ABC: Bộ Tư pháp Mỹ lâm vào thế bí khi bảo vệ sắc lệnh nhập cư vì Trump hay lên Twitter

Hải Võ |

Tổng thống Donald Trump đã có những phản ứng gay gắt trên Twitter nhằm vào các tòa án ra phán quyết "cản trở" việc thi hành sắc lệnh nhập cư của ông.

ABC News cho rằng phong cách khác biệt của Trump đang gây phức tạp thêm cho nỗ lực của các luật sư thuộc Bộ Tư pháp Mỹ, cơ quan được trao nhiệm vụ bảo vệ sắc lệnh hạn chế nhập cư trước tòa án.

Các luật sư liên bang, thường có khuynh hướng phát biểu thông qua các phương tiện pháp lý thay vì lên tiếng trên truyền thông, thì nay có khả năng bị yêu cầu lý giải nhiều lần về những tuyên bố công khai của Tổng thống Trump, bao gồm những bình luận đối lập, thậm chí tác động tiêu cực đến luận điểm biện hộ của họ trên tòa.

Eric Posner, giáo sư luật thuộc Đại học Chicago, đánh giá "Đây là thực tế đáng ngạc nhiên về những phát ngôn của Trump và cách ông sử dụng Twitter: Ông nói đủ thứ có thể hạ thấp lập trường của chính phủ trong các vụ kiện tụng."

Theo Posner, những người không ủng hộ chính quyền Trump sẽ chia sẻ các tweet của ông để gây sự chú ý của tòa.

"Và tòa án sẽ quan tâm đến họ," Posner nói. Vụ kiện vừa qua giữa chính quyền Trump và hai bang Washington, Minnesota về việc đình chỉ thi hành sắc lệnh nhập cư là một điển hình.

Trong khi các luật sư của Bộ Tư pháp tìm cách thuyết phục Tòa phúc thẩm liên bang khu vực số 9 rằng chính sách của Tổng thống không chịu ảnh hưởng bởi thành kiến về tôn giáo, thì Trump bất ngờ xuất hiện trong cuộc phỏng vấn với CBN News (Mỹ) nói rằng ông muốn ưu tiên những người tị nạn theo đạo Cơ Đốc.

"Chúng ta phải giúp họ," Trump nói. "Họ đã bị đối xử rất tệ".

Theo ABC, bình luận trên được cho là đã khiến bà Sally Yates, cựu quyền Bộ trưởng Tư pháp bị Trump sa thải do từ chối ủng hộ lệnh nhập cư, tin rằng sắc lệnh của Tổng thống nhằm gây bất lợi cho người Hồi giáo.

Các luật sư đại diện cho bang Washington và Minnesota cũng trích dẫn lời Trump về người tị nạn theo đạo Cơ Đốc trong hồ sơ trình tòa, đồng thời nhấn mạnh ông từng cam kết khi tranh cử rằng sẽ chặn người Hồi giáo vào Mỹ.

Trong phán quyết hôm 9/2 bác yêu cầu khôi phục thi hành sắc lệnh nhập cư, Tòa phúc thẩm nhất trí rằng các tuyên bố được đưa ra bên ngoài tòa án cũng được họ xem xét một cách công bằng.

"Nếu Tổng thống nói 'x' thì rất khó để các luật sư của ông lập luận ngược lại và nói rằng 'không phải x'," Andrew Schilling - cựu trưởng bộ phận dân sự thuộc Văn phòng công tố Mỹ ở Manhattan, New York - cho biết.

Cũng giống như các luật sư bào chữa hình sự thường tư vấn khách hàng của mình giữ im lặng bởi lo ngại các phát biểu công khai có thể được sử dụng để chống lại chính họ - Schilling so sánh - "và điều đó cũng không khác hơn khi khách hàng của anh là Tổng thống Mỹ".

Hồi tuần trước, Trump mô tả thẩm phán James Robart của bang Washington - người ra phán quyết ban đầu về đình chỉ thi hành sắc lệnh nhập cư - bằng cụm từ "cái gọi là thẩm phán", sau đó ông viết trên Twitter "Không thể tin nổi một thẩm phán lại đặt đất nước vào sự nguy hiểm như vậy. Hãy đổ lỗi cho ông ta (Robart-ND) và hệ thống tòa án nếu có chuyện gì xảy ra".

Thái độ của Tổng thống có phần kiềm chế hơn vào sáng thứ Sáu (10/2, giờ địa phương), khi nói ông "không nghi ngờ gì" về thắng lợi cuối cùng ở tòa án. Cùng ngày, Trump nói với báo chí rằng ông cân nhắc ký "một sắc lệnh hoàn toàn mới" về vấn đề nhập cư.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại