Virus SARS-CoV-2 đang tàn phá Châu Âu, trong đó Ý và Tây Ban Nha đang là những quốc gia bị thiệt hại nặng nề nhất trên thế giới. Thế nhưng, ở phía Bắc lục địa già, nước Đức có vẻ như không đi theo xu thế chung như các nước đó.
53.340 người Đức dương tính với SARS-CoV-2 tính đến giữa ngày 28/3, với 397 ca tử vong, theo tạp chí Die Zeit, đơn vị được đánh giá là có số liệu chính xác nhất ở Đức.
Điều đó có nghĩa là tỉ lệ tử vong vì Covid-19 ở Đức chỉ là 0.74%. Tỉ lệ này thấp hơn rất nhiều so với Tây Ban Nha (7,82%), Trung Quốc (4,02%) và Ý (10,56%). Những con số cho thấy nước Đức đang làm gì đó đúng hướng hơn các nước khác.
Dưới đây sẽ là lý do tại sao Đức được coi là một trong những nước thành công nhất trước đại dịch và tại sao họ thậm chí còn chăm sóc bệnh nhân Covid-19... hộ người láng giềng Ý.
Xét nghiệm và xét nghiệm
Yếu tố quan trọng nhất giúp cho tỉ lệ tử vong thấp là họ xét nghiệm nhiều hơn rất nhiều so với các nước khác. Các nhà khoa học cho rằng phần lớn số người nhiễm virus corona không đến các trung tâm kiểm tra vì họ không hoặc rất ít triệu chứng đủ để phải đi bệnh viện. Việc xét nghiệm càng rộng rãi thì khả năng tìm ra những ca phát bệnh nhẹ càng lớn.
Trong khi nếu các nước chỉ xét nghiệm những ca bệnh nặng thì tỉ lệ tử vong sẽ cao như nhau. Hay ít nhất, tính cả những ca bệnh nhẹ, tổng số người nhiễm sẽ tăng lên và vô hình chung kéo tỉ lệ tử vong xuống thấp. Nhưng sự thật là ý nghĩa của nó còn nhiều hơn vậy.
Christian Drosten, giám đốc Viện nghiên cứu Virus học của bệnh viện Charité ở Berlin ước tính nước Đức đã xét nghiệm khoảng 120.000 người trong 1 tuần qua với tổng số mẫu xét nghiệm lên tới 200.000 mẫu.
"Việc xét nghiệm rộng rãi giúp chúng tôi phát hiện được những nguồn bệnh sớm", Drosten nói với NPR.
Các nhân viên y tế xét nghiệm tại chỗ cho các lái xe ngay trên đường.
"Chúng tôi có 1 truyền thống không ủng hộ hệ thống chẩn đoán tập trung và Đức không có những trung tâm xét nghiệm công cộng vì chúng sẽ làm hạn chế những phòng thí nghiệm khác được phép làm các xét nghiệm. Chúng tôi mở ra cho các phòng lab quanh cả nước ngay từ đầu."
Tính từ đầu dịch đến 28/3, nước Anh mới chỉ xét nghiệm cho 113.777 người trong khi đó, Tây Ban Nha và Ý thì còn lâu mới đến được con số đấy. Cũng trong khoảng thời gian này, Mỹ đã xét nghiệm được 626.667 người (theo covidtracking.com/us-daily). Con số này sẽ còn tăng lên rất nhiều trong thời gian tới nhưng như thế vẫn là khá trễ so với Đức khiến cho Mỹ giờ đây đã trở thành ổ dịch lớn nhất thế giới.
Tây Ban Nha nhận được 650.000 bộ kit xét nghiệm nhưng đã phải trả lại phần lớn cho Trung Quốc vào thứ năm vừa rồi khi họ phát hiện chúng chỉ phát hiện được 30% số ca dương tính. Vì thế chưa thể nói được chính xác đã có tổng cộng bao nhiêu ca bệnh được xét nghiệm.
Ở Ý, một ngôi làng ở phía Bắc đã dập tắt được dịch nhờ xét nghiệm không ngừng. Tuy nhiên những nơi khác trên toàn quốc lại không thể lặp lại được hiện tượng đó.
Thứ 6 trước, Bộ trưởng Bộ Nội Vụ Đức đã thông báo trên tạp chí Süeddeutsche Zeitung đã nói rằng ông muốn tăng số lượng test lên 200.000 mẫu trong 1 ngày.
