Các ngón tay được sử dụng rất nhiều trong hầu hết các hoạt động hàng ngày nhưng lại chưa được quan tâm đúng mực. Ngay cả khi ngón tay gặp vấn đề khó chịu cũng thường bị xem nhẹ, cho rằng chỉ là do phải sử dụng liên tục hoặc bệnh ngoài da, xương khớp thông thường. Trong khi, không ít bất thường ở ngón tay có thể đang cảnh báo bệnh nguy hiểm, bao gồm cả ung thư.
Nếu không muốn rơi vào tình trạng “hối không kịp”, tốt nhất bất cứ ai cũng nên cảnh giác với 6 dấu hiệu bất thường này ở ngón tay:
1. Tê hoặc ngứa ngón tay
Tiến sĩ Zheng Junmeng, Trưởng khoa Phẫu thuật Tim mạch tại Bệnh viện thuộc Đại học Tôn Trung Sơn (Quảng Châu, Trung Quốc) cho biết, thường xuyên bị tê hoặc ngứa ran ở các ngón tay báo hiệu nhiều vấn đề sức khỏe. Phổ biến như hội chứng ống cổ tay, thoái hóa đốt sống cổ, tiểu đường, cao huyết áp, bệnh tim mạch, một số bệnh về thần kinh và mạch máu não…
Ảnh minh họa
Bệnh thoái hóa đốt sống cổ hoặc tim mạch có thể ảnh hưởng đến việc cung cấp máu cho các chi trên không đủ dẫn đến tê các ngón tay. Còn các bệnh rối loạn chuyển hóa giống như tiểu đường, cao huyết áp…thì ảnh hưởng đến độ nhớt của máu và gây ngứa ran ngón tay.
Đặc biệt là đừng chủ quan với các nốt sần, cục u bất thường ở ngón tay. Nhất là khi chúng xuất hiện không rõ nguyên nhân, có tình trạng ngứa dữ dội, tê dại, đau hay lở loét. Đó rất có thể là dấu hiệu của ung thư da, u xương và mô mềm.
2. Hình dạng ngón tay thay đổi
Theo Tiến sĩ Kelly Weselman (Viện WellStar Rheumatology, Mỹ), sự thay đổi của hình dạng ngón tay có khả năng cảnh báo nhiều bệnh ung thư. Thường gặp là ung thư xương, ung thư phổi, bệnh tim mạch nghiêm trọng. Với hình dạng ngón tay đột nhiên to lên, gầy đi, bị cong, gồ ghề hay phổ biến nhất là ngón tay dùi trống.
Ngón tay dùi trống chỉ hình dáng ngón tay bất thường với phần đầu ngón tay, bao gồm cả móng tay phát triển lớn hơn bình thường. Đa số sẽ trông như một chiếc thìa úp ngược, đầu ngón tay có xu hướng sưng tấy và chuyển sang màu đỏ hoặc đen. Móng tay thường có xu hướng cong xuống đáng kể, mọc lồi. Giường móng trở nên mềm, tạo cảm giác xốp khi ấn lên móng và xuất hiện nếp nhăn rõ rệt trên móng cũng như da.
Theo tổ chức Nghiên cứu ung thư Anh Quốc, kiểu ngón tay này rất thường gặp ở các bệnh nhân có bệnh lý tim hoặc phổi. Các bệnh về hệ tim mạch như bệnh tim bẩm sinh tím tái, phình động mạch phổi, suy tim mãn tính, viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn bán cấp…
Đặc biệt, ngón tay dùi trống được xem như 1 dấu hiệu cảnh báo quan trọng khi mắc ung thư phổi. Có khoảng 30% người bị ung thư phổi có dấu hiệu ngón tay dùi trống, đa số là loại ung thư phổi không tế bào nhỏ. Bởi vì ngoài gây thiếu oxy thì một số khối u phổi tạo ra các chất hóa học giống như một loại hormone. Một trong số các loại hormone này đẩy nhiều máu và chất lỏng đến các mô đầu ngón tay.
Kiểu ngón tay này cũng có thể liên quan đến xơ gan, viêm loét đại tràng mãn tính, bệnh viêm ruột, lao ruột, ung thư ruột kết nhưng khá hiếm gặp.
3. Sưng phù hoặc hay bị run ngón tay
Tammy Olson Youtusett là chuyên gia thấp khớp tại Đại học Chicago (Illinois, Mỹ). Bà chỉ ra rằng các bệnh như viêm xương khớp, ăn quá nhiều muối, thời tiết nóng ẩm, bệnh Raynaud, phù bạch huyết, hội chứng ống cổ tay, tiền sản giật hoặc có thể gây sưng ngón tay. Ngoài ra, sưng phù ngón tay cũng có thể liên quan tới các bệnh tim mạch, ung thư xương, ung thư phổi, u thần kinh…
Ảnh minh họa
Tiến sĩ Zheng Junmeng bổ sung rằng bệnh về tim mạch còn có thể gây run tay bất thường. Hay run ngón tay dai dẳng ở người trẻ và trung niên có thể liên quan đến bệnh cường giáp. Còn với người già, đây có thể là do suy giảm chức năng hệ thần kinh trung ương và nguy cơ mắc bệnh Parkinson, Alzheimer.
