Mới đây, một chuyên gia nha khoa đã chia sẻ những dấu hiệu ung thư miệng mà một người "nên tìm kiếm" thường xuyên khi ở nhà.
Chuyên gia vệ sinh răng miệng người Anh, Anna Middleton, cho biết: "Kiểm tra bản thân mỗi tháng một lần là rất quan trọng, đặc biệt nếu bạn hút thuốc và uống rượu".
Hai yếu tố này là tác nhân "chính" góp phần vào sự phát triển của bệnh ung thư miệng. Trên thực tế, "uống quá nhiều rượu làm tăng gấp 4 lần nguy cơ mắc ung thư miệng", Middleton nói thêm.
Cô nhấn mạnh những người uống rượu và hút thuốc có nguy cơ mắc ung thư miệng cao gấp 30 lần.
Các yếu tố nguy cơ khác của bệnh bao gồm chế độ ăn uống nghèo nàn, virus u nhú ở người (HPV), có thể "lây truyền qua quan hệ tình dục bằng miệng không được bảo vệ".
Chuyên gia Middleton tuyên bố nhiễm HPV "có thể vượt qua thuốc lá và rượu để trở thành yếu tố nguy cơ chính trong thập kỷ tới".
Khó nuốt có thể là triệu chứng của ung thư miệng. (Ảnh minh họa)
6 dấu hiệu ung thư miệng
Middleton chỉ ra các triệu chứng của bệnh ung thư miệng cần lưu ý, chẳng hạn như một khối u hoặc vết sưng ở bất cứ đâu trong miệng, hàm hoặc cổ.
Một dấu hiệu khác có thể xảy ra là khó nuốt, khó nhai hoặc cử động hàm hoặc lưỡi.
Chuyên gia Middleton nói thêm "đau họng mãn tính hoặc khàn giọng kéo dài hơn sáu tuần" cũng nên được kiểm tra kỹ.
Ngoài ra, hãy cảnh giác với "vết loét hoặc mảng đỏ hoặc trắng ở bất cứ đâu trong miệng không lành trong ba tuần".
Hãy cảnh giác với "vết loét hoặc mảng đỏ hoặc trắng ở bất cứ đâu trong miệng không lành trong ba tuần". (Ảnh minh họa)
Người bệnh cũng có thể bị "tê lưỡi hoặc bất kỳ khu vực nào khác trong miệng" hoặc "cảm giác có thứ gì đó mắc kẹt trong cổ họng".
Middleton khuyên mọi người nên cảnh giác với tình trạng "mất răng không rõ nguyên nhân", đây cũng có thể là dấu hiệu của bệnh ung thư miệng.
Middleton đặc biệt khuyến nghị bất cứ vấn đề gì kéo dài hơn ba tuần đều cần được chuyên gia nha khoa kiểm tra.
Theo tổ chức Nghiên cứu Ung thư Vương quốc Anh, cứ 55 nam giới ở Vương quốc Anh thì có một người - và cứ 108 phụ nữ thì có một người - được chẩn đoán mắc bệnh ung thư miệng trong suốt cuộc đời của họ.
Nếu được chẩn đoán và điều trị ở giai đoạn đầu, cơ hội hồi phục hoàn toàn sẽ cao hơn.
Phòng ngừa ung thư miệng
Để phòng ngừa ung thư miệng, mọi người có thể áp dụng các biện pháp sau:
- Bỏ thuốc lá, hạn chế uống rượu bia để tránh cho các tế bào khoang miệng tiếp xúc hóa chất gây ung thư;
- Tăng cường ăn các loại rau và hoa quả giàu vitamin;
- Với ung thư môi, để phòng ngừa nên tránh tiếp xúc với ánh nắng mặt trời quá nhiều, nên dùng kem bảo vệ môi và kem chống nắng khi đi ra ngoài;
- Khám răng miệng định kỳ 6 tháng 1 lần ở các cơ sở chuyên khoa răng hàm mặt.
(Nguồn: Express)