Hệ thống y tế mạnh mẽ
Đức có điều kiện tốt để đối phó với bệnh dịch này vì họ có 1 hệ thống chăm sóc sức khỏe tân tiến và toàn diện ở cả những cơ sở công cộng và cơ sở tư nhân. Đức chi trung bình 4.714,26 đô la cho 1 người mỗi năm (dữ liệu của World Bank năm 2016). Con số lớn hơn hầu hết các quốc gia khác trên thế giới.
Đức có tỉ lệ số giường bệnh trên đầu người lớn thứ nhì Châu Âu trong khi con số này là đặc biệt quan trọng trong dịch bệnh này nhất là với những ca bệnh nghiêm trọng. Đức có 621 giường trên 100,000 dân trong khi đó con số này ở Tây Ban Nha là 293 còn ở Ý là 275.
"Nhìn chung chúng tôi có hệ thống chăm sóc tích cực ở đây", Nhà virus học Martin Stürmer nói với trang Vox. "Chúng tôi có những bác sĩ cực kỳ chuyên sâu cùng với trang thiết bị và đó có lẽ là lý do mà chúng tôi cứu sống được những ca bệnh nghiêm trọng nhiều hơn so với các nước khác".
Những người lớn tuổi tránh xa được các nguy cơ
Độ tuổi trung bình của những ca covid-19 ở Đức là 46 trong khi ở Ý là 63 (theo trang Wired). Những người cao tuổi có nguy cơ tử vong vì covid-19 rất cao và cao nhất là với những người có bệnh nền, điều cũng là thường thấy ở những người già.
Viện nghiên cứu Robert Koch cho biết 80% những người nhiễm bệnh ở Đức là dưới 60 tuổi và họ cũng ám chỉ rằng bệnh dịch chưa đến được tới những người cao tuổi, nhóm tuổi có tỉ lệ tử vong cao hơn rất nhiều. Trong khi đó, có tới hơn 50% số ca mắc bệnh là trên 60 tuổi.
Giai đoạn đầu của đại dịch
So với các nước khác như Tây Ban Nha và Ý thì Đức mới đang ở giai đoạn đầu của đại dịch. "Thường phải mất 2 đến 3 tuần để chăm sóc tích cực trước khi người bệnh không thể chống đỡ được nữa", theo giáo sư Martin Hibberd của Viện về bệnh truyền nhiễm mới nổi tại Trường Y học Nhiệt đới và Vệ sinh Luân Đôn. "Đức bước vào đại dịch sau 1 chút so với Ý".
Ngày 26/3 là ngày tồi tệ nhất của Đức với 6.615 ca nhiễm mới và con số này dự tính sẽ còn tiếp tục tăng lên nữa.
Thủ tướng Đức Angela Merkel đã nói hôm thứ 5: Vẫn còn quá sớm để giảm bớt phong tỏa ở thời điểm này. Tỉ lệ nhiễm bệnh sẽ còn tiếp tục tăng tới đầu tháng 4 thì may ra mới bắt đầu giảm xuống.
"Tỉ lệ tư vong ở Đức sẽ còn tăng khi nhiều người già hơn bắt đầu nhiễm bệnh, tỉ lệ tử vong thực rất có thể sẽ dừng ở khoảng 1%"
Chính sách phong tỏa cứng rắn
Đức, cũng giống như nhiều nước khác, đã thực thi lệnh phong tòa nghiêm ngặt bắt đầu từ 24/3. Nhóm cho phép được giới hạn chỉ với 2 người trừ khi họ là thành viên của 1 gia đình thì mới được cách ly cùng với nhau. Hình phạt cho bất kỳ ai vi phạm là 25.000 eur (tương đương gần 650 triệu đồng Việt Nam).
Chiến thuật trong tương lai
Thứ sáu vừa rồi, ông Bộ Trưởng Bộ Nội Vụ đưa ra ý tưởng theo dõi công dân qua điện thoại thông minh để xem ai tiếp xúc với những bệnh nhân nhiễm virus. Không khó để dự đoán sự thành công của Đức nhưng những nhà khoa học vẫn nói rằng, bệnh dịch như thế này chưa từng xảy ra nên tương lai đôi khi còn có nhiều biến động không ngờ nữa.
Nhiều chuyên gia hàng đầu vẫn luôn tranh cãi về những thận trọng cần thiết. "Chúng tôi cũng không chắc nguyên nhân chính xác cho tỉ lệ tử vong thấp này. Có lẽ trong đó có cả may mắn nữa" Marieke Degen, phát ngôn viên của viện nghiên cứu Robert Koch nói với tờ Vox.
Theo: Business Insider