Theo bác sĩ Phạm Minh Ngọc, chuyên khoa nam học, Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, ngay từ thời La Mã người ta dùng từ Penis Captivus để chỉ dương vật bị mắc kẹt. Trong lịch sử y khoa cũng đã ghi nhận nhiều trường hợp như vậy.
"Dưới góc nhìn y học hiện đại, tình trạng này gọi là co thắt âm đạo và theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) được xếp vào nhóm rối loạn đau tình dục - rối loạn thâm nhập (HA20: Sexual pain-penetration disorder).
Nguyên nhân của bệnh co thắt âm đạo có thể do tâm lý, nhiều người lo sợ âm đạo rất bé, sợ đau khi quan hệ tình dục. Một số khác đến từ việc ám ảnh quá khứ bị lạm dụng tình dục, cưỡng bức hoặc chứng kiến cảnh lạm dụng tình dục.
Ngoài ra còn có nguyên nhân do viêm nhiễm, giảm nội tiết dẫn đến đau khi quan hệ, căng cơ/ tăng trương lực cơ quá mức vùng chậu cũng có nguy cơ gây ra tình trạng này", bác sĩ Ngọc thông tin.
Bác sĩ Ngọc cho biết biểu hiện tình trạng này là xuất hiện phản xạ co thắt của nhóm cơ đi từ xương mu đến xương cụt, khiến cho các cơ ở âm đạo trở nên căng cứng đột ngột, không dung nạp.
Người bệnh không tạo ra sự co thắt một cách có ý thức, quan hệ tình dục cũng rất đau hoặc không thể thực hiện được.
"Khi đã phát hiện bị co thắt âm đạo, việc cần làm là khai thác tiền sử tình dục, khám tìm nguyên nhân và đưa ra hướng điều trị. Có nhiều cách điều trị bệnh, chủ yếu là tâm lý liệu pháp kết hợp với vật lý trị liệu. Bên cạnh đó, một số khác cần dùng thuốc (hormone, thuốc tê, corticoid, botulimum A).
Các phương pháp điều trị như phẫu thuật, laser CO2, sóng âm đang được thử nghiệm và cần nghiên cứu thêm", bác sĩ Ngọc cho hay.