7,3% dân số Việt Nam mắc căn bệnh gây ra hàng loạt biến chứng nguy hiểm

Hà Minh |

Đái tháo đường đang lặng lẽ đến với người Việt Nam, có những người mắc bệnh mà không hề hay biết. Đây chính là lí do khoảng 50% người mắc bệnh nhưng không được chẩn đoán. Đáng chú ý, trong số được chẩn đoán chỉ có chưa đến 30% số người được điều trị đái tháo đường.

Thông tin trên được GS.TS Trần Hữu Dàng, Chủ tịch Hội Nội tiết - Đái tháo đường Việt Nam chia sẻ tại "Hội nghị khoa học về bệnh Nội tiết, Đái tháo đường và Rối loạn chuyển hóa Việt Nam lần XI, năm 2022" do Hội Nội tiết - Đái tháo đường Việt Nam và Hội Nội tiết - Đái tháo đường Hà Nội phối hợp tổ chức trong 2 ngày 22-23/10.

Các thống kê cách đây khoảng 20 năm ở Hà Nội tỉ lệ mắc đái tháo đường là 1,4%, ở TP.HCM là 2,5%. Theo kết quả điều tra năm 2012, tỉ lệ đái tháo đường trên toàn quốc là 5,7%, trong đó khoảng 60% bệnh nhân chưa được chẩn đoán. Mới đây, nghiên cứu cho thấy tỉ lệ đái tháo đường ở Việt Nam là 7,3%. Những con số này cho thấy rõ ràng tần suất mắc bệnh đái tháo đường đang gia tăng với tốc độ rất nhanh. Bệnh đái tháo đường ngày càng gia tăng do lối sống ít vận động, ăn uống không hợp lí làm gia tăng béo phì, rối loạn chuyển hóa. Đặc biệt, bệnh ngày càng trẻ hóa với nhiều ca mắc đã được ghi nhận ở trẻ nhỏ 9 - 13 tuổi và thanh niên 20 - dưới 30 tuổi.

Mới đây, Bệnh viện Nội tiết Trung ương cũng đăng tải báo cáo nghiên cứu khoa học do TS Phan Hướng Dương, Phó Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương nghiên cứu trên hơn 5.000 người dân từ 30-69 tuổi trên toàn quốc cho thấy tỉ lệ đái tháo đường và tiền đái tháo đường toàn quốc lần lượt là 7,3% và 17,8%. Riêng tại Hà Nội và TP HCM, tỉ lệ này là 8,3% - 22,3%.

Các chuyên gia nhận định đái tháo đường làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người bệnh. Đây là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến mù lòa, suy thận mạn, 60% đoạn chi không do chấn thương, đặc biệt 2/3 người bệnh đái tháo đường tử vong do biến chứng tim mạch. Đái tháo đường là một gánh nặng vì việc điều trị và chăm sóc rất tốn kém, phức tạp.

Theo các bác sĩ, đái tháo đường nếu không được điều trị đúng cách, đường máu kiểm soát tốt sẽ dẫn đến các biến chứng cấp và mạn tính, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và gia tăng tỉ lệ tử vong.

Tại hội nghị các chuyên gia về nội tiết và đái tháo đường đều nhấn mạnh việc thay đổi lối sống là biện pháp cơ bản trong điều trị đái tháo đường, bao gồm: giáo dục tự chăm sóc, điều trị dinh dưỡng y học, hoạt động thể lực, ngưng thuốc lá và điều trị tâm lis. Điều trị dinh dưỡng có vai trò đặc biệt quan trọng và cần thực hiện trong suốt quá trình điều trị đái tháo đường.

Hội nghị khoa học về bệnh Nội tiết, Đái tháo đường và Rối loạn chuyển hóa Việt Nam lần XI, năm 2022 có sự tham dự của hơn 1100 đại biểu đến từ các bệnh viện, trung tâm y tế, trung tâm kiểm soát bệnh tật, trường đại học y dược trong cả nước.

Chương trình báo cáo tại hội trường với hơn 150 bài tổng quan và đề tài nghiên cứu khoa học. Báo cáo viên là các giáo sư, tiến sĩ- chuyên gia đầu ngành về bệnh lý nội tiết - chuyển hóa của các trung tâm y tế lớn của Việt Nam (Hà Nội, TPHCM, Huế,…) cũng như các bác sĩ đang công tác tại các trường đại học y khoa, các bệnh viện đa khoa hoặc chuyên khoa trong cả nước.

Báo cáo viên nước ngoài đến từ một số nước như Tây Ban Nha, Cu Ba... ngoài ra, còn có 30 bài báo cáo khoa học trẻ và báo cáo khoa học bằng tiếng Anh được trình bày tại hội nghị.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại