Thất bại đã được dự báo trước
Chiến dịch phản công của Ukraine, khởi đầu vào ngày 4/6, đang bế tắc. Phía Nga ước lượng tổn thất của phía Ukraine trong đợt phản công này là hàng chục nghìn binh sĩ và hàng trăm xe tăng, xe thiết giáp.
Lính Nga súng ống đầy đủ, tựa lưng vào nhau cảnh giới. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga.
Cựu sĩ quan tình báo thủy quân lục chiến Mỹ, Scott Ritter, đã nói với Sputnik rằng khối quân sự NATO biết trước cuộc phản công sẽ thất bại ngay từ đầu và giải thích lý nguyên nhân cho sự thất bại đó.
Giới hoạch định quân sự Kiev đã tung vào trận các làn sóng bộ binh, xe thiết giáp và xe tăng để đánh vào hệ thống phòng ngự vững chắc nhiều lớp của Nga, bao gồm hào bộ binh, mìn chống tăng và chống người, hệ thống bẫy răng rồng để cản bước xe tăng.
Bên cạnh đó, Nga còn giành ưu thế về pháo binh và không quân, vô hiệu hóa được năng lực tình báo của Ukraine (được NATO hỗ trợ).
Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Vassily Nebenzya hôm 23/6 đã mô tả cuộc phản công đó là "tự sát".
Cựu sĩ quan Mỹ Scott Ritter nói với Sputnik rằng cuộc phản công đó "không bao giờ có cơ hội thành công".
Động cơ của phản công thiên về chính trị hơn quân sự
Ritter nhận định: "Cuộc phản công đó không có mục đích quân sự chính đáng, mà chỉ được thực hiện vì lý do chính trị". Ông nhấn mạnh rằng NATO chỉ muốn làm tổn thương Nga bằng cách rót hàng chục tỷ USD vào Ukraine.
Theo Ritter, NATO thực ra không quan tâm đến bản thân Ukraine, mà chỉ muốn đạt mục tiêu chính trị là gây ra cảm giác về sự tiếp tục viện trợ. Nội dung này sẽ được NATO thảo luận trong hội nghị thượng đỉnh của họ tại Vilnius (Litva) vào ngày 11/7 tới.
Liên quan đến yếu tố chính trị đằng sau chiến dịch phản công, ông Ritter đã liên hệ chiến sự Ukraine với việc NATO và Mỹ vào tháng 8/2021 đã chấp nhận rút quân khỏi Afghanistan - đây được coi là "thất bại lớn nhất của họ" trong giai đoạn hiện nay.
Ritter phân tích: Thất bại ở Afghanistan "đã khiến nhiều người ở châu Âu" xem xét lại mục đích của NATO và đặt nghi vấn đối với lý do cho sự tồn tại của tổ chức này.
Viên cựu sĩ quan tình báo của Mỹ nhận xét tiếp rằng, giới tinh hoa chính trị phụ thuộc vào các cơ cấu như NATO, Liên minh châu Âu và G7 sẽ tìm cách nắm giữ quyền lực và "tái định hướng" các sự kiện toàn cầu để ngăn ngừa sự tan rã hơn nữa của liên minh quân sự này, cố gắng bảo đảm nó tiếp tục mở rộng.
Phản công theo học thuyết NATO không tính đến sức mạnh đáng gờm của Nga
Ritter cho rằng cuộc phản công của Ukraine chưa hiệu quả không chỉ vì hệ thống phòng ngự kiên cố của Nga, mà còn vì Ukraine không có "các năng lực quân sự nhất định" để ngăn ngừa phòng không, pháo binh và lực lượng tác chiến điện tử của Nga.
Trên thực tế, để bẻ gãy cuộc phản công của Ukraine, Nga không chỉ dựa vào công sự vững chắc mà còn chủ động phản kích, phá rối và gây tổn thất cho chính lực lượng tiến công của Ukraine.
Ritter giải thích thêm: Hiện Ukraine không có lực lượng không quân làm chủ bầu trời. Trước khi chiến dịch phản công của Ukraine diễn ra, Nga đã chủ động đảm bảo rằng họ đã gây tổn thất cho năng lực hệ thống phòng không của Ukraine tới mức độ Ukraine không thể sử dụng hệ thống này để bảo vệ hiệu quả các khu vực cần thiết trước máy bay Nga.
Ukraine cũng không có đủ pháo binh để trấn áp pháo Nga và không đủ năng lực tác chiến điện tử để gây nhiễu cho hệ thống liên lạc của Nga, Ritter nói thêm.
Trong khi đó, thông tin cung cấp cho phía Ukraine được cho là không chính xác và chưa theo kịp tình hình mới. Ritter cho biết, phía Ukraine được thông báo rằng hệ thống chỉ huy của Nga không hiệu quả, các tướng lĩnh Nga thì uể oải, phản ứng chậm.
Vẫn lời của Ritter về thông tin mà Ukraine nhận được từ NATO: "Ưu thế pháo binh của Nga cũng không phải là vấn đề lớn. Ukraine có thể gây nhiễu liên lạc của Nga khiến họ không điều phối được lực lượng".
Ritter nhận xét, quân Ukraine bước vào trận với các thông tin thiếu chính xác như vậy sẽ chẳng khác nào đi tự sát.
Ritter dự báo, "tình hình sẽ ngày càng xấu đi cho phía Ukraine". Ông nói: "Cuộc chiến này nếu càng kéo dài, áp lực lên Ukraine sẽ càng lớn, bao gồm việc họ phải tạo thêm các lực lượng chiến đấu mới".