Ai sống lâu hay không, xem cách đi vệ sinh sẽ rõ: Người trường thọ đi WC sẽ có 3 đặc điểm này

Nguyên An |

Những thói quen sinh hoạt hàng ngày phản ánh nhiều điều về tình hình sức khỏe của bạn.

Không chỉ thói quen ăn uống, tập luyện thể thao cho chúng ta biết về tình trạng sức khỏe của bản thân, việc bài tiết cũng vậy. Nhiều chi tiết chúng ta thường bỏ qua khi đi vệ sinh thực ra có ý nghĩa rất lớn, liên quan chặt chẽ đến tình trạng thể chất và nói lên tuổi thọ của một người. Nhiều nghiên cứu đã cho thấy, những người có tuổi thọ cao thường có 3 đặc điểm này khi đi vệ sinh:

Tần suất đều đặn

Theo nghiên cứu được các nhà nghiên cứu tại Đại học Washington thực hiện, từng công bố trên tạp chí Cell Reporting Medicine, tần suất đại tiện sẽ có tác động đáng kể đến sinh lý và sức khỏe lâu dài của chúng ta. Mỗi ngày đi đại tiện 1 - 2 lần được xem là mang lại hiệu quả tốt nhất.

Nghiên cứu đã khảo sát hơn 1.400 người trưởng thành khỏe mạnh và thu thập từ họ các thành phần hóa học trong máu, hệ vi sinh vật đường ruột, di truyền cùng các dữ liệu khác. Những người tham gia nghiên cứu được chia thành 4 nhóm theo số lần đi đại tiện trong thời gian gần nhất: táo bón (1 - 2 lần mỗi tuần), nhóm bình thường thấp (3 - 6 lần mỗi tuần), nhóm bình thường cao (1 - 3 lần mỗi ngày) và nhóm tiêu chảy.

Qua phân tích, người ta nhận thấy ở các đối tượng thuộc nhóm táo bón, do chất thải tồn tại lâu trong ruột nên vi sinh vật làm cạn kiệt chất xơ sẵn có và protein lên men, sản sinh ra các độc tố như indole sulfate và cresol sulfate. Trong số các đối tượng bị tiêu chảy, tình trạng viêm và tổn thương gan là phổ biến. Còn ở những đối tượng đi tiêu 1 - 2 lần một ngày, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy vi khuẩn đường ruột lên men chất xơ có lợi cho sức khỏe.

Bác sĩ Từ Chí Khiết, Phó trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện số 3 Đại học Bắc Kinh, Trung Quốc, cho biết, việc đại tiện 2 - 3 ngày một lần hoặc 1 - 3 lần một ngày đều được cho là bình thường. Bác sĩ Trịnh Lệ Hoa, trưởng khoa Hậu môn trực tràng của Bệnh viện Hữu nghị Trung Nhật, cũng tin rằng mỗi ngày đại tiện 1 - 2 lần là trạng thái tương đối lý tưởng và không đi tiêu quá 3 lần một ngày vẫn là trạng thái chấp nhận được.

 - Ảnh 1.

Tình trạng chất bài tiết bình thường

Theo Dương Lệ Hoa, bác sĩ chuyên khoa gan mật của Bệnh viện Nhân dân Hồ Bắc, Trung Quốc, màu phân bình thường sẽ có màu nâu hoặc vàng nâu. Nếu phát hiện chất thải đổi màu rất trắng như đất sét thì đó rất có thể là dấu hiệu của việc bài tiết mật kém và cũng chính là một triệu chứng quan trọng của các bệnh về gan mật, đặc biệt là xơ gan. Khi xơ gan gây tổn thương nghiêm trọng đến chức năng gan, việc bài tiết mật sẽ bị ảnh hưởng, dẫn đến chất thải ngày càng nhạt màu, từ từ chuyển sang màu trắng.

Ngoài ra, bạn cũng cần chú ý nếu thường xuyên gặp tình trạng đi ngoài chất thải khô, cứng hoặc chảy nước. Ví dụ như những người đi du lịch hay thường xuyên thay đổi địa điểm, sẽ dễ mắc các vấn đề về sức khỏe đường ruột do rối loạn ăn uống. Các vấn đề về hệ tiêu hóa lâu dài thường liên quan đến các bệnh mãn tính như ung thư ruột kết, những bệnh này cũng gây ảnh hưởng trực tiếp đến tuổi thọ của chúng ta.

Bên cạnh đó, màu nước tiểu cũng là điều cần đặc biệt chú ý. Nước tiểu trong trạng thái sức khỏe bình thường sẽ có màu vàng nhạt. Còn khi nước tiểu chuyển sang màu giống như nước trà đậm, tình trạng sẫm màu trong thời gian dài thì rất có thể là dấu hiệu một người gặp vấn đề về gan.

 - Ảnh 2.

Không gặp khó khăn khi đi vệ sinh

Những người có tình trạng sức khoẻ tốt, đường ruột hoạt động bình thường khi đi vệ sinh cũng sẽ nhẹ nhàng và nhanh chóng hơn. Sự gắng sức trong quá trình đại tiện có thể phản ánh những tình trạng nhất định của cơ thể và cần được chú ý để cải thiện.

Nếu cảm thấy bản thân thường xuyên bị táo bón, khó khăn trong việc đi đại tiện, đồng nghĩa với việc bạn đang không nhận đủ chất xơ trong chế độ ăn uống hoặc có thể cơ thể không được cung cấp đủ nước.

Những người có thói quen bỏ bê ăn uống hay quên uống nước vì quá bận rộn trong thời gian dài, về lâu dài sẽ dễ bị táo bón, trải nghiệm đi vệ sinh không tốt này có thể là dấu hiệu cảnh báo sớm về các vấn đề sức khỏe. 

Vì vậy, các bác sĩ cũng đưa ra lời khuyên thay đổi thói quen hàng ngày để cải thiện tình trạng này. Mọi người cần điều chỉnh chế độ ăn uống, tăng lượng chất xơ là một phần rất quan trọng trong việc điều hòa đường ruột. Chất xơ giúp hình thành phân mềm trong ruột, giúp nhu động ruột diễn ra suôn sẻ hơn. Điều quan trọng là phải giữ đủ nước vì nước có thể giúp làm mềm phân, giảm ma sát và áp lực trong quá trình đi tiêu.

(Tổng hợp)

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại