Ông còn nói thêm là: “Nếu có người lo lắng hay chỉ trích về năng lực mới của Không Quân Ấn, thì đó chỉ là những kẻ muốn đe dọa sự toàn vẹn lãnh thổ của chúng ta”.

Cùng với việc tăng cường binh lực, Ấn Độ cũng sử dụng “con bài” kinh tế để buộc Trung Quốc tuân thủ những thỏa thuận đã đạt được với New Delhi. Theo truyền thông Ấn Độ, Chính phủ Ấn Độ hôm 30/7 tuyên bố tăng cường chế tài đối với một số mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc như vật liệu kỹ thuật, năng lượng mặt trời, nguyên liệu hóa học thô....

Cơ quan thuế vụ Ấn Độ cũng tuyên bố gia hạn việc áp thuế thêm một năm đối với mặt hàng pin mặt trời và các tấm pin mặt trời được nhập khẩu từ Trung Quốc và Malaysia.

Ngoài ra, để khuyến khích sự phát triển của các nhà sản xuất tivi màu của Ấn Độ và giảm sự phụ thuộc vào hàng nhập khẩu của Trung Quốc, Bộ Ngoại thương Ấn Độ tuyên bố sẽ điều chỉnh mặt hàng tivi màu từ danh mục "nhập khẩu miễn phí" sang "nhập khẩu hạn chế".

Theo thông tin từ một doanh nghiệp Ấn Độ có vốn đầu tư Trung Quốc, kể từ cuối tháng 6/2020 đến nay, Ấn Độ đã liên tiếp đưa ra các quy định mới và các biện pháp mang tính rào cản trong đó có biện pháp hạn chế đối với đầu tư trực tiếp của Trung Quốc, điều này đã tạo ra nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp do Trung Quốc đầu tư ở Ấn Độ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại