Masakatsu Nishikawa, 61 tuổi, bị kết tội sát hại 4 phụ nữ 25 năm trước. Koichi Sumida, tù nhân thứ hai chịu án tử cùng ngày13-7 vừa qua, bị kết tội giết đồng nghiệp cũ.
Với Nishikawa và Sumida, án tử là điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, những người phản đối cho rằng án tử không hiện thân cho công lý.
"Những vụ hành quyết này cho thấy chính phủ Nhật Bản đã xem nhẹ quyền được sống. Án tử là một hình phạt độc ác và vô nhân đạo" - Hiroka Shoji, nhà nghiên cứu Đông Nam Á tại Tổ chức Ân xá Quốc tế Amnesty, khẳng định.
Masakatsu Nishikawa bị xử tử vào ngày 13-7 sau hàng thập kỷ chờ thi hành án. Ảnh: The Mirror
Tử tù Nhật Bản bị biệt giam và chỉ được phép tập thể dục 2 lần/tuần. Gia đình của họ cũng bị hạn chế thăm nuôi. Thông thường, thời gian chờ thi hành án của tử tù là ít nhất 5 năm.
Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp như Nishikawa, phải chờ đợi hàng thập kỷ mà không hề biết án tử được thi hành khi nào.
Tử tù chỉ được thông báo vài giờ đồng hồ trước khi thi hành án. Sau đó, họ được cho ăn bữa ăn cuối cùng nhưng không được phép nói lời tạm biệt gia đình.
Một buồng giam tử tù bên trong nhà tù Osaka. Ảnh: The Asahi Shimbun
Trong một báo cáo công bố vào năm 2008, Tổ chức Ân xá Quốc tế Amnesty khẳng định không ít tù nhân Nhật Bản hóa điên vì hình phạt "tàn độc và vô nhân đạo".
Ủy ban Chống tra tấn Liên Hiệp Quốc chỉ trích cách thức thi hành án tử của Nhật Bản và những căng thẳng tâm lý mà tử tù và gia đình của họ phải hứng chịu.
Nhật Bản và Mỹ là 2 thành viên duy nhất của G8 – nhóm 8 quốc gia công nghiệp hàng đầu thế giới – duy trì án tử.
Tử tù bị biệt giam trong thời gian chờ thi hành án. Ảnh: The Asahi Shimbun
Hủy bỏ án tử tại Nhật Bản không phải là chuyện dễ vì nó vẫn nhận được sự ủng hộ của hầu hết người dân nơi đây. Nhật Bản không thực thi án tù chung thân nên các tù nhân giết người chỉ đối mặt với án tù giam nhiều năm hoặc án tử.
Năm 2010, trong một động thái gây bất ngờ, giới chức trách Nhật Bản cho phép truyền thông thăm nhà tù Tokyo. Loạt ảnh được truyền thông công bố sau đó cho thấy các phòng giam nơi đây khiến người ta liên tưởng đến khách sạn hạng sang với thảm dày, sàn gỗ tuyết tùng cùng độ sáng vừa phải.
Khu thi hành án tử của nhà tù Osaka. Ảnh: The Asahi Shimbun
Tuy nhiên, mọi nội thất sang trọng đều không thể che đi sự tàn bạo bên trong buồng treo cổ tử tù. Một ô vuông màu đỏ đánh dấu điểm đứng của tử tù với dây thừng quấn quanh cổ.
Khi án tử được thi hành, 3 "đao phủ" sẽ đồng loạt ấn 3 nút khác nhau. Cũng giống hình thức xử bắn, động thái nêu trên là để không "đao phủ" nào biết ai đã thực sự ấn "nút chết chóc". Mặt sàn sau đó mở ra và tù nhân sẽ chết trong tích tắc.
Buồng treo cổ tử tù của nhà tù Tokyo. Ảnh: AP
"Khi nút được ấn, mặt sàn dưới giá treo cổ mở ra và tù nhân sẽ rơi qua một cái hố hình vuông màu đỏ. Dây thừng quấn quanh cổ tử tù sẽ thắt lại và anh ta ngưng giãy giụa" – nhà báo người Mỹ Charles Lane tiết lộ.
Ông Masahiko Fujita, một cựu "đao phủ" trong những năm 1970 tại nhà tù Osaka, cho biết ngay khi bác sĩ xác nhận tù nhân đã chết, dây thừng sẽ được nới lỏng và xác tù nhân sẽ được đặt vào một quan tài.
Quá trình thi hành án tử diễn ra dưới sự chứng kiến của các quan chức và đôi khi, các công tố viên được yêu cầu đến làm nhân chứng.
Ô vuông màu đỏ là vị trí đứng của tử tù. Ảnh: AP
Ảnh: Japan Times