Thoái hoá khớp gối ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống
Thoái hóa khớp đầu gối làm hỏng sụn ở khớp gối. Sụn là một mô hoạt động như một lớp đệm ở đầu xương trong các khớp. Đây là nguyên nhân dẫn đến đau và các vấn đề về vận động, làm ảnh hưởng rất nhiều đến sinh hoạt và chất lượng cuộc sống.
Khi bị thoái hoá khớp gối, người bệnh thường có triệu chứng:
Sưng tấy, đau tăng lên khi hoạt động nhưng sẽ đỡ hơn một chút khi nghỉ ngơi; Có cảm giác nóng khớp; Cứng khớp gối, đặc biệt là vào buổi sáng hoặc khi ngồi một chỗ; Có âm thanh lạch cạch phát ra khi đầu gối cử động. Người bệnh bị giảm khả năng vận động của đầu gối, gây khó khăn khi đi lại, lên cầu thang hoặc đi bộ…
Trong điều trị, việc điều chỉnh chế độ ăn uống cũng giúp ích rất nhiều cho bệnh nhân bị thoái hoá khớp gối.
Thoái hoá khớp gối gây đau và giảm khả năng vận động.
Cách ăn uống tốt nhất cho người bệnh thoái hoá khớp gối
Không quá khó để xây dựng một chế độ ăn uống phù hợp cho người bệnh thoái hoá khớp gối. Người bệnh chỉ cần thực hiện các biện pháp đơn giản sau để giữ cho khớp luôn mạnh khoẻ.
1. Cắt giảm lượng calo
Đầu gối của bạn sẽ hoạt động tốt hơn nếu duy trì được cân nặng hợp lý. Khi giảm được số cân dư thừa sẽ giảm áp lực cho các khớp, trong đó có khớp gối.
Một cách hiệu quả để giảm lượng calo là giảm bớt số lượng thức ăn, ăn các khẩu phần nhỏ hơn, tránh thức ăn và đồ uống có đường, chủ yếu ăn thực phẩm có nguồn gốc thực vật.
2. Ăn nhiều rau và trái cây
Người bệnh thoái hoá khớp gối nên ăn nhiều rau và trái cây.
Rau và trái cây là nguồn thực phẩm bổ sung vitamin và khoáng chất tuyệt vời cho người bệnh thoái hoá khớp gối. Chúng có chứa chất chống oxy hóa giúp bảo vệ tế bào cơ thể khỏi bị hư hại.
Một số chất chống oxy hóa được tìm thấy trong trái cây và rau như: táo, hành tây, hẹ tây và dâu tây cũng có thể giúp giảm tình trạng viêm và đau khớp.
3. Bổ sung thực phẩm giàu vitamin C
Vitamin C giúp xây dựng collagen và mô liên kết, một yếu tố quan trọng cho sức khỏe khớp. Có rất nhiều loại thực phẩm có thể cung cấp cho bạn chất dinh dưỡng này như: các loại trái cây họ cam quýt, ớt đỏ, dâu tây, bông cải xanh, bắp cải và cải xoăn…
Bạn nên cố gắng đạt được lượng vitamin C khuyến nghị là 75 miligam mỗi ngày đối với phụ nữ hoặc 90 miligam mỗi ngày đối với nam giới.
Vitamin C có nhiều trong trái cây họ cam quýt.
4. Tăng cường axit béo Omega-3
Omega-3 có tác dụng chống viêm, có thể giúp giảm đau khớp và giảm cứng khớp vào buổi sáng.
Các axit béo Omega-3 trong cá có thể giúp ngăn chặn tình trạng viêm nhiễm trước khi nó làm tổn thương các khớp.
Vì vậy, trong chế độ ăn của mình, người bệnh nên bổ sung nguồn thực phẩm giàu Omega-3 như: cá hồi, cá thu, cá trích, cá ngừ, cá mòi…
5. Sử dụng dầu ô liu
Nghiên cứu cho thấy có một hợp chất trong dầu ô liu được gọi là oleocanthal, có tác dụng chống viêm tương tự như ibuprofen, tốt cho người bệnh thoái hoá khớp gối.
Để thêm dầu ô liu vào chế độ ăn uống mà không làm tăng calo, hãy sử dụng nó thay cho các chất béo khác.
Đồ chiên nướng không tốt cho người bệnh thoái hoá khớp gối.
6. Tránh nấu ăn ở nhiệt độ cao
Thịt nấu ở nhiệt độ cao tạo ra các hợp chất có thể gây viêm trong cơ thể và chúng có liên quan đến nhiều bệnh, trong đó có bệnh viêm khớp.
Bạn nên cắt giảm các loại thịt nướng, chiên. Ngoài ra, cần hạn chế thực phẩm chế biến sẵn vì chúng thường được nấu ở nhiệt độ cao.
PGS. TS Nguyễn Mạnh Khánh - BV Việt Đức
Với người bị thoái hóa khớp gối thì việc giữ cân nặng cơ thể hợp lý, thay đổi lối sống như tránh ngồi xổm, tránh ngồi xếp bằng, hạn chế leo cầu thang hay leo dốc, hạn chế khiêng vác nặng là chuyện cần làm suốt đời. Có thể mang nẹp gối trong giai đoạn đang bị đau, nhưng sau đó cần phải tập cơ tứ đầu để có một khớp gối vững khi đi đứng.
Mục tiêu chính của điều trị thoái hoá khớp gối là giảm đau và phục hồi khả năng vận động. Người bệnh có thể được chỉ định dùng thuốc giảm đau, chống viêm, vật lý trị liệu… Nếu các phương pháp điều trị không hiệu quả thì cần phẫu thuật. Để góp phần điều trị hiệu quả thoái hoá khớp gối, người bệnh cần giảm cân, tập các bài tập tăng cường các cơ xung quanh đầu gối giúp khớp ổn định hơn và giảm đau.