Theo đó, kể từ tháng 8 vừa qua, các lực lượng vũ trang Ấn Độ đóng quân dọc tuyến biên giới dài 4.000km giữa Ấn Độ và Trung Quốc được lệnh duy trì tình trạng sẵn sàng chiến đấu cao, ít nhất cho tới hết mùa đông năm nay nhằm ứng phó kịp thời với những động thái phiêu lưu quân sự (nếu có) từ phía bên kia trên cao nguyên Doklam.
Bắc Kinh đã phát đi thông điệp tức giận trong đó có nhắc tới cuộc chiến Trung - Ấn năm 1962. Việc duy trì tình trạng sẵn sàng chiến đấu cao thậm chí còn được Lục quân Ấn Độ siết chặt, kéo dài hơn, và được xác nhận bởi các nguồn tin thân cận nhất của tờ India Today.
Các nguồn tin này cho biết, "lệnh báo động chiến đấu" được đã kéo dài "tới chừng nào có quyết định mới". Binh sĩ Trung Quốc và Ấn Độ hiện vẫn mặt đối mặt ở cao nguyên Doklam từ hơn 2 tháng rưỡi qua. Sự dè chừng giữa hai bên đã được hạ nhiệt khi có sự can thiệp của những quan chức cấp cao nhất cả từ Delhi lẫn Bắc Kinh.
Binh sĩ Trung Quốc và Ấn Độ ở cao nguyên Doklam.
Trong khi cả hai phía triệt thoái, ngừng chĩa hỏa lực vào nhau, nhưng thực tế, chẳng bên nào rút lui hoàn toàn. Binh sĩ Ấn Độ lùi 600m từ vị trí sẵn sàng chiến đấu trước đó, còn binh sĩ Trung Quốc cũng lùi vài trăm mét. Mặc dù vậy, vẫn có khoảng 500 lính Trung Quốc vẫn duy trì ở đây, phần còn lại đã triệt thoái về các căn cứ Yatung và Kumba Zong ở Tây Tạng.
Tuy nhiên, tình hình đã được hạ nhiệt cả ở Bắc Kinh và New Delhi. Nhưng, nguy cơ bùng phát xung đột vẫn có thể xảy ra. "Trên mặt đất, cả hai phía vẫn đang theo dõi sát sao từng động thái của nhau, và chẳng có gì sai nếu duy trì sự cảnh giác cao độ", một nguồn tin cấp cao nói với India Today.
Lệnh báo động sẵn sàng chiến đấu cao của Lục quân Ấn Độ được hiểu bao gồm những vấn đề sau:
- Không giảm quân số kể cả ở những vị trí xa và khó khăn nhất dọc toàn tuyến biên giới.
- Các binh sĩ phải được huấn luyện thích nghi với môi trường tác chiến ở độ cao lớn .
- Mọi vũ khí trang bị phải ở tình trạng đảm bảo hệ số kỹ thuật và tăng cường thêm lính cho các vị trí đóng quân có nguy cơ bị tấn công cao.