Tàu nghiên cứu quân sự Viễn Vọng 5 (Yuan Wang 5) của Trung Quốc cập cảng Hambantota, Sri Lanka - Ảnh: GUARDIAN
Theo báo Guardian, cáo buộc trên là một phần trong tuyên bố do cao ủy Ấn Độ tại Sri Lanka đưa ra hôm 28-8. Đây là lần đầu tiên Chính phủ Ấn Độ có bình luận như vậy về tình hình trên eo biển Đài Loan.
Giới quan sát cũng nhận định đó là sự can thiệp hiếm hoi của Ấn Độ vào vấn đề trên, trong khi quốc gia Nam Á này cũng đang có những tranh chấp riêng về biên giới với Trung Quốc.
Đầu tháng 8 này, tàu nghiên cứu quân sự Viễn Vọng 5 (Yuan Wang 5) của Trung Quốc đã cập cảng Hambantota của Sri Lanka trong vòng một tuần.
Các nhà phân tích cho rằng tàu Viễn Vọng 5 nằm trong số các tàu do quân đội Trung Quốc điều hành để giám sát các vụ phóng vệ tinh, tên lửa và tên lửa đạn đạo xuyên lục địa.
Việc cập cảng của tàu Viễn Vọng 5 đã bị trì hoãn trong vài ngày sau khi vấp phải sự phản đối từ Ấn Độ. New Delhi lo ngại Bắc Kinh có ý định sử dụng cảng Hambantota làm căn cứ quân sự.
Đáp lại, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết Viễn Vọng 5 đang tiến hành nhiệm vụ nghiên cứu hàng hải, phù hợp với luật pháp và thông lệ quốc tế. Phía Trung Quốc cũng khẳng định con tàu sẽ không ảnh hưởng đến "an ninh và lợi ích kinh tế của bất kỳ quốc gia nào".
Viễn Vọng 5 cập cảng Hambantota chỉ một tuần sau khi Trung Quốc hoàn thành các cuộc tập trận quân sự quy mô lớn xung quanh Đài Loan, đáp lại chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi.
Trung Quốc luôn xem Đài Loan là một phần lãnh thổ không thể tách rời.
Vào thời điểm đó, giới quan sát nhận định Chính phủ Ấn Độ chỉ đưa ra những tuyên bố mơ hồ rằng họ "lo ngại về những diễn biến gần đây".
Theo Guardian, sau khi Viễn Vọng 5 đã rời Hambantota, Đại sứ quán của Trung Quốc tại Sri Lanka đã cáo buộc Ấn Độ sử dụng các mối quan ngại về an ninh để "can thiệp triệt để vào chủ quyền và độc lập của Sri Lanka".
Hôm 27-8, văn phòng Cao ủy của Ấn Độ tại Colombo tuyên bố Sri Lanka "cần nhận được sự hỗ trợ, không phải áp lực không mong muốn hoặc những tranh cãi không cần thiết để phục vụ chương trình nghị sự của quốc gia khác".
Cơ quan này cũng nhắc đến các "chương trình nghị sự theo hướng nợ nần" mà Guardian đánh giá là đang đề cập đến cảng Hambantota do Trung Quốc tài trợ.