Theo tờ Huffpost, đột quỵ là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong và khuyết tật tại Mỹ. Đột quỵ được coi là “kẻ giết người thầm lặng” vì có nhiều yếu tố nguy cơ không có triệu chứng rõ ràng như mỡ máu cao, huyết áp cao. Nhiều người cho tới khi bị đột quỵ mới biết mình có các yếu tố đó.
Mặc dù vậy, đột quỵ không phải là không kiểm soát được. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ, ước tính có khoảng 80% trường hợp đột quỵ có thể phòng ngừa được bằng cách thay đổi lối sống. Tiến sĩ Anthony Kim, chuyên gia thần kinh học, Giám đốc y tế của Trung tâm Đột quỵ, Đại học California (Mỹ), cho biết: “Chúng ta hoàn toàn có những cách chủ động để ngăn ngừa đột quỵ”.
Không ai hiểu đột quỵ bằng những y bác sĩ chuyên điều trị căn bệnh này. Theo đó, các bác sĩ khuyên mọi người nên tránh 7 điều sau đây để đột quỵ không “ghé thăm”.
1. Có lối sống ít vận động
Lối sống ít vận động làm tăng nguy cơ đột quỵ (Ảnh minh họa)
Tiến sĩ Arthur Wang, Giám đốc phẫu thuật thần kinh nội mạch tại Đại học Tulane (Mỹ), cho biết một trong những yếu tố nguy cơ dẫn tới đột quỵ mà chúng ta có thể thay đổi được đó là lối sống ít vận động.
“Hoạt động thể chất thường xuyên có thể giúp cho máu lưu thông tốt hơn, tránh tích tụ mảng bám trong thành động mạch, từ đó ngăn ngừa tắc nghẽn mạch máu. Mọi người nên tập thể dục ở mức độ vừa phải khoảng 30 phút/ngày trong 5 ngày/tuần”, tiến sĩ Wang nói.
Ngoài tập thể dục thể thao, các hoạt động như làm vườn hoặc làm việc nhà cũng có lợi ích phòng ngừa đột quỵ. Các chuyên gia khuyên rằng mọi người hãy di chuyển, đừng ngồi mãi một chỗ.
2. Không chú trọng tới tình trạng huyết áp cao
Huyết áp cao là nguyên nhân hàng đầu dẫn tới đột quỵ (Ảnh minh họa)
Tiến sĩ Kim nói: “Để phòng đột quỵ, chúng tôi có thể đưa ra một loạt các danh sách những việc làm mà mọi người cần tránh. Tuy nhiên, yếu tố hàng đầu, ảnh hưởng nhiều nhất tới các ca đột quỵ đó là huyết áp cao”.
Ông cho biết thêm: “Nếu loại bỏ được yếu tố huyết áp cao, 60% số ca đột quỵ tại Mỹ sẽ không xảy ra”.
Theo tiến sĩ Kim, huyết áp cao là “kẻ giết người thầm lặng” vì nhiều bệnh nhân không hề biết mình mắc bệnh. Chính vì thế, ông khuyến cáo mọi người nên kiểm tra sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm bệnh và có cách theo dõi, kiểm soát huyết áp phù hợp.
3. Không kiểm tra sức khỏe định kỳ
Khám sức khỏe định kỳ có thể phát hiện sớm các yếu tố nguy cơ của đột quỵ (Ảnh minh họa)
Tiến sĩ Wang cho rằng việc mang trong mình các yếu tố nguy cơ của đột quỵ nhưng lại không biết thực sự là điều đáng lo ngại. Nguyên nhân là do các yếu tố này thường không có các triệu chứng rõ ràng.
“Một bệnh nhân sẽ không bao giờ biết được mình bị huyết áp cao, mỡ máu cao nếu không đi khám hoặc kiểm tra sức khỏe định kỳ”, tiến sĩ Wang nói.
