Kiềm chế giá điện ở Pháp
Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire hôm 27/8 cam kết sẽ giữ tiền điện trong tầm kiểm soát cho người tiêu dùng khi giá năng lượng tại châu Âu tăng cao.
Theo đó, Paris đã đưa ra mức trần giá năng lượng để bảo vệ các hộ gia đình cho đến ngày 31/12 và ông Bruno Le Maire nói rằng trong năm tới, mức tăng dự kiến sẽ được "kiềm chế".
"Mức trần 4% sẽ được duy trì cho đến cuối năm", ông nói trong một hội nghị của liên minh cầm quyền ở thành phố Metz, miền Đông nước này.
Ông tuyên bố: "Sẽ không có việc liên tục tăng giá trần vào năm 2023" sau khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cảnh báo về việc tăng giá năng lượng.
Ông Le Maire cũng cho biết việc tiếp cận quỹ trị giá 3 tỷ euro dành cho các doanh nghiệp không thể thanh toán các hóa đơn năng lượng sẽ dễ dàng hơn.
Giá điện ở châu Âu đã tăng lên mức kỷ lục mới trong tuần này, dự báo một mùa đông khắc nghiệt khi động thái của Nga tiếp tục ảnh hưởng không nhỏ tới kinh tế các nước châu Âu.
Pháp còn gặp nhiều vấn đề khác về năng lượng. Tại đây, năng lượng hạt nhân đang được sử dụng để đáp ứng khoảng 70% nhu cầu điện của cả nước.
Việc một số lò phản ứng hạt nhân ngừng hoạt động do vấn đề ăn mòn đã góp phần làm tăng giá điện của Pháp. Từ một nước xuất khẩu điện, Pháp hiện tại lại là nước nhập khẩu điện.
Hợp đồng trước một năm đối với điện của Pháp vào ngày 26/8 đã tăng lên 1.100 euro (1.096 USD) mỗi megawatt giờ (MWh), tăng hơn mười lần so với năm ngoái.
Tại Anh, cơ quan quản lý năng lượng Ofgem cho biết họ sẽ tăng trần giá điện và khí đốt lên gần gấp đôi kể từ ngày 1/10 lên mức trung bình 3.549 bảng Anh (4.197 USD) mỗi năm.
Ofgem cho biết giá khí đốt bán buôn toàn cầu tăng vọt là do các nước dỡ bỏ các lệnh phong tỏa Covid cũng như do Nga siết chặt nguồn cung.
Giá năng lượng đã tăng vọt ở châu Âu do Nga cắt giảm nguồn cung khí đốt tự nhiên, với lo ngại về việc cắt giảm mạnh hơn trước mắt trong bối cảnh căng thẳng giữa Moscow và phương Tây gia tăng.
1/5 lượng điện của châu Âu được tạo ra bởi các nhà máy điện chạy bằng khí đốt, do đó nguồn cung giảm chắc chắn dẫn đến giá cao hơn.
Giá khí đốt của châu Âu hôm 27/8 đạt 341 euro/MWh, gần mức cao nhất mọi thời đại là 345 euro hồi tháng 3.
Trong khi đó, theo BBC, Nga đang đốt một lượng lớn khí đốt tự nhiên mà lẽ ra sẽ được chuyển đến Đức.
Một nhà máy gần St Petersburg đang thải ra lượng khí đốt ước tính 10 triệu USD mỗi ngày, BBC cho biết hôm 27/8, trích dẫn phân tích từ Rystad Energy. Lượng khí này trước đây đã được xuất khẩu sang Đức thông qua đường ống Nord Stream 1.
Tuy nhiên, Moscow đã cắt giảm dòng khí đốt đến châu Âu, cắt giảm công suất của Nord Stream 1 xuống còn 20% vào tháng 7. Nga được cho là có kế hoạch đóng cửa hoàn toàn đường ống trong 3 ngày để bảo trì ngoài kế hoạch bắt đầu từ ngày 31/8 tới.