Chia sẻ trên The Medical News Today, Valerie Stull -Tiến sỹ tại Đại học Wisconsi-Madison thuộc Viện nghiên cứu môi trường Nelson, Mỹ vẫn còn nhớ y nguyên về kỷ niệm năm 12 tuổi lần đầu tiên ăn côn trùng.
Giờ đây khi đã là một tiến sỹ, Valerie Stull vừa thực hiện một nghiên cứu về tác dụng của côn trùng nói chung và loài dế nói riêng với hệ vi sinh trong đường ruột của con người. Mới đây, nghiên cứu trên của Valerie Stull đã được đăng tải trên tạp chí Scientific Report.
Hơn 2 tỷ người trên thế giới thường xuyên tiêu thụ côn trùng – một nguồn cung cấp protein, vitamin, khoáng chất và chất béo khá tốt cho con người.
Đồng tác giả, giáo sư chuyên về khoa học thực phẩm và dinh dưỡng tại Đại học bang Colorado Tiffany Weir chia sẻ: "Nghiên cứu này rất quan trọng vì côn trùng đại diện cho một thành phần mới trong khẩu phần ăn của người phương Tây và tác dụng của côn trùng với sức khỏe của loài người vẫn chưa được khám phá hết.
Điều quan trọng là tìm ra một loại thực có thể đem lại nhiều lợi ích về dinh dưỡng cho đường ruột".
Dế cung cấp nguồn protein đáng kể cho cơ thể và giúp cải thiện đường ruột Ảnh: Internet
Nhất là ở phương Tây, nuôi côn trùng để làm nguồn cung cấp protein không chỉ giúp bảo vệ môi trường mà còn cung cấp một lựa chọn thực phẩm lành mạnh hơn thịt.
Chẳng hạn như dế, loài côn trùng này có chứa chất xơ, chẳng hạn như chitin (kitin). Loại chất xơ này rất khác so với trái cây và rau quả.
Chất xơ đóng vai trò như một nguồn thực phẩm nuôi dưỡng hệ vi sinh đường ruột, thậm chí một số loại chất xơ ví dụ như prebiotics còn thúc đẩy sự phát triển của vi khuẩn có lợi.
Ăn dế giúp thúc đẩy các enzym có lợi trong đường tiêu hóa
Để tìm hiểu tác động của chitin với hệ vi khuẩn đường ruột, nhóm nghiên cứu đã thực hiện một thử nghiệm nhỏ kéo dài 6 tuần trên 20 người đàn ông và phụ nữ khỏe mạnh trong độ tuổi từ 18-48.
Hai tuần đầu, 10 người sẽ ăn thực đơn có chứa 25 gram bột dế trộn vào trong bánh nướng và 10 người sẽ ăn theo một thực đơn định sẵn. Trong hai tuần kế tiếp, họ ăn theo chế độ bình thường.
Trong hai tuần cuối cùng, những người có thực đơn ăn với bột dế ban đầu sẽ được chuyển sang khẩu phần ăn khác. Nhóm còn lại sẽ tiếp tục ăn sáng với khẩu phần ăn có bột dế.
Trước đó, nhóm nghiên cứu sẽ thu thập mẫu máu, phân và câu trả lời từ bảng câu hỏi liên quan đến hệ tiêu hóa trong cả ba giai đoạn gồm trước khi bắt đầu, giai đoạn 2 tuần đầu tiên và 2 tuần cuối cùng.
Nhóm nghiên cứu không thấy sự thay đổi hoặc tác dụng phụ nào trong hệ tiêu hóa của người tham gia ăn thực đơn có loài dế. Ngoài ra cũng không có dấu hiệu thay đổi về thành phần vi khuẩn đường ruột.
Tuy nhiên, họ phát hiện thấy lượng enzyme trao đổi chất có lợi cho đường ruột ví dụ nhưBifidobacterium animalis đã gia tăng đáng kể và TNF-alpha, một polypeptid gây viêm mãn và có liên quan đến chứng trầm cảm, ung thư đã suy giảm.
Mặc dù vậy theo các nhà nghiên cứu, họ cần có thêm nhiều công trình hơn để xác định thành phần nào trong thịt dế có thể giúp cải thiện sức khỏe đường ruột.
Tác giả của nghiên cứu này tin rằng phát hiện mới sẽ mở ra cơ hội phát triển nguồn dinh dưỡng mới bền vững hơn cho con người.