Do đó, tiến sĩ Wang nhấn mạnh mọi người nên đi khám sức khỏe để được sàng lọc các yếu tố nguy cơ đột quỵ.
4. Hút thuốc lá
Thuốc lá làm hẹp mạch máu và có thể dẫn tới đột quỵ (Ảnh minh họa)
Cả tiến sĩ Kim và tiến sĩ Wang đều cho biết hút thuốc lá là nguyên nhân “chắc chắn có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ cũng như bệnh tim”.
Thuốc lá làm cho mạch máu dần bị thu hẹp lại, cuối cùng có thể làm tắc nghẽn mạch máu tới não và dẫn tới đột quỵ.
5. Uống quá nhiều rượu bia
Lạm dụng rượu bia gây ra nhiều vấn đề sức khỏe, trong đó có đột quỵ (Ảnh minh họa)
Rượu bia là nguyên nhân dẫn tới nhiều tình trạng sức khỏe khác nhau nếu như mọi người lạm dụng chúng. Các vấn đề sức khỏe có liên quan tới rượu bia là một số loại ung thư, bệnh gan, bệnh tim và cả đột quỵ.
Theo CDC Mỹ, phụ nữ không nên uống nhiều hơn 1 đơn vị cồn mỗi ngày, trong khi lượng cồn khuyến nghị với nam giới là không nên quá 2 đơn vị cồn.
6. Có chế độ ăn không hợp lý
Hạn chế thực phẩm chứa nhiều muối, đường và bổ sung thêm thực phẩm có nguồn gốc thực vật có thể giúp giảm nguy cơ đột quỵ (Ảnh minh họa)
Chế độ ăn uống hợp lý là điều quan trọng để kiểm soát nguy cơ đột quỵ. Tiến sĩ Wang khuyên mọi người nên hạn chế những thực phẩm chứa nhiều chất béo bão hòa, đường, muối.
Tiến sĩ Kim cho hay thực phẩm nhiều muối có thể gây tăng huyết áp nếu mọi người ăn quá nhiều. Huyết áp cao, như đã được đề cập ở trên, là yếu tố nguy cơ của đột quỵ. Theo vị tiến sĩ này, mọi người nên bổ sung thêm thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật, như trái cây, rau củ tươi vào chế độ ăn. Bên cạnh đó, nên tiêu thụ thịt ở mức độ vừa phải.
7. Không nhận biết được dấu hiệu đột quỵ
Hãy cẩn trọng với dấu hiệu của đột quỵ (Ảnh minh họa)
Đột quỵ rất phổ biến và nguy hiểm nhưng không phải ai cũng biết các dấu hiệu của bệnh để được điều trị sớm nhất có thể. Việc phát hiện bệnh càng sớm, quá trình điều trị sẽ càng hiệu quả.
Tiến sĩ Kim nói: “Nhiều cơn đột quỵ diễn ra trong âm thầm. Các triệu chứng của đột quỵ lại khác nhau ở mỗi người. Do đó, điều quan trọng là mọi người nên biết các dấu hiệu cảnh báo đỏ của đột quỵ”.
Theo đó, tiến sĩ Kim chỉ ra cách ghi nhớ dấu hiệu đột quỵ đó là từ viết tắt FAST (nhanh chóng), trong đó:
- F (Face - Mặt): Tê bì hoặc lệch 1 bên mặt
- A (Arm - Tay): Yếu, tê tay
- S (Speech - Ngôn ngữ): Khó nói hoặc nói lắp
- T (Time - Thời gian): Nếu thấy các triệu chứng này cần gọi cấp cứu ngay lập tức
Tiến sĩ Kim cũng lưu ý: “Đây không phải là toàn bộ triệu chứng của đột quỵ. Tuy nhiên, nếu có bất cứ triệu chứng nào trong số đó, đặc biệt nếu triệu chứng xảy ra đột ngột, hãy nghĩ ngay tới đột quỵ”.