Tiểu đường ở trẻ em đang ngày càng tăng
Vấn đề thời sự của cả Thế giới hiện nay là tình trạng trẻ bị bệnh tiểu đường (đái tháo đường) đang có xu thế gia tăng. Theo thông kê có đến 10% - 15% trẻ em mắc bệnh trên tổng số bệnh nhân tiểu đường. Các bậc cha mẹ vẫn chủ quan, cho rằng tiểu đường chỉ gặp ở người lớn và bất ngờ khi được thông báo rằng con họ bị tiểu đường. Lưu ý rằng tiểu đường có thể gặp ở mọi lứa tuổi.
Ở trẻ em độ tuổi thường gặp nhất là tuổi bắt đầu đi học (từ 5 – 7 tuổi) và tuổi dậy thì ( từ 11 – 13 tuổi). Tuy nhiên cũng có một số trường hợp phát hiện tiểu đường ngay từ giai đoạn sơ sinh và trẻ dưới 2 tuổi.
Nếu như trước kia căn bệnh đái tháo đường tuyp 2 được cho là căn bệnh "độc quyền" của lứa tuổi trên 40, thì nay, tại bệnh viện Nội tiết Trung ương, các bác sĩ đã phát hiện ra những ca bệnh đái tháo đường tuyp 2 ở trẻ em.
Bệnh viện Bạch Mai từng ghi nhận ca tiểu đường nhỏ tuổi nhất do bị béo phì, rối loạn chuyển hóa. Bệnh nhân 8 tuổi nặng tới 58kg và có thời điểm lên tới 62kg khiến chỉ số đường huyết cao gấp đôi chỉ số bình thường (13mmol/l).
Đáng lo ngại là phần lớn trẻ bị đái tháo đường thường phát hiện tình cờ khi trẻ làm xét nghiệm hoặc điều trị bệnh khác. Việc này là cực kỳ nguy hiểm khi căn bệnh này sẽ tiến triển nhanh hơn rất nhiều ở trẻ nhỏ.
Nghiên cứu trên 700 trẻ em ở độ tuổi từ 10-17 của Hiệp hội Đái tháo đường Mỹ (ADA) cho thấy, chỉ trong vòng bốn năm sau khi được chẩn đoán bệnh đái tháo đường type 2, tỉ lệ trẻ bị cao huyết áp tăng từ 12% lên 34%, dấu hiệu tổn thương thận tăng gần gấp ba lần (từ 6,3% lên 17%), tỉ lệ tổn thương các tế bào sản xuất insulin cũng cao hơn gấp bốn lần khi so với người lớn.
Những thói quen nào khiến con bị tiểu đường
Trong số các trường hợp trẻ bị mắc tiểu đường, chỉ có 10-20% là do di truyền từ bố mẹ, con lại theo PGS.TS Lê Bạch Mai, nguyên Phó Viện trưởng Viện dinh Dưỡng quốc gia cho biết, đái tháo đường ở trẻ nhỏ có nhiều nguyên nhân nhưng phần lớn là do thừa cân, béo phì, lười vận động.
Trẻ bị thừa cân béo phì thường xuất phát từ tâm lý "thương con" của bố mẹ, sợ con còi cọc nên ép con uống bằng được các loại sữa tăng cân, dẫn đến dinh dưỡng không hợp lý và cân bằng. Thêm vào đó là chiều con, cho con ăn nhiều đồ ngọt, đường hấp thụ nhanh như nước ngọt có ga, đồ ăn nhanh chiên rán. Những loại tinh bột này khiến trẻ dễ thích mỡ, không có chất xơ làm việc tiêu hoá khó khăn, trao đổi các dưỡng chất khác kém, gây rối loạn chuyển hoá.
Dấu hiệu nhận biết trẻ bị tiểu đường hay không?
Biểu hiện của bệnh đái tháo đường ở trẻ rất dễ nhầm với các bệnh khác như viêm phổi, rối loạn tiêu hoá... Nếu thấy con có những triệu chứng sau, bố mẹ nên cho con đi làm những xét nghiệm để chẩn đoán và điều trị kịp thời
Thừa cân
Cơ thể chỉ cần dư từ 4-6 kg có thể làm tăng nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường. Nếu nhận thấy con mình thừa cân, hãy nhanh chóng đưa đến bác sĩ để kiểm tra bởi ngày nay căn bệnh này đang có xu hướng tấn công cả trẻ em.
Tiểu liên tục và luôn khát nước
Khi cơ thể không tạo ra đủ insulin, đường sẽ tích tụ trong máu, những quả thận phải hoạt động hết công suất để loại bỏ lượng đường dư thừa trong máu và vì thế nó sẽ thúc đẩy việc đi tiểu thường xuyên.
Trong khi đó, khát nước nhiều có nghĩa là cơ thể đang cố gắng bù lại lượng dịch đã mất đi. Hai triệu chứng này luôn đi kèm với nhau và là cách mà cơ thể cố gắng để kiểm soát tình trạng đường trong máu tăng cao.
Nhìn mờ
Lượng đường trong máu tăng cao làm thay đổi hình thái của thủy tinh thể và mắt. Từ đó, khiến việc tập trung trở nên khó khăn hơn. Nhìn nhòe, thấy chớp sáng hoặc thấy vật bay qua là hậu quả trực tiếp của lượng đường trong máu tăng cao.
Vết thương lâu lành
Nhiễm trùng, vết xước và các chỗ thâm tím không lành nhanh là dấu hiệu điển hình khác của bệnh tiểu đường.
Điều này xảy ra do các mạch máu bị hư hại bởi có quá nhiều glucose di chuyển trong các tĩnh mạch, động mạch. Nó khiến cho máu khó lưu thông đến các khu vực bị thương để "vá lành" vết thương.
Các chuyên gia khuyến cáo, kiểm soát béo phì không chỉ là chế độ ăn mà còn cần cho trẻ được vận động. Chế độ dinh dưỡng hợp lý, lối sống năng động, tăng vận động là 3 điều cần thực hiện phối hợp để trẻ có sự phát triển tốt nhất. Việc tăng vận động thể lực cũng là một yếu tố để trẻ tăng trưởng chiều cao, phát triển triển thể lực.
Hãy chăm sóc sức khoẻ của bạn và những người bạn yêu thương!
Theo Sức khoẻ hàng ngày