4. Màu da ở ngón tay thay đổi bất thường
Sự đổi màu của ngón tay có thể do hội chứng Raynaud gây ra. Đây là chứng co thắt động mạch nhỏ do rối loạn mạch máu và thần kinh, có thể dẫn đến thiếu máu cục bộ và thiếu oxy. Đồng thời cũng có thể gây hoại tử do thiếu máu cục bộ, viêm tủy xương, nhiễm trùng huyết và các bệnh khác.
Ngón tay đột nhiên trở nên rất vàng thường liên quan tới các bệnh về rối loạn chuyển hóa, chủ yếu là bệnh về gan. Ngoài ung thư gan, màu sắc ngón tay thay đổi còn có thể là dấu hiệu của ung thư phổi. Do không cung cấp đủ khí cho phổi sẽ sinh ra các hiện tượng ngón tay bị tím tái hoặc thậm chí là đau nhức, nhất là khi trời lạnh và nhiều nhất ở các đầu ngón tay. Ngón tay nhợt nhạt, trắng bệch thì thường liên quan đến thiếu máu, bệnh tim mạch.
5. Mọc mụn nước hay nốt ruồi khác lạ
Nếu phát hiện trên ngón tay, ngón chân có nốt ruồi đen, đặc biệt có những thay đổi bất thường như to ra, chảy máu, loét, ngứa, thay đổi màu sắc… thì nên đi khám kịp thời. Bởi vì chúng có khả năng chuyển thành u ác tính, hay còn gọi là u hắc tố - ung thư da rất cao.
Bởi vì ngón tay là vị trí ma sát rất nhiều, cũng dễ bị ảnh hưởng bởi môi trường bên ngoài. Hay các điều trị và kích ứng không phù hợp như châm cứu, đốt, đốt nốt ruồi ở quán ven đường sẽ dẫn đến khối u phát triển nhanh hơn.
Cũng đừng xem nhẹ các mụn nước li ti mọc ngày càng nhiều ở ngón tay. Nhất là nếu mụn mọc thành từng cụm, gây ngứa ngáy hoặc liên tục mọc lại sau khi bôi thuốc. Đó rất có thể là do bạn mắc bệnh nặng về gan, đặc biệt là ung thư gan. Bệnh thường đi kèm vàng da, nặn hết dịch trong mụn thì vết thương cũng rất lâu lành và thường gây ra bong tróc da thời gian dài.
6. Móng tay bất thường
Hầu hết chúng ta không chú ý quá nhiều vào móng tay vì nghĩ nó không quan trọng. Nhưng theo tiến sĩ Amy Derick, giảng viên lâm sàng của Khoa da liễu, Đại học Northwestern (Illinois, Mỹ), có khoảng 30 dấu hiệu trên móng tay có liên quan đến vấn đề sức khỏe.
Khi khỏe mạnh, phần bán nguyệt gần gốc móng tay màu trắng, bề mặt trơn láng, móng hồng hào, bóng và không có gờ sọc hay đổi màu. Nhưng nếu móng tay có các đường sọc lạ, đổi màu rõ rệt, nham nhở, dễ gãy, có đốm, có lỗ lõm… thì tốt nhất nên đi khám sức khỏe sớm.
Ảnh minh họa
Sọc đen hoặc móng tay chuyển màu đen, có nhiều đốm đen thường liên quan tới ung thư da. Đốm trắng không do chấn thương thì cẩn trọng với các bệnh lý như xơ gan, lắng đọng huyết sắc tố, hạ canxi máu… Sọc dọc màu trắng thường liên quan đến các bệnh ngoài da, tay chân miệng. Còn sọc trắng ngang có thể là do cơ thể thiếu kẽm nhưng cũng có thể là dấu hiệu của bệnh lý ở gan hay thận.
Còn nếu xuất hiện những chấm đỏ cùng lúc với vài đường sọc dọc thì rất nguy hiểm. Nhất là khi chỉ cần chà xát hoặc ấn nhẹ sẽ gây đau dữ dội thì rất có thể là u cuộn mạch dưới móng. Móng lõm thì thường gặp ở bệnh nhân vảy nến, hội chứng Reiter (viêm khớp phản ứng), bệnh rụng tóc từng vùng (alopecia areata).
Tương tự, móng nham nhở dù không tác động, yếu và dễ gãy ngoài nấm móng thì còn có thể là vảy nến, bệnh mạch máu, suy giáp, đái tháo đường, viêm phổi, địa y Planus…
Màu của móng tay cũng phản ánh nhiều vấn đề sức khỏe. Móng tay vàng hay liên quan tới bệnh về phổi, gan, tuyến giáp… Còn móng tay trắng liên quan tới bệnh tim mạch, gan, thận... Móng tay đen ngoài ung thư da còn có thể là do bệnh gan, suy tim sung huyết hoặc bệnh tiểu đường.