Ba Lan có kế hoạch hoàn thành việc xây dựng căn cứ phòng thủ tên lửa của Mỹ vào cuối năm 2023.
Cơ sở tại Redzikovo bao gồm radar cảnh báo sớm AN/SPY-1 và các bệ phóng thẳng đứng (VLS) Mk 41 với 24 tên lửa đánh chặn RIM-161 Standard Missile 3 (SM-3) - loại cũng được trang bị trên một số tàu chiến của Hải quân Mỹ.
Sau khi căn cứ với hệ thống Aegis Ashore này đi vào hoạt động, Lầu Năm Góc trên thực tế sẽ hoàn thành việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa của nước này ở châu Âu (EuroPRO).
Ngoài cơ sở sắp hoàn thành ở Redzikovo, các yếu tố của EuroPRO còn bao gồm một căn cứ tương tự ở thị trấn Deveselu của Romania, một trung tâm chỉ huy ở Đức, một trạm radar cảnh báo tên lửa ở Thổ Nhĩ Kỳ và các tàu khu trục Aegis thuộc Hải quân Mỹ đóng ở Tây Ban Nha.
Việc xây dựng căn cứ ở Redzikovo tiêu tốn của ngân sách Mỹ khoảng 850 triệu đô la. Theo kế hoạch, công việc xây dựng sẽ hoàn thành vào năm 2018, nhưng thời hạn trên đã bị hoãn lại nhiều lần do nhà thầu địa phương gặp khó khăn.
Các tên lửa Iskander-M trang bị đầu đạn hạt nhân chiến thuật của Nga tại Belarus sẽ chịu sự khống chế của Aegis Ashore tại Ba Lan.
Theo Lầu Năm Góc, căn cứ trên đất Ba Lan sẽ trở thành một phần của lá chắn phòng thủ tên lửa toàn cầu, bảo vệ Hoa Kỳ và các đồng minh khỏi nguy cơ các cuộc tấn công tên lửa từ châu Á và Trung Đông, chủ yếu từ Triều Tiên và Iran.
Nhưng trên thực tế, việc thành lập các căn cứ phòng thủ tên lửa ở Ba Lan và Romania rõ ràng nhằm canh phòng Nga. Chính vì vậy, Bộ Ngoại giao Nga đã nhiều lần tuyên bố rằng việc triển khai các tổ hợp Aegis Ashore ở Đông Âu là vi phạm nghĩa vụ của Washington.
Theo các chuyên gia Nga, bệ phóng thẳng đứng Mk 41 của các tổ hợp Aegis Ashore không chỉ có thể phóng tên lửa đánh chặn, mà còn cả tên lửa hành trình Tomahawk.
Trước mắt, hệ thống phòng thủ tên lửa này sẽ là nơi chịu trách nhiệm khống chế các tên lửa Iskander-M trang bị đầu đạn hạt nhân chiến thuật được Nga triển khai trên đất Belarus.